Tiếng Việt | English

26/05/2022 - 20:21

Học phí có thể tăng mạnh ở tất cả các cấp học: Phụ huynh lo lắng

Với các trường công lập tự chủ tài chính, mức học phí cao nhất có thể lên đến 1,6 triệu đồng/tháng ở bậc phổ thông, 5,46 triệu đồng/tháng với giáo dục nghề nghiệp và trên 6 triệu đồng với bậc đại học.


(Ảnh minh họa: Minh Sơn/Vietnam+)

Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội vừa công bố dự thảo nghị quyết về việc tăng học phí từ năm học 2022-2023 với mức học phí tăng gấp đôi so với năm học 2021-2022. Trong khi đó, ở bậc đại học, nhiều trường đã chính thức công bố tăng học phí, với mức tăng khá mạnh trong năm học tới.

Điều này khiến nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng, nhất là khi kinh tế nhiều gia đình đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19 trong những năm vừa qua.

Học phí tăng mạnh

Dự kiến, năm học 2022-2023, mức học phí ở một số cấp học tại hai thành phố lớn sẽ tăng gấp đôi. Cụ thể, bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông ở các quận, thị xã, thị trấn có mức học phí dự kiến là 300.000 đồng/học sinh/tháng; khu vực nông thôn là 100.000 đồng/học sinh/tháng (riêng bậc trung học phổ thông là 200.000 đồng/tháng); khu vực miền núi và vùng dân tộc thiểu số là 50.000 đồng/học sinh/tháng (bậc trung học phổ thông là 100.000 đồng/tháng). Các năm tiếp theo, học phí tiếp tục tăng.

Ở bậc đại học, các trường cũng đồng loạt công bố tăng học phí. Đại học Kinh tế-Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến mức học phí năm học tới là 42 triệu đồng, tăng gấp 1,2 lần so với mức học phí 35 triệu đồng của khóa tuyển sinh năm 2021. Trong ba năm tiếp theo, trường tiếp tục tăng học phí thêm 2 triệu đồng mỗi năm.

Mức học phí mới theo dự thảo nghị quyết của Hà Nội.

Học viện Báo chí Tuyên truyền cũng thông báo tăng học phí hệ đại trà từ 276.000 đồng/tín chỉ lên 440.559 đồng/tín chỉ (gấp 1,5 lần); hệ chất lượng cao tăng từ 771.200 đồng/tín chỉ lên 1.321.677 đồng/tín chỉ (gấp 1,7 lần).

Với khối trường y dược vốn có mức học phí cao hơn các khối ngành khác, mức tăng học phí lại càng cao hơn. Theo đề án tuyển sinh của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, dự kiến mức học phí cho khóa tuyển sinh năm 2022 cao nhất có thể lên đến 44,368 triệu đồng đồng/năm với nhóm ngành Y khoa, Dược học, Răng-hàm-mặt và 41 triệu đồng/năm với nhóm ngành đào tạo còn lại.

Đại học Y Hà Nội cũng mới thông qua mức học phí áp dụng cho năm học 2022-2023. Theo đó, học phí khối ngành Y dược (gồm các ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Y học dự phòng) và Răng-hàm-mặt có mức học phí 2,45 triệu đồng/tháng, tăng gấp 1,7 lần so với mức 1,43 triệu đồng đang được áp dụng. Khối ngành Sức khỏe có mức tăng thấp hơn, từ 1,43 triệu đồng/tháng lên 1,85 triệu đồng/tháng.

Thực hiện theo quy định mới

Theo lãnh đạo các địa phương và các cơ sở giáo dục, việc tăng học phí đối với tất cả các bậc học ở các cơ sở giáo dục công lập từ năm học 2022-2023 được quy định rõ trong Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 27/8/2021 về cơ chế thu chi, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực đào tạo.

Học phí các bậc học mầm non đến trung học phổ thông theo quy định mới.

Theo đó, mức học phí dao động từ 50.000 đồng đến 300.000 đồng tùy khu vực và bậc học. Từ năm học 2023-2024, mức học phí sẽ tiếp tục tăng nhưng không quá 7,5%.

Ở bậc giáo dục nghề nghiệp, trung cấp, cao đẳng, mức trần học phí năm học 2022-2023 với các trường chưa tự chủ tài chính trong khoảng từ gần 1,25 triệu đồng/tháng đến 2,45 triệu đồng tùy ngành học trong khi mức học phí hiện hành của ngành học cao nhất ở bậc học này chỉ 1,14 triệu đồng/tháng, ngành học thấp nhất là 780.000 đồng/tháng.

