Cánh đồng lớn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất của Hợp tác xã Nông nghiệp Gò Gòn (huyện Tân Hưng)
Góp phần nâng cao đời sống người dân
Hiện nay, toàn tỉnh Long An có 169 hợp tác xã (HTX), trong đó có 147 HTX đang hoạt động với 56.369 thành viên, tổng vốn điều lệ 255.987 tỉ đồng. HTX nông nghiệp chiếm hơn 70%, tập trung nhiều ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười. Thực tế cho thấy, phong trào KTTT, chủ yếu là HTX nông nghiệp tạo việc làm ổn định với thu nhập khá cho nhiều lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh cho biết: “Phong trào KTTT giúp nông dân sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học, công nghệ, mở rộng thị trường,... Từ đó, hình thành một lực lượng lao động mới năng động hơn”.
HTX Nông nghiệp Gò Gòn (huyện Tân Hưng) là một trong những HTX điển hình ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, mang lại hiệu quả cao. Giám đốc HTX Nông nghiệp Gò Gòn - Trương Hữu Trí chia sẻ: “HTX là nơi tiên phong thực hiện sản xuất lúa chất lượng cao. Thời gian qua, HTX còn triển khai sản xuất lúa giống đặc sản. Lúa giống có giá thị trường khoảng 14.000-15.000 đồng/kg nhưng khi HTX sản xuất, giá thành chỉ khoảng 6.000-8.000 đồng/kg.
Như vậy, sử dụng lúa giống do HTX sản xuất, xã viên tiết kiệm được 50% chi phí giống, khoảng 1 triệu đồng/ha. Hiện nay, 149 hộ tham gia HTX canh tác 1.164ha luôn phấn khởi do lợi nhuận cao hơn bên ngoài từ 2-3 triệu đồng/ha/vụ. Vụ Đông Xuân 2016-2017, toàn bộ 1.100 tấn “gạo sạch Gò Gòn” của HTX được một công ty xuất khẩu gạo bao tiêu”.
Cánh đồng lớn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất của Hợp tác xã Gò Gòn
Bên cạnh những mặt thuận lợi, hầu hết HTX nông nghiệp ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười còn khó khăn. Ông Đặng Ngọc Quí - thành viên HTX Nông nghiệp Thạnh Hưng (thị xã Kiến Tường), trăn trở: “Các HTX nông nghiệp còn gặp khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, sản phẩm đầu ra chưa ổn định nên nhiều hộ không muốn tham gia HTX, họ ngại bỏ vốn đầu tư vào nơi mà lợi nhuận chưa được bảo đảm. Tôi mong Nhà nước, các ngành chức năng tích cực hỗ trợ nông dân tìm đầu ra cho nông sản. Có như vậy, việc liên kết sản xuất mới đạt hiệu quả, HTX mới thu hút được nông dân”.
Để kinh tế tập thể phát triển bền vững
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: “Hầu hết HTX nông nghiệp rất cần chính sách hỗ trợ về hạ tầng, hướng dẫn xây dựng phương án sản xuất, nâng cao năng lực quản lý kinh doanh cho cán bộ, xã viên và hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho lao động kỹ thuật,... Vì thế, mỗi địa phương cần có những sáng kiến, mô hình thích hợp để xây dựng HTX theo thế mạnh của từng vùng”.
Phát triển KTTT nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) không những tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, chất lượng tốt mà còn tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Vì vậy, các địa phương cần rà soát lại quy hoạch phát triển KTTT; phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, nguồn lao động để phát triển mô hình KTTT hợp lý; tiếp tục rút kinh nghiệm thực tế, tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phù hợp với xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện thuận lợi về giao thông, điện, nước,... cho KTTT phát triển.
Bên cạnh đó, các địa phương cần khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia xây dựng và phát triển các vùng KTTT sản xuất hàng hóa nông sản có lợi thế với quy mô lớn theo quy hoạch, đạt các tiêu chuẩn về môi trường, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh; gắn sản xuất với chế biến, bảo quản và tiêu thụ, thực hành quản lý sản xuất và chất lượng nông sản theo chuỗi giá trị, tăng sản lượng sản phẩm hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan kiểm tra tiến độ xây dựng mô hình Hợp tác xã điểm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười (Trong ảnh: Tham quan mô hình gieo mạ khay để cấy bằng máy tại Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường)
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh - Nguyễn Thanh Hải thông tin: “Thời gian qua, các địa phương quan tâm hơn đến việc tuyên truyền, củng cố, phát triển kinh tế hợp tác, HTX. Chuyển biến rõ nét nhất là việc liên kết giữa các HTX nông nghiệp với các doanh nghiệp được chú trọng hơn, nhất là xây dựng cánh đồng liên kết với các doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Tuy nhiên, còn một số HTX phát triển thiếu tính bền vững, nhất là các HTX dịch vụ nông nghiệp cũ được thành lập từ trước, vẫn tồn tại thực trạng thành viên ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước. Số HTX này năng lực nội tại còn nhiều hạn chế, nhất là về vốn và phương án tổ chức sản xuất, kinh doanh. Mặc dù Liên minh HTX tỉnh kiểm tra, củng cố nhưng nội lực quá yếu, không đủ khả năng để vực dậy, đành phải giải thể. Điều đó cho thấy, sự phát triển của HTX được quyết định trước hết bởi năng lực quản lý của cán bộ chủ chốt HTX. Nhưng hiện nay, phần lớn giám đốc HTX, đặc biệt là những HTX nông nghiệp chỉ điều hành HTX bằng kinh nghiệm”.
Với thực tế trên, tỉnh cần chú trọng hơn công tác đào tạo cán bộ có kiến thức và kỹ năng toàn diện để điều hành HTX, nhất là các HTX nông nghiệp. Năm 2018, Liên minh HTX tỉnh chủ trương rà soát và củng cố các loại hình tổ hợp tác, HTX hiện có trên địa bàn, phấn đấu có 55% HTX khá giỏi, 40% HTX trung bình và tỷ lệ HTX yếu kém còn dưới 5%.
Liên minh HTX tỉnh cũng đề ra các giải pháp hỗ trợ: Tập trung đẩy mạnh triển khai hiệu quả các chính sách Nhà nước khuyến khích phát triển HTX về thuế, tín dụng, đất đai và tăng nhanh giải ngân nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX; tạo điều kiện cho các HTX tham gia các chương trình, dự án phát triển KT-XH ở địa phương, nhất là các chương trình quốc gia về lao động, việc làm; hỗ trợ HTX vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ nhằm sản xuất sản phẩm chất lượng cao, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Trong đợt kiểm tra tiến độ xây dựng mô hình HTX điểm sản xuất nông nghiệp ƯDCNC vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Văn Cảnh nhấn mạnh: “Toàn tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 4 vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC trên sản phẩm chủ lực của tỉnh, trong đó có 20.000ha sản xuất lúa ƯDCNC trong vùng lúa cao sản, xuất khẩu ở các huyện thuộc vùng Đồng Tháp Mười. Để thực hiện được mục tiêu trên, tỉnh ưu tiên đầu tư vào các dự án xây dựng và phát triển Trung tâm Công nghệ sinh học Đồng Tháp Mười, dự án ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống lúa chất lượng cao, thực hiện dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao,... UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao phục vụ chế biến gạo xuất khẩu vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Long An đến năm 2020”./.
Song Hồng