Tiếng Việt | English

04/07/2019 - 10:26

Tăng thu nhập từ phụ phẩm lúa

Những năm gần đây, được sự khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh Long An, nhiều hộ trồng lúa tận dụng nguồn rơm, rạ sau thu hoạch để trồng trọt, chăn nuôi, góp phần tăng thu nhập và bảo vệ môi trường.

Các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh và thị xã Kiến Tường,... được xem là vùng nguyên liệu cung cấp sản lượng lớn lúa gạo hàng năm cho tỉnh. Theo đó, mỗi năm, có hàng triệu tấn rơm, rạ thải ra môi trường. Một số nông dân chọn cách đốt rơm, rạ gây ra khí thải nhà kính hoặc thải xuống sông, kênh, rạch,... gây hôi thối, ô nhiễm nguồn nước.

Rơm sau thu hoạch lúa được tận dụng để trồng nấm rơm. Ảnh: Ban QLDA VnSAT Long An

Rơm sau thu hoạch lúa được tận dụng để trồng nấm rơm. Ảnh: Ban QLDA VnSAT Long An

Trước thực trạng đó, ngành nông nghiệp phối hợp địa phương khuyến cáo nông dân tận dụng nguồn rơm, rạ sau thu hoạch để trồng nấm rơm. Tháng 11/2018, Ban Quản lý dự án VnSAT Long An phối hợp thực hiện thành công mô hình tận dụng nguồn phụ phẩm từ lúa trồng nấm rơm tại Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Đồng Đưng, xã Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường, với 35 thành viên tham gia. Năng suất bình quân đạt 150kg nấm rơm/1.686kg rơm khô, bán với giá 50.000 đồng/kg nấm, lợi nhuận đạt 1,7 triệu đồng. Lượng rơm, rạ sau khi ủ nấm có thể dùng làm phân hữu cơ bón cho cây trồng. Dự án VnSAT còn hỗ trợ đào tạo 2 lớp tập huấn với 60 thành viên tham dự về tận dụng sản phẩm phụ từ lúa làm nấm rơm. Giám đốc HTX Nông nghiệp Đồng Đưng - Nguyễn Văn Trơn nhận định: "HTX Đồng Đưng có sẵn nguồn nguyên liệu rơm, rạ, được Dự án VnSAT hỗ trợ tập huấn kỹ thuật và hướng dẫn thực hành tại mô hình trồng nấm rơm từ khâu đầu đến khâu cuối của quy trình như chọn giống, xử lý rơm, cấy giống làm mô nấm, xử lý bệnh hại nấm, quản lý nhiệt độ, tưới nước,... các thành viên HTX vừa học lý thuyết, vừa thực hành trên mô hình nên dễ tiếp thu và ứng dụng vào sản xuất. Mô hình giúp tăng thu nhập cho nông dân, giải quyết lao động nhàn rỗi địa phương và giảm thiểu tác hại của rơm, rạ sau thu hoạch đối với môi trường".

Bên cạnh trồng nấm, rơm, rạ sau khi thu hoạch lúa còn được khuyến cáo làm phân hữu cơ. Sau khi thu hoạch lúa, rơm, rạ được gom thành đống rồi tưới nước sao cho độ ẩm luôn ở mức 80-85%. Pha 0,2kg chế phẩm sinh học (EMC/Trichoderma) với 50 lít nước và 1kg phân NPK cho 1 tấn rơm rạ. Trải rơm một lớp dày khoảng 30cm thì tưới 1 lượt hỗn hợp trên, làm nhiều lớp cho đến khi cao khoảng 1,5m thì dùng bạt che kín. 10-12 ngày thì kiểm tra và đảo đều 1 lần. Sau 20-30 ngày, rơm, rạ thu được phân hủy, có thể lấy bón ruộng. Trung bình mỗi tấn rơm ủ sẽ cho ra khoảng 10kg đạm, 9,5kg lân và 21kg kali, thu được gần 400.000 đồng. Ngoài ra, nông dân còn có thể sử dụng rơm, rạ làm thức ăn cho trâu, bò.

Tổng kết mô hình trồng nấm rơm tại Hợp tác xã Đồng Đưng

Với mục tiêu tăng thu nhập cho nông dân và giảm thiểu tác hại đối với môi trường, Dự án VnSAT khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm phụ từ lúa gạo dựa trên tình hình thực tế và điều kiện cụ thể của từng địa phương. 

Mô hình trồng nấm và ủ phân bón hữu cơ từ rơm, rạ mang lại hiệu quả thiết thực, cần được nhân rộng tại nhiều địa phương. Ngành nông nghiệp cần kết hợp nghiên cứu chuyển giao công nghệ, tuyên truyền sâu, rộng để nông dân tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có vừa nâng cao thu nhập, vừa góp phần bảo vệ môi trường và sinh thái đồng ruộng. Năm 2019, Dự án VnSAT triển khai thực hiện 5 mô hình với 250 người tham gia, kinh phí dự toán trên 273 triệu đồng; tổ chức 5 lớp tập huấn cho 175 người về việc sử dụng rơm, rạ làm nấm rơm, kinh phí dự toán là 107 triệu đồng./. 

Đại Việt

Chia sẻ bài viết