Tiếng Việt | English

03/11/2021 - 09:56

Thêm một mùa lũ buồn (Bài 1)

Hàng năm, mùa nước nổi (mùa lũ) về mang lại nhiều sinh kế cho người dân, người giăng câu, giăng lưới, người hái bông súng, bông điên điển,... Nước lũ về còn mang theo lượng lớn phù sa bồi đắp đồng ruộng, góp phần cho vụ mùa mới bội thu. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, lũ thấp, thậm chí không về làm ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống người dân.

Bài 1: Buồn vì lũ nhỏ

Mùa nước lũ vốn được xem là “mùa làm ăn” của những người dân nghèo vùng lũ. Thế nhưng, năm nay, lũ về trễ và thấp khiến những ai quen sống với con cá, con tôm phải... thở dài.

Lũ về ở mức thấp

Nguồn thủy sản ngày càng cạn kiệt

Những năm trước, vào mùa này, đi dọc trên những tuyến đường của các xã vùng trũng thấp (Vĩnh Đại, Vĩnh Lợi, Vĩnh Bửu, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An), không khó để bắt gặp hình ảnh nông dân ngồi lại cùng nhau lựa ra các loại cá đồng, cua, lươn vừa thu hoạch được dưới kênh hay cánh đồng nước sau nhà.

Còn năm nay thì khác, hình ảnh này không còn nữa. Nhiều người làm nghề đánh bắt cá lâu năm cho biết, chưa bao giờ có cảnh khan hiếm cá vào mùa lũ như năm nay. Gắn bó với nghề đặt lọp vào mùa lũ đã hơn chục năm qua, anh Nguyễn Văn Nghĩa (xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng) chia sẻ, từ hơn tháng nay, anh sửa lại những cái lọp cũ để chuẩn bị đánh bắt cá, nhưng đến nay nước vẫn không về. “Từ khi làm nghề này đến nay, chưa từng thấy khi nào khó khăn như năm nay.

Bình thường, cứ đến tầm tháng 7 Âm lịch là lũ về, cá đầy đồng, nhưng năm nay lũ về trễ và thấp hơn mọi năm, lượng cá không nhiều. Tôi đặt hơn 500 cái lọp, 2 - 3 ngày thăm một lần nhưng chỉ thu về được 5 - 7kg cá lóc, phi, rô…, bán chỉ được hơn 200.000 đồng. Trong khi đó, mấy năm về trước, mỗi ngày bắt được vài chục kilôgam cá, thu nhập 300.000 - 500.000 đồng, có bữa trúng kiếm được cả triệu đồng” - anh Nghĩa than thở.

“Năm nay ít cá quá, toàn cá mồi!” - anh Nguyễn Văn Truyền (xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng) thở dài sau chuyến đổ dớn về. Hơn 20 bộ dớn của anh chỉ thu được khoảng hơn 10kg/đêm, trong đó chỉ có hơn 1kg cá linh, còn đa số là cá lòng tong, cá sặt, cá rô. Số cá nhỏ thì bán làm cá mồi với giá 5.000 đồng/kg. Tính ra, hơn 10kg cá, anh chỉ được vài chục ngàn đồng.

“Những năm trước, cũng với số lượng dớn này, mỗi ngày, tôi đổ cả trăm kilôgam cá. Nhưng năm nay lũ thấp, cá ít, không biết tôi theo nghề được bao nhiêu năm nữa...” - anh Truyền buồn bã.

Nguồn thủy sản mùa lũ ngày càng khan hiếm, những người mưu sinh theo con nước cũng gặp khó khăn

Dọc theo tuyến kênh Ngang về xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng, một trong những xã thuộc vùng trũng thấp nhất của huyện, những năm trước đây, khi con nước tràn về hầu như ngập tất cả các cánh đồng,…

Hàng trăm hộ dân ở đây cũng bám theo con nước mưu sinh, người giăng lưới, thả câu, người đặt dớn, đặt lọp,... mỗi ngày, kiếm được vài trăm ngàn đồng. Thế nhưng năm nay, con nước về trễ và ở mức thấp làm cho nhiều người dân làm nghề cá mùa lũ gặp khó khăn.

Anh Ngô Văn Đực (xã Tuyên Bình Tây) cho biết: Mùa khô, gia đình canh tác 2ha đất sản xuất lúa, mùa nước làm nghề cá để kiếm thêm thu nhập. Mấy năm nước lớn, giăng 500 - 600m lưới, mỗi ngày kiếm được cũng vài chục đến cả trăm kilôgam cá tạp, ngoài làm thức ăn cho cá nuôi, bán cũng được 200.000 - 300.000 đồng.

