Tiếng Việt | English

03/11/2023 - 10:12

Theo con nước miền Tây...

Nam kỳ lục tỉnh là vùng sông nước. Từ miền Đông xuống miền Tây rồi tận chót mũi Cà Mau, đi đâu cũng gặp sông: Đồng Nai, sông Bé, đôi dòng Vàm Cỏ, Cửu Long, Cái Lớn, Cái Bé, Trèm Trẹm,... Cuộc sống người dân cũng gắn liền sông nước. Làng xã nằm dọc bờ sông, phố thị trên bến dưới thuyền. Chính vì vậy, trong lời ăn tiếng nói của người miền Nam về hình ảnh con nước cũng nhiều miên man như vùng sông nước.

Sông nước miền Nam đa phần chảy theo hướng Tây Bắc xuống Đông Nam. Đồng bằng miền Nam cũng hình thành theo trục này, cao từ phía Tây và thoải dần xuống phía Đông Nam, ở giữa lại có đồng trũng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên. Lời nói, hình ảnh về con nước cũng địa phương hóa theo từng vùng đất.

Cũng nói là nước lớn nhưng nước lớn ở hạ lưu khác với nước lớn ở Đồng Tháp Mười. Chuyện nước lớn, nước ròng không chỉ là sinh hoạt, đời sống mà còn thấm vào ký ức, tình cảm của người phương Nam.

Giăng lưới mùa nước nổi (Ảnh Nguyễn Việt Hùng)

Con nước lớn, ròng “chảy” vào ca dao

Ở các tỉnh miệt hạ lưu, nước sông đổ ra biển. Nước biển theo chế độ thủy triều, ngày 2 lần lên, xuống, dội ngược vô sông tạo ra hiện tượng nước lớn, nước ròng. Nước lớn là chỉ khi triều lên, sông đầy; nước ròng là khi triều rút, sông cạn nước. Chuyện nước lớn, ròng mỗi ngày đã vào ca dao tình tự của gái, trai; giữa anh khách thương hồ và cô thôn nữ, từ câu hò đối đáp vẩn vơ, mượn cớ để làm quen:

Nước lớn rồi lại nước ròng

Đố ai bắt được con còng trong hang.

Khi đã quen, anh khách gác tay chèo, ướm lời bày tỏ:

Một mai nước lớn đò trôi

Cây khô lá rụng, bậu ngồi chờ ai?

Cô thôn nữ không né tránh mà dạn dĩ đáp lời:

Tôi ngồi chờ mít, chờ khoai

Chờ người quân tử, chờ trai anh hùng.

Khi đã thân quen quyến luyến, chuyện nước lớn, ròng thành quy luật được ẩn dụ gọi mời khách dừng chân. Cô gái mượn tiếng loài chim có nhịp sinh học gắn liền với con nước lớn:

Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi!

Buôn bán chẳng lời, chèo chống mỏi mê.

Ven bờ sông, rạch thường có loại dây leo mọc dày từng đám bám theo các tàn cây, thòng xuống mặt nước sông, dân gian thường gọi là dây tơ hồng. Các chàng trai, cô gái đã mượn hình ảnh này nối kết tình duyên:

Nước ròng tôm đất lội xuôi

Chỉ tơ thòng xuống cột tui với mình.

Nước ròng sát đáy (Ảnh Nguyễn Việt Hùng)

Khi tình cảm đã qua lúc mặn nồng, khách lãng tử có mòi tách bến, tiếp bước lãng du, hình ảnh nước lớn, ròng lại được cô gái dùng như lời biện bạch về quy luật của đất trời thời vận để kéo níu:

Anh đừng thấy em nghèo anh phụ

Anh đừng thấy em khó anh vong

Anh ơi, nước lớn có khi ròng

Làm người sao khỏi mắc vòng gian nan.

Gặp hoàn cảnh trắc trở, người ta dùng hình tượng nước ròng để nói những điều không tưởng, bày tỏ mong ước của mình. Nam Vang là đoạn thượng nguồn sông, nước chỉ có chiều chảy xuôi, không có lớn, ròng nhưng chàng trai thách thức:

Nước ròng chảy tới Nam Vang,

Làm thơ để lại em khoan lấy chồng.

Khi tình cảm đứt đoạn, đôi bên xa cách như mặt nước sông lúc ròng lùi xa bờ bãi, chàng trai uất nghẹn:

Nước ròng bỏ bãi xa cừ,

Gặp em hỏi thử sao từ nghĩa nhân.

Đăng bắt cá Đồng Tháp Mười mùa nước nổi (Ảnh Nguyễn Việt Hùng)

Nước rông, nước kém, nước sát

Chuyện nước lớn, nước ròng đã rõ, sao còn chuyện nước rông, nước kém? Do thủy triều không chỉ bị tác động của mặt trời hàng ngày mà còn bị tác động theo mặt trăng hàng tháng nên mỗi tháng có 2 chu kỳ nước rông (nước lớn) và nước kém (nước thấp). Nước lớn, nước ròng là theo chu kỳ mỗi ngày, nói nước rông, nước kém là chu kỳ con nước mỗi tháng.

Thời điểm nước ròng của con nước kém, mực nước thấp nhất có nơi chỉ còn một dòng chảy nhỏ gọi là con nước sát. Mùa khô, người dân tận dụng con nước sát để đi xúc, nôm cá trên các sông, rạch nhỏ ven xóm. Cả xóm tập hợp thành đoàn, nam dùng nôm, nữ dùng rổ xúc.

Theo dẫn dắt của người lớn tuổi nhiều kinh nghiệm, họ cùng xuống một đoạn sông nhất định đúng vào lúc nước xuống thấp, nôm, xúc cá ngược theo dòng chảy. Nước ngừng chảy gọi là nước chững, họ dừng lại đánh bắt tại chỗ. Nước từ biển chảy ngược vào sông, chuyển từ ròng sang lớn gọi là nước hồi, họ lên bờ. Cứ vậy xúc, nôm suốt con nước kém, tạo nguồn thức ăn trong mùa khô.

Nước rông không chỉ có dưới sông mà còn được gọi lúc nước ngập tràn đồng. Ca dao có câu:

Nước rông nước chảy tràn đồng

Tơ duyên sẵn có chỉ hồng chưa xe.

Không có lũ, chỉ có mùa nước nổi, nước dâng!

Trong kho tàng chữ nghĩa của dân miền Nam trước năm 1975 không có lũ, chỉ có mùa nước nổi. Mùa đẹp thơ mộng và giàu có sản vật thiên nhiên ban tặng từ phù sa, tôm, cá đến các đặc sản khác như bông súng, điên điển,...

Người ở vùng hạ nhắc nhở nhau về mùa nước nổi trù phú như ngày hội:

Muốn ăn mắm sặt bần chua

Chờ mùa nước nổi ăn cho đã thèm.

Với dân Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, chu kỳ thời tiết trong năm không phải nắng, mưa, xuân, hạ, thu, đông mà là nước dâng và mùa nắng cháy:

Tháp Mười nước mặn, đồng chua

Nửa mùa nắng cháy, nửa mùa nước dâng.

Người ta hân hoan chờ nước vàng, nước bạc từ sông mẹ Mê Kông nên chữ nghĩa dùng cho nước thật trân trọng thân thương: Nước lên, nước về, nước xuống:

Nước lên nước ngập cả đồng

Anh lo tôm cá đặng phòng nắng, mưa.

Làm sao có thể gọi là mùa lũ khi nó là cột mốc đợi chờ cơ hội mưu sinh. Nước không đi, không đổ, không cuốn mà nước nhảy như những bước chân vui của con trẻ:

Tháng bảy nước nhảy lên bờ

Sắm rớ, sắm đáy đợi chờ làm ăn.

Bước nhảy của nước còn được ẩn dụ là sự cộng hưởng của những tác nhân hòa hợp với nhau: Có nước sông, nước đồng mới nhảy.

Với mùa nước nổi, người dân vùng ngập nước cũng có cặp từ nước lớn, nước nhỏ nhưng ý nghĩa khác đi. Chữ lớn, nhỏ ở đây là chỉ lượng nước nhiều, ít của cả mùa chứ không chỉ trong ngày hay tháng như ở miệt hạ lưu. “Năm nay nước nhỏ quá, cá linh về ít! Năm trước nước lớn, mấy ông đóng đáy trúng cá bể tay!”.

Ngày nay, Trung Quốc đắp đập ở thượng nguồn, mùa nước nổi ngày càng nhỏ lại; phù sa, tôm, cá ít đi. Những mẻ cá đầy ắp chỉ còn là ký ức, là ước mơ.

Thương quý nguồn nước, người dân miền Nam xem nước như như vật sống, có hồn. Khi nước đã bão hòa không còn dâng cao nữa, người ta gọi nước nằm hay nước đứng. Khi nước nằm nhiều ngày, không lên, xuống thì gọi nước ương hay nước ninh, ví von nó với trạng thái tình cảm lơ lửng, không rõ ràng, không chắc chắn:

Nước còn khi chảy, khi ương

Gẫm tôi với bậu lươn khươn quá chừng.

Thậm chí, người ta còn long trọng Nho hóa tình trạng ương bằng từ Hán Việt là “cầm thủy”:

Trời mưa chi hoài chi hủy

Nước dưới sông cầm thủy lạnh tựa như đồng.

Lạnh thì em chịu lạnh, mà đóng cửa loan phòng chờ anh.

Ở vùng hạ, nước ương lại được dùng chỉ lúc giao thời giữa con nước lớn và con nước kém.

Nước bắt đầu rút, mực nước hạ thấp, gọi là nước giựt. Nước chảy nhẹ nhàng, người ta lãng mạn gọi nước trôi:

Ở Hà Tiên mần ăn không khá

Anh về Rạch Giá anh bán cá mòi

Thương nhau không được ngỏ lời

Nước trôi thăm thẳm biết đời nào nên.

Nước trà, nước bạc, nước phèn

Về màu sắc, chất liệu nước ở miền Nam lại có 3 loại “đặc sản” ngoài các loại nước mặn, ngọt, lợ thông thường của các loại sông, hồ.

Độc đáo nhất là nước trà ở rừng U Minh. Theo tài liệu, tên gọi Cà Mau được hình thành do người Khmer gọi tên vùng đất này là “Tưk Kha-mau”, có nghĩa là nước đen. Nước đen là màu nước đặc trưng do lá tràm của thảm rừng tràm U Minh bạt ngàn rụng xuống làm đổi màu nước. Cà Mau là xứ đầm lầy ngập nước, có nhiều bụi lác mọc tự nhiên và hoang dã.

Khi lưu dân người Việt đến khai phá, nước trong kinh, rạch U Minh không còn đen mà là màu nâu nhạt như loại nước trà quạu, người ta gọi là nước chè (trà)! Ngày nay, rừng U Minh đã bị xóa sổ, nước trà ấy cũng mai một. Chỉ duy nhất ở lâm trường Vồ Dơi thuộc Vườn quốc gia U Minh Hạ và một phần miệt thứ U Minh Thượng còn lại những đoạn kinh, mương lưu giữ mẫu nước trà.

Bài thơ Vàm Cỏ Đông của nhà thơ Hoài Vũ đã ghi nhận: “Vàm Cỏ Đông nước xanh biêng biếc”. Đó là màu xanh trong của nước phèn chua. Ca dao có câu:

Nhất trong là nước phèn trôi

Nhất béo, nhì bùi là cá rô câu.

Ca dao cổ mang tính phổ thông của Việt Nam từng nhắc đến từ nước bạc:

Công lênh chẳng quản lâu đâu,

Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng.

Nước bạc ở đây mang nghĩa bóng, mang tính biểu tượng, tương đồng với cơm vàng. Miền Nam có loại nước bạc đúng cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen từ thượng nguồn Mê Kông đổ về trong mỗi mùa nước nổi. Nguồn nước giàu phù sa, tôm, cá, màu trắng đục. Dưới ánh nắng mặt trời phản chiếu màu trắng bạc. Nguồn tài nguyên quý giá này đang ngày càng mất đi.

Nước rút (Ảnh Nguyễn Việt Hùng)

Giáp nước

Do hệ thống sông ngòi chằng chịt và ảnh hưởng chế độ thủy triều nên sông, rạch miền Nam có hiện tượng đặc biệt là giáp nước. Theo cụ Huỳnh Tịnh Của thì đây là chỗ hai mối nước đụng lấy nhau.

Cụ Vương Hồng Sến giải thích chi tiết hơn: “Trên một con sông từ nguồn chảy xuống biển, dọc đường mang theo phù sa cát hoặc bùn trôi theo, đến lúc gặp nước thủy triều từ biển chảy lên (con nước lớn), hai mối gặp nhau dồn ứ, cát và bùn đọng lại lâu ngày mọc lên cao, sông lớn thì gọi nổi cồn, sông nhỏ thì có thể gọi “nổi sóng trâu”, Pháp gọi “nổi gáy lừa” (dos d'ane), ghe, thuyền đến đó mắc cạn phải chờ nước lớn mới thoát qua được, ví bằng chỗ đó có đá nhọn thọc lên (lố rạn), thì nguy hiểm không liệu trước được, lại nữa những chỗ ấy, biết dời chỗ, mùa gió chướng thổi già thì lên cao phía trên nguồn, mùa nước đổ từ ngọn thổi xuống, thì “lưng lừa” dời xuống vàm, di chuyển được nên thường thấy tàu lớn ngoại quốc vô sông Sài Gòn, nói tỷ dụ, phải có hoa tiêu dẫn đường, phòng ngừa tránh lố rạn, còn trên các sông nhỏ trong xứ thì phải thành thạo và giàu kinh nghiệm để biết “giáp nước” mà tránh. Ở khu vực gần Cà Mau chỗ các con nước gặp nhau chảy ra biển Cà Mau gọi là Giáp Nước trở thành một xã ngày nay”.

Miền Nam, giáp nước là nơi thuyền bè chờ con nước nên thường có quán, chợ hay thị trấn như huyện Thủ Thừa ở Long An. Về phía hạ lưu cuối sông Vàm Cỏ chảy vào sông Soài Rạp có Bao Ngược, Vàm Tuần là đoạn thủy trình nguy hiểm nhưng lúc nào cũng đông đúc ghe thuyền:

Một là sang ngang Bao Ngược

Hai là vượt sông Vàm Tuần.

Nước lớn, nước rông, nước ròng, nước sát,... không chỉ là khẩu ngữ dân gian, hơn 150 năm trước đã được Huỳnh Tịnh Của ghi nhận trong Đại Nam Quấc Âm Tự Vị như là kho tàng quý giá ngôn ngữ miền Nam. Tiếc thay, sau này, nhiều và rất nhiều hạt ngọc quý giá ấy đã dần mai một. Những hình ảnh đẹp như hừng đông, chạng vạng, sa mưa,... cũng dần mất đi./.

Anh Thư

Chia sẻ bài viết