Tiếng Việt | English

21/10/2022 - 08:56

Chuyện về đoàn xiếc duy nhất ở miền Tây

Sau 40 năm thành lập và phát triển, Đoàn Xiếc Long An (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh) hiện là đoàn xiếc duy nhất còn lại ở khu vực miền Tây Nam bộ, được người dân cả nước biết đến và cũng là nơi từng gắn bó của nhiều nghệ sĩ (NS) xiếc lừng danh.

Vang danh đoàn xiếc Long An

Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Thái Mạnh Hiển được xem là "cây đa, cây đề" của nghệ thuật xiếc Việt Nam với nhiều cống hiến. Ông cũng chính là một trong những NS đầu tiên “Nam tiến” để gầy dựng Đoàn Xiếc Long An từ những ngày đầu thành lập.

Năm 1982, Đoàn Xiếc Long An chính thức được thành lập sau một năm chuẩn bị của những người tâm huyết, trong đó phải kể đến ông Nguyễn An Định - con trai trưởng của cụ Nguyễn An Ninh. Đoàn Xiếc được thành lập với 30 thành viên gồm những NS hàng đầu, một số diễn viên trẻ và học viên Trường Xiếc Việt Nam vừa tốt nghiệp từ miền Bắc tình nguyện vào Long An tham gia Đoàn Xiếc Long An. Ông Nguyễn An Định được tín nhiệm giữ vị trí trưởng đoàn.

Các nghệ sĩ Đoàn Xiếc Long An nhận khen thưởng của tỉnh khi có thành tích trong cuộc thi Tài năng xiếc toàn quốc

Thời điểm đó, dù có nhiều khó khăn nhưng các lớp NS đi trước vẫn nỗ lực, phấn đấu, xây dựng thành công tên tuổi của Đoàn Xiếc Long An. Đoàn có nhiều tiết mục biểu diễn hay, tạo được tiếng vang, để lại dấu ấn trong lòng khán giả Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Tên tuổi của đoàn ngày càng vang xa, nhất là giai đoạn NSND Thái Mạnh Hiển làm trưởng đoàn. Có thể nói, Đoàn Xiếc Long An đã có một thời hoàng kim rực rỡ.

Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Nguyễn Văn Chiến - nguyên Phó Trưởng đoàn Xiếc Long An, từng chia sẻ, có những thời điểm, Đoàn Xiếc Long An lưu diễn suốt 10 tháng mỗi năm ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Tên tuổi NSƯT Thái Mạnh Hiển (giờ là NSND), NS Nguyễn Văn Phú (giờ là cố NSƯT), NS Nguyễn Văn Chiến (giờ là NSƯT),... tỏa sáng, gắn liền và tạo nên danh tiếng cho Đoàn Xiếc Long An. Xiếc Long An bắt đầu “bước ra thế giới” với nhiều tiết mục đoạt giải tại liên hoan xiếc Việt Nam, liên hoan xiếc quốc tế, tài năng xiếc trẻ 3 nước Đông Dương: Việt Nam - Lào - Campuchia và được đi biểu diễn tại Liên Xô, Campuchia,...

Vào thời kỳ vàng son, Đoàn Xiếc Long An tập trung lực lượng xây dựng nhiều tiết mục hấp dẫn, trong đó có kịch xiếc, một thể loại đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa nghệ thuật xiếc, âm nhạc, biểu diễn kịch,... Ngày nay, một số đoàn xiếc thực hiện thử nghiệm kết hợp cải lương và xiếc. Phải chăng, ý tưởng táo bạo đó cũng xuất phát từ nền tảng sáng tạo của các NS gạo cội đi trước?

Những khó khăn hiện tại

Sau 40 năm tồn tại và phát triển, Đoàn Xiếc Long An xây dựng được chỗ đứng vững chắc trong lòng khán giả. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, đoàn gặp không ít khó khăn trong quá trình phát triển. Theo Trưởng đoàn Xiếc Long An - Nguyễn Văn Thoa, khó khăn lớn nhất của đoàn hiện tại là nhân lực. Đoàn có gần 30 NS nhưng trong đó, nhiều NS đã bước sang tuổi 50 - độ tuổi không thể tiếp tục đứng trên sân khấu. NS trẻ tuổi nhất trong đoàn cũng ngấp nghé 30. Nhiều tiết mục của đoàn đã phải gác lại vì thiếu nguồn nhân lực.

Các nghệ sĩ xiếc vẫn khắc phục khó khăn, biểu diễn hăng say, duy trì những thành quả mà Đoàn gầy dựng trong 40 năm qua

Nhiều người đến học tập, rèn luyện, biểu diễn và lại rời đi vì sự khắc nghiệt, khó khăn của nghề. Thiếu đội ngũ diễn viên trẻ, thiếu những tiết mục mới và hấp dẫn, thiếu kinh phí mua sắm trang thiết bị, đạo cụ biểu diễn khiến nhiều tiết mục, chương trình vẫn mãi dừng lại ở dự định và kế hoạch. Ông Nguyễn Văn Thoa nói: “Xiếc là một công việc đặc thù. Tuổi nghề của diễn viên thường chỉ kéo dài đến năm 40 tuổi. Sau độ tuổi đó, cơ thể diễn viên rất khó giữ được sự dẻo dai, bền bỉ cần thiết để tập các tiết mục mới hoặc biểu diễn lâu và nặng trên sân khấu. Trong khi đó, việc chuẩn bị đội ngũ kế thừa lại gặp rất nhiều khó khăn". Từ cách đây nhiều năm, Đoàn Xiếc Long An đã không thể tuyển được diễn viên là học viên Trường Xiếc Việt Nam như trước nữa. Hầu hết NS đang biểu diễn được tuyển chọn và đào tạo tại chỗ bởi những người đi trước. Tuy nhiên, số lượng vẫn rất hạn chế.

Trong những khó khăn hiện tại, các NS xiếc vẫn nỗ lực không ngừng để duy trì những thành tích mà đoàn đã gầy dựng trong 40 năm qua. Những buổi tập luyện vẫn bắt đầu mỗi sáng, những tấm huy chương vẫn được mang về đều đặn mỗi lần tham gia liên hoan xiếc. Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì điều đó, đoàn cần được sự hỗ trợ kịp thời để có thể tuyển chọn, đào tạo nguồn nhân lực mới kế thừa, có thêm kinh phí mua sắm đạo cụ và xây dựng tiết mục mới. Và biết đâu, tên tuổi đoàn xiếc duy nhất ở miền Tây lại một lần nữa vang danh như thời vàng son trước đó./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết