Chị là hiệu trưởng một trường THCS, có cuộc sống gia đình hạnh phúc, ấm êm. Thế nhưng, chỉ gần 1 năm sau ngày chị được bổ nhiệm, anh chị kéo nhau ra tòa. Chị suy sụp tinh thần và tự trách mình vì lo việc trường mà không chu toàn việc gia đình. Anh chị đều là viên chức nhà nước. Lúc trước, cứ sau giờ làm việc, cả hai đều tranh thủ về nhà chăm sóc các con, quán xuyến gia đình. Đảm nhiệm vị trí quản lý, công việc nhiều hơn, có hôm, chị không kịp rước con nên nhờ anh giúp. Bữa cơm chiều anh nấu vội để các con kịp ăn rồi đến lớp học thêm. Một phần do tự ái vì thua kém vợ, một phần phải gánh vác việc gia đình, anh thường cau có vô cớ. Những lần cãi nhau xảy ra thường xuyên hơn. Rồi anh chị chia tay với lý do “không cùng quan điểm”. Nhiều lúc, chị tự trách mình đã không giữ được hạnh phúc gia đình, còn anh chìm đắm trong chuỗi ngày cô đơn vì không có vợ, con bên cạnh.
Thời gian xa nhau, anh nhận ra mình đã quá ích kỷ khi so đo với vợ, không tạo điều kiện cho chị phát huy khả năng. Thật ra anh còn yêu vợ và chị cũng yêu anh. Bỏ qua những bất đồng, anh chị “gương vỡ lại lành” để các con có một gia đình trọn vẹn. Câu chuyện của chị khiến nhiều người suy nghĩ. Thật ra, phụ nữ có phát huy hết khả năng của mình hay không còn phụ thuộc vào yếu tố gia đình. Nếu được người chồng cùng gánh vác công việc, người vợ sẽ có thời gian học tập, tham gia hoạt động xã hội để nâng cao kiến thức, mạnh dạn, tự tin hơn trong cuộc sống, địa vị người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội được nâng cao; chị em có thời gian tham gia hoạt động thể dục - thể thao rèn luyện sức khỏe, nghỉ ngơi, giải trí. Nếu người chồng hiểu và biết chia sẻ cũng như hỗ trợ vợ trong công việc và cuộc sống thì phụ nữ mới có thể vừa chu toàn “việc nước”, vừa đảm đương “việc nhà”. Bình đẳng giới không chỉ tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển mà còn đóng góp lớn vào sự phát triển KT-XH./.
Ánh Minh