Tiếng Việt | English

25/12/2018 - 19:39

Thanh Phú: Thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo

Thời gian qua, xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, trong đó tập trung hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động,... từ đó giúp hộ nghèo vươn lên, có thu nhập ổn định.

Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Thanh Phú - Lê Văn Lộc cho biết, để công tác giảm nghèo được thực hiện hiệu quả, ngay từ đầu năm, các ban, ngành, đoàn thể xã tiến hành rà soát, đánh giá nguyên nhân dẫn đến nghèo của từng hộ để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Trong đó, chủ yếu là các giải pháp đào tạo nghề, giới thiệu lao động vào làm việc tại các công ty, xí nghiệp trên địa bàn, hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp để sản xuất, kinh doanh,...

Cán bộ ấp đến thăm hỏi cuộc sống gia đình bà Trương Thị Thiết (bìa trái)

Cuối năm 2017, xã Thanh Phú còn 45 hộ nghèo.Với mục tiêu phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, Nghị quyết Đảng ủy xã đề ra chỉ tiêu phải giảm 7 hộ nghèo trong năm 2018.Với sự chủ động của cấp ủy, chính quyền, xã tuyên truyền, vận động nhân dân triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Đồng thời, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Qua sự giới thiệu của địa phương, chúng tôi đến thăm mô hình sản xuất của gia đình bà Phạm Thị Ánh, (SN 1950), ngụ ấp Thanh Hiệp, một trong những hộ nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Được biết, chồng bà Ánh vừa mất cách đây không lâu, gia đình neo đơn lại không có đất sản xuất, sinh sống chủ yếu bằng nghề làm mướn và mót lúa, thu nhập rất bấp bênh. “Đầu năm 2018, tôi được địa phương tạo điều kiện vay 5 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện. Từ số tiền này, tôi mua 100 con vịt về thả nuôi, sau 2 tháng xuất chuồng một lần, trừ chi phí, tôi còn lãi khoảng 3 triệu đồng” - bà Ánh chia sẻ. 

Tương tự, gia đình bà Trương Thị Thiết (SN 1953), cùng ngụ ấp Thanh Hiệp, cũng là một trong những hộ phát huy hiệu quả nguồn vốn vay để cải thiện thu nhập gia đình. Bà Thiết kể: “Trước đây, vì thiếu vốn kinh doanh nên quầy cháo lòng, hủ tiếu dưới chân cầu vượt chỉ đơn sơ với vài bộ bàn ghế. Ngày nắng thì bán được vài tô, còn hôm nào mưa thì coi như ngày đó cả gia đình phải ăn cháo và hủ tiếu thay cơm”. 

Năm 2018, được Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện xét cho vay 40 triệu đồng, bà Thiết thuê mặt bằng và đầu tư thêm bàn ghế mở quầy cháo, hủ tiếu ở Khu công nghiệp Thuận Đạo, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức. “Bình quân mỗi ngày, tôi bán hơn 100 tô cháo và hủ tiếu, lợi nhuận khoảng 300.000 đồng/ngày. Hiện nay, tôi đã trả xong nợ vay ngân hàng và làm đơn xin thoát hộ nghèo” - bà Trương Thị Thiết bộc bạch.

Không chỉ hỗ trợ phát triển kinh tế, giới thiệu việc làm, xã còn triển khai thực hiện hiệu quả các dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững. Tập trung các nguồn lực xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo; hỗ trợ vay vốn để đầu tư về nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh,...Lồng ghép việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo với chương trình xây dựng nông thôn mới. Qua đó, góp phần thực hiện các chỉ tiêu của Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững theo đúng lộ trình đề ra.

Với nhiều giải pháp đồng bộ và sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ đầu năm 2018 đến nay, xã Thanh Phú có 34/45 hộ vươn lên thoát nghèo. Toàn xã hiện chỉ còn 11 hộ nghèo, chiếm gần 1% theo tiêu chí mới. Thu nhập bình quân đầu người tiếp tục tăng lên, đạt khoảng 45 triệu đồng/năm. “Năm 2019, xã tiếp tục huy động mọi nguồn lực xã hội hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm cho từng hộ nghèo, phấn đấu đến cuối năm giảm hết hộ nghèo trong toàn xã” - ông Lê Văn Lộc thông tin thêm./.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết