Có sự quan tâm, chăm lo, công nhân, lao động an tâm làm việc, gắn bó với công ty
Người lao động chưa “mặn mà” tìm việc làm chính thức
Anh Trần Văn Cường (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) làm công nhân (CN) tại Nhà máy MêKông, Long An trên 3 năm.
Tháng 6/2023, anh được nhà máy vận động viết đơn xin nghỉ việc vì không có đơn hàng. Nhận thấy nhiều tháng liền chỉ có thu nhập chưa đến 3 triệu đồng/tháng, không đủ chi phí sinh hoạt trong gia đình, anh Cường quyết định nghỉ việc.
Sau đó, anh đến Trung tâm Dịch vụ Việc làm Long An làm các hồ sơ thủ tục để nhận bảo hiểm thất nghiệp. Dù được Trung tâm tư vấn học nghề miễn phí cho đối tượng đang nhận trợ cấp thất nghiệp và giới thiệu việc làm mới nhưng anh từ chối.
Anh Cường bộc bạch: “Sau khi nghỉ việc ở nhà máy, tôi xin làm bốc vác thời vụ cho một công ty (Cty), hưởng tiền công theo sản phẩm và không ký hợp đồng LĐ, không đóng các loại bảo hiểm. Tôi dự định sau khi nhận bảo hiểm thất nghiệp và rút bảo hiểm xã hội thì mới nộp hồ sơ tìm việc làm chính thức”.
Tương tự trường hợp anh Cường, anh Trương Vĩnh Bầm (xã Long Định, huyện Cần Đước) cũng chưa có ý định tìm việc làm mới sau khi nghỉ việc tại một Cty trong Khu công nghiệp Thuận Đạo để hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp và rút bảo hiểm xã hội 1 lần.
Anh Bầm tâm sự: “Tôi làm CN trên 5 năm, bình quân thu nhập gần 10 triệu đồng/tháng. Từ năm 2022 đến nay, Cty không có đơn hàng, thu nhập của CN giảm nhiều, không đủ chi phí sinh hoạt. Do đó, tôi quyết định nghỉ việc”.
Được biết, từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Long An giới thiệu việc làm cho trên 1.560 LĐ; tư vấn nghề, việc làm, hướng nghiệp cho đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp với trên 151.900 lượt người, trong đó, tư vấn việc làm cho đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp trên 108.046 lượt người.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Long An - Trần Văn Tiếng cho biết: “Trung tâm luôn nỗ lực tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ và kết nối DN với NLĐ. Tuy nhiên, hiện nay, một bộ phận NLĐ mất việc làm chỉ quan tâm đến nội dung trong chính sách bảo hiểm là số tiền trợ cấp, thời gian trợ cấp mà ít quan tâm đến tìm việc làm mới.
Ngoài ra, số lượng lớn LĐ hưởng trợ cấp thất nghiệp tham gia làm việc thời vụ tại các DN, không được ký hợp đồng LĐ hoặc tham gia các loại bảo hiểm làm tỷ lệ LĐ thất nghiệp tăng”.
Doanh nghiệp nỗ lực tuyển dụng và “giữ chân” người lao động
Không chỉ tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, Cty Cổ phần Thực phẩm Cát Hải (huyện Cần Giuộc) còn quan tâm, chăm lo cho NLĐ để họ an tâm làm việc, hăng hái thi đua và gắn bó lâu dài với Cty.
Hiện NLĐ của Cty có thu nhập bình quân 8,3 triệu đồng/tháng. 100% NLĐ được ký hợp đồng LĐ, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, thường xuyên được học tập để nâng cao tay nghề và hưởng đầy đủ các chế độ của Nhà nước quy định.
Người lao động đến làm các thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp được tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm
Thực hiện Quyết định số 6696/QĐ-TLĐ của Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đoàn viên Công đoàn, NLĐ bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng LĐ do DN bị cắt, giảm đơn hàng, toàn tỉnh có 6.623 đoàn viên, NLĐ được hỗ trợ với tổng số tiền trên 6,2 tỉ đồng. |
Ngoài ra, Cty Cổ phần Thực phẩm Cát Hải có nhà ăn tập thể thoáng mát, bảo đảm vệ sinh môi trường và điều kiện an toàn thực phẩm. NLĐ có bữa ăn trưa với giá trị 25.000 đồng/suất và bữa ăn giữa ca với giá 18.000 đồng/ suất. Cty còn thường xuyên cải thiện bữa ăn theo nguyện vọng của NLĐ, có chế độ cung cấp sữa miễn phí hàng ngày cho CN nữ mang thai. Đối với CN nữ nuôi con nhỏ, Cty hỗ trợ 200.000 đồng/cháu/tháng và hỗ trợ thêm 500.000 đồng/cháu/tháng với CN có con đang gửi nhà trẻ. Cty cũng có học bổng dành cho con CN học giỏi từ 1,5-4 triệu đồng, tùy cấp học.
Chủ tịch Công đoàn cơ sở (CĐCS) Cty Cổ phần Thực phẩm Cát Hải - Nguyễn Thị Hà cho biết: “Thời gian qua, Ban Giám đốc Cty phối hợp CĐCS tặng 30-50 điện thoại thông minh cho NLĐ.
Với những CN giỏi, có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, Cty cùng CĐCS xét xây tặng “Mái ấm Cát Hải”, mỗi căn có giá trị từ 90-130 triệu đồng. Cuối năm, tùy vào thành tích đóng góp và hoàn cảnh gia đình, Cty tặng 12 sổ tiết kiệm trị giá từ 15-25 triệu đồng cho CN”.
Người lao động làm các thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp mà ít quan tâm đến tìm việc làm mới
Sau thời gian thiếu đơn hàng trầm trọng do bị tác động của nền kinh tế thế giới và trong nước, Chi nhánh Cty TNHH May Thêu Thuận Phương - Nhà máy Thuận Phương Long An (huyện Cần Đước) từng bước ổn định sản xuất.
Dù chưa phục hồi hoàn toàn như giai đoạn trước đó nhưng hiện nhà máy có nhiều đơn hàng, trong đó, có một số đơn duy trì đến giữa năm 2024. Do vậy, nhà máy đang có nhu cầu tuyển dụng LĐ, nhất là LĐ có tay nghề may.
Giám đốc Chi nhánh Cty TNHH May Thêu Thuận Phương - Nhà máy Thuận Phương Long An - Phạm Tuấn Hoài Mạc chia sẻ: “Nhà máy đang gặp khó khăn trong tuyển dụng LĐ. Nguyên nhân là nguồn LĐ lân cận nhà máy không đủ cung ứng. Hiện nhà máy chỉ có nguồn LĐ chủ yếu từ tỉnh Tiền Giang và một số ít ở TP.HCM nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu.
Tôi mong muốn tỉnh có nhiều giải pháp giúp kết nối nguồn LĐ trong tỉnh đến các DN có nhu cầu tuyển dụng, nhất là LĐ có tay nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh. Riêng nguồn LĐ ở những vùng sâu, vùng xa của tỉnh, Cty sẵn sàng bố trí xe đưa, rước hoặc hỗ trợ tiền nhà trọ cho CNLĐ”.
Đồng bộ các giải pháp
Để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN trong việc tìm kiếm, tư vấn, tuyển dụng LĐ, Sở LĐ - Thương binh và Xã hội triển khai, thực hiện nhiều giải pháp. Sở phối hợp các cấp, các ngành tổng hợp, cập nhật nhu cầu đào tạo LĐ và tuyển dụng LĐ của DN trên địa bàn tỉnh lên website của Sở, liên thông với Cổng thông tin điện tử tỉnh và ứng dụng Long An Số để tạo thuận lợi cho người dân, DN tra cứu thông tin.
Các cấp Công đoàn quan tâm, chăm lo cho đoàn viên, người lao động
Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Long An thường xuyên tổ chức sàn giao dịch việc làm tại Trung tâm; lưu động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các địa phương để kết nối NLĐ có nhu cầu tìm việc làm, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và DN; phối hợp Phòng LĐ - Thương binh và Xã hội, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ các huyện, thị xã, thành phố, cộng tác viên ở địa phương thông tin rộng rãi nhu cầu tuyển dụng của DN cho NLĐ trên địa bàn.
Theo Phó Giám đốc Sở LĐ - Thương binh và Xã hội - Nguyễn Đại Tánh, ngoài những giải pháp trên, Sở phối hợp các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và lân cận tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tuyến, kết nối cung - cầu trực tuyến giữa DN và LĐ tại các tỉnh, thành phố để hỗ trợ DN tuyển dụng LĐ.
Đồng thời, Sở vận động DN cải thiện mức lương, các chế độ ưu đãi hợp lý như tiền thưởng, hỗ trợ tiền đi lại, bố trí xe đưa rước, tiền nhà trọ,... để “giữ chân” LĐ trong tỉnh an tâm làm việc và lan tỏa thu hút nguồn LĐ từ các địa phương khác.
Tin rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng sự nỗ lực vượt khó của DN, thị trường LĐ cuối năm sẽ dần sôi động, góp phần vào sự phát triển KT-XH của tỉnh./.
Thông tin từ Sở LĐ - Thương binh và Xã hội, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 41.230 LĐ bị giảm giờ làm, trên 18.300 LĐ bị ngừng việc tạm thời; 18 lượt DN báo cáo phương án sử dụng LĐ với trên 2.600 LĐ bị mất việc làm.
Dự kiến từ nay đến cuối năm 2023, nhu cầu tuyển dụng LĐ của các DN trên 16.000 vị trí việc làm, tập trung vào các nhóm ngành như kỹ thuật cơ khí - công nghệ; chế biến - chế tạo; kinh tế - văn phòng và LĐ phổ thông trong các ngành nghề.
|
Ngọc Thạch - Kim Ngọc