Tiếng Việt | English

21/11/2024 - 07:51

Thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật góp phần bảo vệ môi trường

Vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau khi sử dụng nếu không được thu gom, xử lý sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất nông nghiệp (SXNN), gây hại đến sức khỏe của con người cũng như môi trường sống xung quanh. Thiết nghĩ, mỗi người cần hình thành thói quen tốt, thay đổi nhận thức, hạn chế lạm dụng thuốc BVTV trong sản xuất, hướng đến nền nông nghiệp phát triển xanh và môi trường bền vững.

Thay đổi nhận thức và hành động

Môi trường trong hoạt động SXNN thời gian trước đây chưa được xem trọng. Trong quá trình SXNN, người dân sử dụng các hóa chất BVTV, thuốc trừ sâu, diệt cỏ,... vượt quá liều lượng khuyến cáo chính là các yếu tố gây ô nhiễm môi trường nước mặt và nước ngầm do hóa chất bị tồn dư. Thậm chí, một số nông dân còn sử dụng những loại hóa chất bị cấm không chỉ dẫn đến ô nhiễm nước mà còn vô cùng độc hại cho người sử dụng, nhất là khi không được trang bị dụng cụ bảo hộ lao động.

Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường thông qua các mô hình thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật

Huyện Tân Trụ, tỉnh Long An là một trong những địa phương đi đầu trong việc thực hiện mô hình, cách làm hay trong SXNN gắn với xây dựng, bảo vệ môi trường (BVMT). Huyện phát động, triển khai, thực hiện mô hình hố thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV trên toàn địa bàn.

Trung bình từ 5-10ha, huyện xây dựng 1 hố thu gom, mô hình ngày càng phát huy hiệu quả. Người dân thay đổi từ nhận thức đến hành động, bắt đầu đổi mới tư duy, cách làm nông nghiệp và sau khi dùng xong bao bì, vỏ chai thuốc BVTV được họ gom về hố, không còn tình trạng vứt bừa bãi trên cánh đồng như trước đây.

Hiểu được tác hại do bao bì thuốc BVTV gây ra đối với môi trường, bà Nguyễn Thị Kim (xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ) đồng tình, ủng hộ mô hình hố thu gom do địa phương triển khai, thực hiện.

Bà Kim vừa tích cực thu gom bao bì thuốc BVTV đến điểm tập kết, vừa vận động mọi người cùng tham gia hành động. Hầu hết người dân trên cánh đồng nơi bà Kim sản xuất đã ý thức cao, tự giác thực hiện.

Bà Kim cho biết: “Những tác hại trước mắt của ô nhiễm môi trường do bao bì thuốc BVTV có thể chúng ta chưa nhận thấy nhưng đời con cháu chắc chắn bị ảnh hưởng. Bởi vậy, bây giờ, nông dân cần thay đổi tư duy, cách làm nông nghiệp, hạn chế bớt ảnh hưởng của thuốc BVTV và hình thành thói quen thu gom vỏ chai, bao bì sau khi sử dụng về đúng nơi tập kết để đơn vị có chức năng thu gom, xử lý, giảm thiểu những tác động đến môi trường”.

Theo Chủ tịch UBND xã Bình Trinh Đông - Phạm Thành Dự, xã xây dựng hơn 40 hố thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV và tuyên truyền đến người dân để phối hợp thực hiện. Qua nhiều năm, đến nay, nông dân thay đổi thói quen và tự giác gom bao bì thuốc BVTV sử dụng xong về đúng vị trí đã tập kết để đơn vị đến thu gom, xử lý. Nhờ đó, diện mạo các cánh đồng thay đổi hẳn, môi trường trong SXNN được cải thiện, góp phần BVMT cũng như đóng góp thiết thực trong tiêu chí môi trường xã nông thôn mới nâng cao của địa phương.

Bên cạnh việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đến người dân trong thực hiện thu gom bao bì thuốc BVTV, hiện nay, quy định xử lý các rác thải nguy hại (trong đó có vỏ chai, bao bì thuốc BVTV trong quá trình SXNN) phải tuân thủ nhiều quy trình nghiêm ngặt. Điều này vô tình gây ra những khó khăn nhất định cho địa phương cũng như người dân. Sở sẽ đề xuất, kiến nghị cấp trên cần có những quy chế riêng trong việc thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thu gom, xử lý triệt để”.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường - Nguyễn Tân Thuấn

Cần sự chung tay

Nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng, thị xã Kiến Tường phối hợp các đơn vị liên quan thường xuyên lồng ghép tuyên truyền về tác hại của bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng trong các buổi họp và thực hiện mô hình ra quân thu gom bao bì thuốc BVTV trên các cánh đồng. Chính quyền các cấp, hội, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân trong SXNN gắn với BVMT; đồng thời, triển khai xây dựng các hố bêtông, thùng chứa bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng tại các địa phương trên địa bàn thị xã.

Bà Trần Thị Hiền (xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường) chia sẻ: "Địa phương tuyên truyền, phát triển mô hình hố thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV, tôi thấy rất hay và hiệu quả. Trách nhiệm thu gom, BVMT không phải của riêng ai mà là của tất cả mọi người. Bây giờ, khu vực gia đình tôi sinh sống không còn tình trạng vỏ chai, bao bì bị vứt khắp ruộng như trước, người dân ai cũng tự thu gom vào đúng nơi quy định. Không chỉ môi trường trong SXNN được bảo vệ mà diện mạo địa phương cũng thay đổi tích cực".

Cần sự chung tay, vào cuộc để hạn chế tình trạng bao bì, thuốc bảo vệ thực vật không được thu gom, ảnh hưởng đến môi trường (Ảnh minh họa)

“Người dân chủ yếu SXNN, vì vậy, xã thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, nhất là trong việc thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng. Hiện nay, tình trạng "tiện đâu vứt đó” bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng không còn, môi trường tại xã ngày càng được nâng cao" - Bí thư Đảng ủy xã Bình Hiệp - Huỳnh Thanh Tâm cho biết.

Theo đánh giá của ngành Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua, công tác thu gom, lưu giữ và xử lý các loại hóa chất, vỏ bao bì hóa chất BVTV được nhiều địa phương trong tỉnh tổ chức thực hiện. Qua đây, bước đầu hạn chế ảnh hưởng, tác hại của hóa chất BVTV tồn lưu trong vỏ bao bì tới sức khỏe con người và môi trường xung quanh.

Tuy nhiên, các biện pháp thu gom bao bì thuốc BVTV được áp dụng với quy mô nhỏ, phần lớn do hợp tác xã tự tổ chức thu gom, chủ yếu là gom vào thùng chứa. Phương pháp đốt bao bì thuốc BVTV ở các lò tiêu chuẩn có khả năng xử lý triệt để ô nhiễm nhưng các lò này chi phí xây dựng và vận hành cao, xa các cụm dân cư,... khó có thể yêu cầu người dân vận chuyển rác bao bì đến để đốt thường xuyên khi lượng bao bì không lớn.

Nếu ở địa phương có thu gom tập trung thì cũng phải thu gom một lượng đủ lớn mới tiêu hủy, trong khi đó số lò đủ tiêu chuẩn của Việt Nam còn quá ít, chi phí vận chuyển tới nơi tiêu hủy khá cao. Như vậy, việc xử lý tại chỗ để làm sạch bao bì phục vụ tái sử dụng hoặc lưu giữ trước khi đem tái chế hoặc tiêu hủy là cần thiết.

Căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương mà có cách thu gom vỏ chai, bao bì thuốc BVTV khác nhau: Một số nơi xây dựng hố, một số nơi khác mua thùng để chứa đựng,... Bước đầu các cách xử lý đều phát huy hiệu quả. Các hộ dân ý thức cao hơn và chung tay cùng chính quyền ra sức giữ gìn, bảo vệ và xây dựng môi trường trong sản xuất.

SXNN gắn với BVMT không chỉ góp phần tạo ra nông sản sạch, nâng tầm sản phẩm, bảo vệ sức khỏe con người mà còn giúp các địa phương hoàn thành tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Do đó, việc thu gom, xử lý bao bì thuốc BVTV cần sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn xã hội, bởi đây không là trách nhiệm của riêng ai./.

Châu Sơn

Chia sẻ bài viết