Tiếng Việt | English

19/08/2020 - 19:41

Thỏa thuận thương mại liệu còn là yếu tố ổn định trong quan hệ Mỹ-Trung?

Thỏa thuận thương mại từng được xem là 1 trong những yếu tố hiếm hoi giúp ổn định quan hệ Mỹ-Trung nay đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ.

Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ sau tuyên bố của chính quyền Tổng thống Donald Trump hoãn vô thời hạn đàm phán thương mại với Trung Quốc và thậm chí để ngỏ khả năng rút khỏi văn kiện. Đây từng được xem là một trong những yếu tố hiếm hoi giúp ổn định quan hệ hai nước trong giai đoạn sóng gió hiện nay.


Ảnh minh họa: Reuters

Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows hôm qua (18/8) tuyên bố, không có bất kỳ cuộc đàm phán thương mại cấp cao mới nào được lên kế hoạch giữa Mỹ và Trung Quốc vào thời điểm hiện nay. Trước đó cùng ngày, phát biểu tại một sự kiện ở bang Arizona, Tổng thống Donald Trump cho biết từng hoãn một cuộc họp trực tuyến dự kiến vào ngày 15/8 vừa qua để đánh giá lại 6 tháng thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Nhà lãnh đạo Mỹ đồng thời chỉ trích cách Bắc Kinh ứng phó dịch Covid-19 gây nên tác động “không tưởng” đối với thế giới.

“Tôi đã hoãn các cuộc đàm phán với Trung Quốc. Tôi không muốn thảo luận với họ vào lúc này, bởi những gì họ đã làm với đất nước này và với thế giới. Chúng tôi sẽ xem điều gì sẽ xảy ra”.

Mỹ và Trung Quốc đã ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một hồi tháng 1 vừa qua, chấm dứt căng thẳng thương mại kéo dài gần 2 năm giữa hai nước. Dù từng là chủ đề mâu thuẫn lớn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong suốt 3 năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, song với thỏa thuận này, thương mại lại là khía cạnh bền vững hơn cả trong quan hệ hai nước. Ngoại trừ thương mại, Mỹ và Trung Quốc đối đầu gay gắt trên hầu hết các vấn đề từ luật an ninh Hong Kong, dịch Covid-19, đến những cáo buộc do thám, đánh cắp tài sản trí tuệ hay vi phạm nhân quyền.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cũng cho rằng, đây chỉ là giai đoạn “sóng yên biển lặng” trước bão lớn. Bởi dù hai bên đã đạt được thỏa thuận giai đoạn 1, nhưng Mỹ vẫn “treo” mức thuế đã áp lên 360 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc. Các quan chức thuộc chính quyền Tổng thống Donald Trump thời gian gần đây đã tỏ ý không hài lòng khi hoạt động nhập khẩu của Trung Quốc đối với hàng nông nghiệp, chế tạo, năng lượng và dịch vụ của Mỹ chậm hơn rất nhiều so với mức cần thiết để đáp ứng mục tiêu tăng mua thêm 77 tỷ USD hàng hóa trong năm nay so với lượng mua năm 2017, dù nguyên nhân một phần là do dịch Covid-19.            

Quyết định của Mỹ hoãn đàm phán thương mại với Trung Quốc dự báo sẽ gây ảnh hưởng tới thương mại toàn cầu vốn đã sụt giảm mạnh do đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 bùng phát, cũng như những tranh cãi chưa hồi kết giữa Washington và Bắc Kinh liên quan dịch bệnh, các biện pháp trừng phạt qua lại lẫn nhau và các lợi ích của hai nước trên thế giới.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày hôm qua (18/8), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên một lần nữa khẳng định lập trường của chính phủ Trung Quốc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty nước này trước những sức ép ngày một tăng của Mỹ.

“Việc Mỹ gia tăng các biện pháp đàn áp nhằm vào các công ty Trung Quốc, bao gồm cả Huawei càng chứng tỏ sự thành công của những công ty này và cho thấy sự bá quyền mà Mỹ. Các doanh nghiệp thành công của nhiều quốc gia khác cũng đã phải chịu những hành vi tương tự của Mỹ. Đây là những hành vi đáng hổ thẹn, đã, đang và chắc chắn sẽ tiếp tục bị các nước khác phản đối”.       

Trong một diễn biến liên quan, trước nguy cơ bị Mỹ “cấm cửa”, trang mạng truyền thông xã hội ăn khách nhất thế giới của Trung Quốc TikTok vừa ra mắt một trang web mới chống lại thông tin sai lệch về công ty, ngầm ám chỉ những cáo buộc của chính quyền Tổng thống Donald Trump cho rằng ứng dụng này chia sẻ dữ liệu người dùng Mỹ cho chính phủ Trung Quốc là “vô căn cứ và sai sự thật”.

Song song với đó, TikTok cũng tiếp tục mở rộng ảnh hưởng với việc ký thỏa thuận hợp tác quan trọng với UnitedMasters để cho phép các nghệ sĩ trên ứng dụng chia sẻ video này phân phối bài hát của họ trực tiếp tới các dịch vụ phát trực tuyến như Apple Music, Spotify và YouTube./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết