Thu dọn dụng cụ nuôi cá Ảnh: Văn Đát
Lênh đênh nghề mưu sinh
Mùa nước nổi hằng năm vốn được xem là “mùa làm ăn” của những người giăng câu, thả lưới. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, lũ về trễ và nhỏ khiến cho những ai quen sống với con cá, con tôm phải lắc đầu ngao ngán. Vốn là một trong những địa phương thuộc vùng rốn lũ của huyện Tân Hưng, xã Vĩnh Châu B bây giờ vẫn còn nhiều cánh đồng nước chưa “bò” đến. Cuộc sống của người dân nơi đây cứ bình lặng như mọi khi, nhưng trong lòng ai cũng nặng một nỗi lo, bởi nước lũ không về như dự kiến.
Ông Ngô Văn Thành ăn ngủ chẳng yên, bởi đến lúc này, nhìn ra đồng vẫn không thấy nước về như nhiều năm trước. Ông than vãn: “Ngay cả vùng trũng như thế này mà nước chưa tràn đồng thì làm gì có cá, tôm. Để chuẩn bị mưu sinh mùa nước nổi năm nay, gia đình tôi đặt mua mấy chục cái lọp, hàng trăm mét lưới, chi phí tính sơ sơ gần 5 triệu đồng. Nhưng đánh bắt chưa được bao nhiêu thì nước lũ “chựng” lại, chưa thu hồi được vốn thì lấy đâu mà có dư!”.
Lũ thấp, người dân sống bằng nghề thả lưới gặp nhiều khó khăn
Năm nào cũng vậy, cứ vào khoảng giữa tháng 7 đến hết tháng 10 âm lịch, hàng chục ghe, thuyền của cư dân ngoài tỉnh hội tụ về dòng kênh 79 để đánh bắt cá, tôm. Sáng sớm, họ chia nhau len lỏi vào khắp các cánh đồng để giăng câu, thả lưới. Chiều về, họ “tá túc” gần nhau cùng ăn uống, nghỉ ngơi. Ngặt nỗi, năm nay nước nhỏ, không có nhiều thủy sản, những buổi tối rộn rã tiếng cười ngày nào giờ tắt lịm, thêm vào đó là vẻ mặt buồn rầu, lo lắng của những người nặng lòng với con nước.
Lũ không về, cá, tôm ít, nhiều gia đình xa xứ sống chủ yếu dựa vào mùa nước nổi cảm thấy chán nản, đành lặng lẽ về lại quê nhà, tìm một việc làm khác để mưu sinh. Gia đình ông Cao Trung Liên, quê ở Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, một trong số ít ghe còn neo đậu lại dòng kênh 79 bộc bạch: “Chừng nửa tháng trước, trên dòng kênh này cũng có nhiều “ông bạn” neo đậu trông chờ nước lên. Nhưng chờ hoài vẫn không thấy nước lên, họ lần lượt về quê hết rồi! Tôi nghe các anh bàn, sau này sẽ giải nghệ nghề chài lưới, có anh tính sẽ đi buôn chuối, có anh thì buôn dừa mùa nước nổi. Còn gia đình tôi chẳng biết làm gì, bởi ghe quá nhỏ và chẳng có vốn liếng gì nhiều”.
Vụ Đông Xuân sẽ gặp nhiều khó khăn
Nước lũ không tràn đồng, phù sa không về, đồng đất không được tháo chua, rửa phèn, có nghĩa là vụ lúa Đông Xuân năm nay, nông dân phải sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu nhiều hơn, chi phí tăng cao, năng suất lúa sẽ giảm đi đáng kể.
Tính đến thời điểm hiện nay, diện tích lúa Đông Xuân 2015-2016 gieo sạ trên toàn tỉnh là 46.620ha. Trong đó, vùng Đồng Tháp Mười diện tích 35.574ha, tập trung nhiều nhất ở các huyện Tân Thạnh (17.889ha), Tân Hưng (11.770ha), thị xã Kiến Tường (3.540ha), Vĩnh Hưng (1.480ha). Nông dân xuống giống đợt này đang đối mặt với tình trạng cỏ dại, sâu rầy, lúa chét trên đồng ruộng.
Nông dân sản xuất lúa Đông Xuân 2015-2016 phải tăng thêm chi phí
Ông Nguyễn Đức Thuận, ngụ xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng cho biết: “Lũ nhỏ, phù sa không vào ruộng nên để lúa phát triển tốt, chúng tôi phải bón thật nhiều phân khiến chi phí tăng lên. Mọi năm nước lớn, ở vùng này, nông dân chỉ đào bờ xả nước ra là gieo sạ. Năm nay, nông dân phải bơm nước vào nên tốn bình quân vài chục ngàn đồng/công đất”.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước tình hình lũ thấp, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan củng cố, tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn nông dân tranh thủ bơm nước, vệ sinh đồng ruộng thật kỹ để hạn chế tối đa cỏ dại, ốc bươu vàng có khả năng gây hại sản xuất; san bằng mặt ruộng tốt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ san phẳng mặt ruộng điều khiển bằng tia laser và đánh mương, rãnh sâu để thuận lợi trong việc chống hạn, chống úng kịp thời.
Khi mùa nước nổi không còn trở nên đáng ngại và người dân vùng Đồng Tháp Mười đã quen “sống chung với lũ” thì nhiều năm nay, mùa lũ lớn lại trở nên hiếm hoi hơn. Phải chăng đến lúc, nông dân vùng Đồng Tháp Mười, các ngành hữu quan phải tính đến việc, người dân vùng này phải sống chung với không có lũ./.
Hải Phong - Hữu Bằng