“Làm nghề giăng lưới cả chục năm mà chưa năm nào cá ít như năm nay, giờ kiếm cá ăn còn khó. Tụi tôi sống nhờ mùa nước, năm nay cá ít như vầy… chắc “đi đứt” một mùa làm ăn nữa rồi” - anh Đực buồn rầu.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hưng - Phạm Thanh Hùng cho biết: “Lũ thấp khiến nguồn lợi thủy sản khan hiếm. Trước đây lũ về, trên những cánh đồng vùng trũng của huyện, số lượng người địa phương và những hộ dân từ các huyện của tỉnh Đồng Tháp sang giăng câu, thả lưới, đặt dớn,... rất đông, nhưng năm nay lũ thấp, chỉ còn vài hộ làm nghề cá. Thu nhập cũng giảm hơn trước rất nhiều do cá, tôm về ít. Thấy lũ về thấp, ai cũng buồn!”.

Đìu hiu chợ cá đồng mùa lũ

Mấy năm trước, mùa lũ về, tại các chợ vùng lũ, số lượng cá đồng tự nhiên được người dân đánh bắt mang đến bán tăng cả về số lượng lẫn chủng loại. Thế nhưng năm nay, đến thời điểm này, các chợ đầu nguồn vẫn đìu hiu, không còn cảnh mua bán náo nhiệt, đông đúc như những năm trước.

Dạo quanh một số chợ ở các huyện đầu nguồn Tân Hưng, Vĩnh Hưng, lượng cá đồng rất ít. Có mặt tại khu vực chợ cá của huyện Tân Hưng vào một phiên chợ sáng, theo các tiểu thương, năm nay, cá đồng ra chợ rất ít, chỉ có một số loại như cá chốt, cá lăng, mè dinh,...

Trưởng ban Quản lý chợ Tân Hưng - Trần Văn Châu cho biết: “Chợ thường họp từ sáng sớm đến giữa trưa. Mọi năm, vào thời điểm đầu mùa lũ, người bán đông, có lúc tăng gấp 2 - 3 lần ngày thường. Lý do, ngoài số tiểu thương có mặt thường xuyên còn có người dân đánh bắt được cá từ trong đồng cũng mang ra bán. Còn năm nay, lũ về thấp, lượng cá đồng ra chợ rất ít”.

Sản vật mùa lũ như bông điên điển, bông súng cũng khan hiếm

“Mọi năm lũ về, tôi thu mua khoảng 200kg/ngày (cá lóc, trê, trèn, chốt,...) để làm khô; còn năm nay, cá rất ít, mỗi ngày thu mua chừng vài chục kilôgam, đa phần phải làm khô bằng cá nuôi để cung cấp cho thị trường” - chị Dương Thị Gái - tiểu thương chợ cá Tân Hưng, nói.

Còn tại chợ Vĩnh Hưng, thời điểm này những năm trước, buổi sáng tấp nập xuồng, ghe cập bến chở theo sản vật mùa nước nổi. Mỗi ngày có hàng tấn cá, cua, lươn, ếch,... tập kết về đây để mang đi tiêu thụ nhiều nơi, thế nhưng năm nay khan hiếm về chủng loại cũng như sản lượng.

Theo chị Nguyễn Thị Ngọc Ngân - tiểu thương chợ cá Vĩnh Hưng, do lượng cá đồng khan hiếm nên giá bán tăng khoảng 20 - 30% so với các năm trước. Hiện giá cá lóc, cá trê từ 100.000 - 120.000 đồng/kg; cá chốt, cá lăng từ 50.000-80.000 đồng/kg và cá mè dinh 40.000 - 50.000 đồng/kg. Không những các loại cá, lươn, rắn, ếch mà các sản vật khác như bông điên điển, bông súng, hẹ nước cũng khan hiếm tại các chợ hiện nay.

Hàng năm, mỗi khi mùa lũ về, người thì giăng câu, đánh cá, người thì thu hoạch các sản vật mùa nước nổi như bông súng, bông điên điển, hẹ nước đem ra chợ bán,... Đó là những sản vật “trời ban”, giúp người dân vùng lũ có thêm thu nhập. Năm nay, nước lũ về thấp khiến những người mưu sinh theo con nước cũng chật vật hơn./.

(còn tiếp)

Văn Đát

Bài 2: Lũ thấp, nông dân gặp khó 

Chia sẻ bài viết