Tiếng Việt | English

07/09/2015 - 05:30

Thiếu chính sách “đòn bẩy” để nông dân liên kết phát triển nông nghiệp

Đánh giá này trong báo cáo nghiên cứu về hợp tác, liên kết nông dân trong sản xuất nông nghiệp do RCD và Oxfam đồng thực hiện, vừa công bố.

Nghiên cứu về hợp tác, liên kết nông dân trong sản xuất nông nghiệp do Viện Nghiên cứu và Tư vấn Phát triển (RCD) và tổ chức Oxfam đồng thực hiện, vừa công bố có đánh giá: Việt Nam còn thiếu chính sách “đòn bẩy”, chậm bắt kịp với thực tiễn phát triển, thiếu tính đồng bộ và đột phá để nông dân liên kết trong sản xuất nông nghiệp.

Rất ít HTX có khả năng tiếp cận vốn tín dụng

Giải thích cụ thể, báo cáo này cho biết, ngoài Quyết định 62 đang trong giai đoạn triển khai, các chính sách nói chung được đánh giá là thiếu tính đột phá, không có vai trò “đòn bẩy” thúc đẩy liên kết phát triển thực chất, bền vững, hiệu lực thực thi hạn chế. Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ được kỳ vọng sẽ tạo ra cú huých cho các mô hình lại thường là những chính sách có độ trễ dài nhất.

Trồng rau an toàn (Ảnh minh họa: KT)

Đơn cử, sau khi có Nghị quyết Trung ương 5 (đầu năm 2002), năm 2003 Luật HTX ra đời (hiệu lực 1/7/2004). Tuy nhiên, Nghị định Chính phủ liên quan tới một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX lại tới tháng 7/2005 mới được ban hành và đến tháng 2/2006, các chính sách này mới thực sự được triển khai.

Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cũng thường có hiệu lực thực thi bị hạn chế hơn cả, và chậm bắt kịp với thực tiễn. Đối với các HTX, khó khăn về trụ sở làm việc hiện nay đang là một vấn đề nổi cộm ở rất nhiều tỉnh, thành phố. Xu hướng này phổ biến hơn ở Lâm Đồng và Đồng Tháp. Tại Đồng Tháp, hiện 50% số HTX chưa có trụ sở. Việc không có trụ sở làm việc không chỉ ảnh hưởng tới việc quản lý, điều hành của các HTX mà còn ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận các chính sách ưu đãi về vốn, hay triển khai các dịch vụ, ví dụ như chế biến sản phẩm.

Về chính sách tiếp cận vốn và tín dụng, rất ít HTX có khả năng tiếp cận vốn, chưa nói tới hạn mức cho vay thấp và thủ tục còn nhiều khó khăn. Một số HTX phải thành lập doanh nghiệp; một số phải dùng tài sản riêng để vay vốn chung cho HTX…

Tình trạng này “bóp méo bản chất và xu hướng vận hành, phát triển của các mô hình liên kết”-báo cáo đánh giá. “Điều này đã, đang và sẽ là những trở lực của chính sách đối với sự phát triển của các mô hình hợp tác liên kết”.

Xu hướng liên kết qua tổ chức của nông dân ngày càng phổ biến

Mặc dù chính sách còn thiếu như nêu trên, nhưng khảo sát từ thực tiễn tại một số tỉnh, báo cáo này chỉ ra rằng, xu hướng liên kết qua tổ chức của nông dân ngày càng phổ biến trong sản xuất. Xu hướng này sẽ phát triển mạnh mẽ trong tương lai, nhu cầu không chỉ từ phía nông dân mà còn từ phía doanh nghiệp và thị trường.

Bởi thực tế, so với hình thức liên kết trực tiếp giữa nông dân với doanh nghiệp qua các hợp đồng kinh tế, hợp tác liên kết thông qua tổ chức nông dân là lựa chọn tốt hơn trong việc đảm bảo quyền lợi, tiếng nói và sự lựa chọn của nông dân. Mô hình tổ hợp tác đang tăng mạnh về số lượng (theo BNN-PTNT, năm 2013, cả nước có 61.571 tổ hợp tác nông nghiệp, bình quân tăng 3,3%/năm) và là lựa chọn của nhiều nông dân mong muốn liên kết, do phù hợp hơn với năng lực và nhu cầu của nông dân, chia sẻ giá trị chung và đảm bảo các nguyên tắc căn bản về tự nguyện, tự chủ, tự quản, minh bạch và hiệu quả mà nông dân mong đợi.

Dưới góc nhìn về vai trò của một “thiết chế cộng đồng” ở nông thôn, báo cáo đánh giá, “dù có hay không sự hỗ trợ, thúc đẩy từ các dự án tài trợ, doanh nghiệp và chính quyền địa phương, sự phát triển mạnh về số lượng của các tổ hợp tác là hệ quả khách quan của nhu cầu liên kết và hợp tác linh hoạt giữa những người sản xuất nhỏ trong giai đoạn hiện nay.

Tổ hợp tác đơn giản mà hiệu quả

“Ý thức về lợi ích lâu dài và tư duy sản xuất gắn với thị trường là hai nhân tố hàng đầu tạo nên tính kỷ luật và sự gắn kết của nông dân với các liên kết”- Báo cáo của RCD và Oxfam nêu.

 Dẫn ví dụ về một mô hình tổ hợp tác đang phát huy hiệu quả trong chia sẻ rủi ro, tương trợ trong sản xuất tại Lâm Đồng, nhóm nghiên cứu cho biết: Tổ hợp tác rau an toàn Suối Thông B2 (tại xã Đạ Ròn, Đơn Dương, Lâm Đồng) tuy cùng sản xuất rau theo quy trình VietGAP để cung cấp cho siêu thị Metro, nhưng 20 hộ gia đình của tổ hợp tác này có thể cùng lúc không sản xuất một sản phẩm. Họ cũng có thể không cùng sử dụng một loại phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, mẫu mã, chất lượng nông sản giữa các hộ có thể khác nhau. Từ đó, thu nhập cũng có thể khác nhau. So với các hộ gia đình khác, các gia đình trong tổ hợp tác này có thu nhập cao hơn nhiều. Ước thu lợi nhuận trung bình của mỗi hộ trong tổ hợp tác này lên tới 250 đến 300 triệu đồng/ha, cao hơn 40% so với hộ khác không thuộc tổ hợp tác này.

Để chia sẻ rủi ro, tương trợ nhau trong sản xuất, tổ hợp tác Suối Thông B có nguyên tắc chung là bất kỳ thành viên nào cần biết về loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, cách thức chăm sóc của hộ gia đình khác để đạt mẫu mã, chất lượng tương tự, các hộ gia đình được đề nghị sẽ phải thông tin và hỗ trợ cho gia đình có nhu cầu.

Theo nhóm nghiên cứu, “cơ chế này tuy đơn giản, nhưng hiệu quả thực tế rất cao. Nó vừa giúp tăng gắn kết, tương hỗ giữa các nông hộ trong tổ hợp tác, vừa giúp tổ hợp tác tránh được nhiều rủi ro chung trong suốt 8 năm qua khi cung cấp rau sạch cho Metro. Mô hình này còn tránh sự trà trộn của rau không đạt tiêu chuẩn VietGAP”.

Tuy nhiên, biết là mô hình hiệu quả, nhiều hộ muốn vào, nhưng vào rồi lại ra. Nguyên nhân chính là họ không đáp ứng được yêu cầu sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Khó khăn lớn nhất là phải thay đổi thói quen sản xuất.

Từ thực tế này, báo cáo kiến nghị: Đảm bảo xây dựng và thúc đẩy một môi trường phát triển thuận lợi cho hợp tác liên kết nông dân là trách nhiệm của nhiều chủ thể, trong đó vai trò hỗ trợ và điều tiết, “cầm cân nảy mực” quan trọng hàng đầu thuộc về nhà nước và chính quyền địa phương các cấp.

Nhà nước cần thừa nhận bản chất đa dạng của các hình thức hợp tác liên kết của nông dân; phát triển hợp tác liên kết trên cơ sở chức năng nhiệm vụ trọng tâm của liên kết nhằm phát huy tối ưu giá trị và tiềm năng của hoạt động hợp tác liên kết; Nhà nước cần tin tưởng vào sức mạnh của các tổ chức nông dân, coi phát triển tổ chức nông dân là giải pháp trung tâm trong giải quyết vấn đề thị trường nông sản. Nhà nước cần điều chỉnh chính sách tín dụng theo hướng tạo thuận lợi cho tổ chức nông dân và HTX trong việc tiếp cận. Nhà nước cũng cần bổ sung kịp thời các chính sách đòn bẩy về thị trường; sửa đổi chính sách tiếp cận đất đai đối với các tổ chức nông dân (HTX, THT,Hội)…/.

Xuân Thân/VOV.VN

Chia sẻ bài viết