Mức trần học phí với các cơ sở giáo dục chưa tự đảm bảo chi thường xuyên bậc cao đẳng, trung cấp, giáo dục nghề nghiệp.

Bậc giáo dục đại học, mức trần học phí thấp nhất với các trường chưa tự chủ tài chính năm học 2022-2023 là 1,2 triệu đồng/tháng, mức học phí tối đa là 2,45 triệu đồng tháng.

Đây là mức học phí áp dụng với các cơ sở giáo dục công lập chưa tự chủ tài chính. Với các cơ sở tự chủ tài chính, mức học phí có thể tăng gấp 2 đến 2,5 lần so với mức học phí trên, tùy theo mức độ tự chủ của các trường. Theo đó, với các cơ sở giáo dục công lập tự chủ tài chính, mức học phí cao nhất có thể lên đến 1,6 triệu đồng/tháng ở bậc phổ thông, 5,46 triệu đồng/tháng với giáo dục cao đẳng-nghề nghiệp và trên 6 triệu đồng/tháng với giáo dục đại học.

Mức trần học phí với các cơ sở giáo dục chưa tự chủ chi thường xuyên bậc đại học.

Điều này cho thấy mức học phí dự kiến mới của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn ở mức sàn, học phí của các đại học công bố vẫn chưa kịch trần, tuy nhiên vẫn khiến cho người dân không khỏi lo lắng.

Làm ruộng không đủ sống, hai vợ chồng chị Phạm Thu Hương (Ân Thi, Hưng Yên) rời quê lên Hà Nội thuê nhà trọ, chồng chạy xe ôm, vợ bán bún. Con lớn đang học lớp 12, anh chị gửi ở cùng ông bà, chỉ dám đưa con nhỏ lên ở cùng. 


Chị Hương cho hay hai năm qua dịch dã, quán bún đóng cửa, chồng chị cũng không có việc khi Hà Nội giãn cách. Hai vợ chồng phải dùng đến tiền tiết kiệm để trang trải chi tiêu. Vài tháng nay, nhịp sống bắt đầu trở lại bình thường nhưng kinh tế gia đình vẫn rất khó khăn nên thông tin học phí tăng ở cả phổ thông lẫn đại học khiến anh chị thêm phần lo lắng.

"Con tôi có lực học khá tốt và cháu thích khối ngành kinh tế, ước ao thi đỗ vào Đại học Ngoại thương hay Đại học Kinh tế quốc dân. Nhưng do hạn hẹp tài chính, tôi đang hướng con sang khối ngành sư phạm vì vừa được miễn học phí, vừa được hỗ trợ tài chính, dù biết rằng điều đó cũng không nên," chị Hương trải lòng.

Đây cũng là nỗi niềm của chị Nguyễn Thị Minh (Kiến Xương, Thái Bình). Chị Minh cho biết con trai chị dự định xét tuyển vào Đại học Y Hà Nội nhưng cả nhà vẫn đang cân nhắc vì vấn đề học phí. Hai vợ chồng đều làm công nhân cho một công ty may mặc, chị Minh cho hay trong suốt hai năm qua, công ty chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh nên ít việc, thậm chí có giai đoạn chị phải nghỉ không lương trong khi vẫn phải lo toan rất nhiều khoản, từ học hành của các con, chi tiêu cuộc sống. Vì thế, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn.

Chị Minh nhẩm tính, nếu con đi học ở Hà Nội sẽ thêm rất nhiều chi phí khác, từ tiền ăn, tiền ở cùng với chi tiêu nhiều khoản khác, trong đó học phí chỉ là một phần. Nếu tính cả học phí, dù tiết kiệm dè sẻn hết mức thì mỗi tháng chị Minh cũng phải chi khoảng 5 triệu tiền học cho con, bằng đúng lương công nhân của chị. Chi tiêu cho cô con gái đang học lớp 10 và trang trải cuộc sống gia đình sẽ chỉ còn trông chờ vào khoản lương 7 triệu đồng mỗi tháng của người chồng.

Dù các trường đều có chính sách học bổng nhưng theo chị Minh, số học bổng rất ít so với tổng số sinh viên và chỉ dành cho những em xuất sắc.

“Chính phủ tăng học phí là chủ trương đúng nhưng tôi hy vọng trong giai đoạn kinh tế khó khăn này, việc tăng học phí sẽ ở mức độ phù hợp với sức của người dân. Tôi cũng mong chính sách cho sinh viên vay vốn sẽ được điều chỉnh tương ứng theo hướng nâng mức cho vay và mở rộng đối tượng được vay để những học sinh có kinh tế gia đình eo hẹp như con tôi vẫn có thể thực hiện được ước mơ của mình,” chị Minh nói./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Chia sẻ bài viết