Trước đây, ông Lê Văn Nga (ấp Bình Đức, xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ) sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa.
Sau thời gian sử dụng, ông nhận thấy đất bị “chai”, giảm độ màu mỡ, môi trường bị ô nhiễm, sản phẩm làm ra đôi khi chưa bảo đảm sạch, an toàn.
Ông Lê Văn Nga (ấp Bình Đức, xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ) bên mô hình Sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao
Trong những lần đi tham quan, tập huấn tại nhiều tỉnh, thành phố thuộc Đồng bằng sông Cửu Long do Hội ND tổ chức, ông Nga nhận thấy cần thay đổi tư duy làm nông nghiệp để khắc phục những tình trạng trên và việc sản xuất theo hướng hữu cơ, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao là hướng đi bền vững.
Thực hiện chương trình thí điểm trồng lúa ƯDCNC, Trung tâm Khuyến nông huyện Tân Trụ tổ chức nhiều lớp tập huấn cho ND, trong đó có ông Nga. Trung tâm hỗ trợ ND 40% tiền giống lúa, phân hữu cơ, phân vi sinh. Hội ND xã tổ chức tập huấn mỗi năm 4 lớp.
Trước đây, ông Nga gieo sạ dày, giờ chỉ còn 80-100kg/ha. Việc bón phân, phun thuốc, trục đất, xử lý rơm rạ,... cũng được hướng dẫn chi tiết. Sau 4 năm ứng dụng, ông Nga giảm nhiều chi phí, tăng lợi nhuận, đất tơi xốp, chất lượng lúa bảo đảm sạch, an toàn.
Với vai trò Chi hội trưởng Chi hội ND ấp Bình Đức kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận ấp, ông Nga luôn đi đầu trong việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất và hướng dẫn lại ND.
Theo ông Nga, những hộ dân có diện tích đất nằm trong chương trình giờ đã quen với việc dùng phân hữu cơ, phân vi sinh, hạn chế mua phân bón, thuốc hóa học.
Anh Lý Hồng Tâm (ấp Thanh Phong) là người đầu tiên của xã Bình Lãng chuyển đổi từ cây lúa sang cây dừa. Nhận thấy mô hình của anh hiệu quả, mang lại thu nhập cao, nhiều hộ dân học tập, ứng dụng. Trung tâm Khuyến nông huyện hỗ trợ 10 triệu đồng tiền cây giống, phân hữu cơ, thuốc sinh học để anh mở rộng diện tích.
Trong quá trình sản xuất, anh Tâm thường xuyên nghiên cứu, tìm hiểu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng dừa, diệt đuôn, sâu, bệnh bằng các giải pháp sinh học.
Đối với diện tích dừa mới trồng, anh xen canh rau ăn lá và một số cây ăn quả để lấy ngắn nuôi dài.
Anh Lý Hồng Tâm (ấp Thanh Phong, xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ) dùng thuốc sinh học diệt đuôn dừa
Ngoài ra, anh còn tận dụng diện tích ao chứa nước tưới dừa để nuôi ốc bươu đen theo hướng hữu cơ. 4 năm trước, nhận thấy nhu cầu thị trường về loài ốc này khá cao, anh tìm tòi nuôi thử nghiệm.
Lúc đầu, anh rất vất vả do không có kinh nghiệm, ốc chết nhiều. Không bỏ cuộc, anh tích cực học hỏi, tìm hiểu kỹ thuật nuôi. Sau 5 tháng nuôi, anh bán lứa ốc đầu tiên. Đến nay, số lượng ốc nuôi không đủ nguồn cung cho thị trường. Nhờ nguồn gốc rõ ràng, ốc tươi, sạch nên được người tiêu dùng ưa chuộng.
Nông dân ấp Bình Đức, xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ dùng máy để xới giồng trồng hoa màu
Hiện nay, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã Bình Lãng là 571ha. Mô hình sản xuất lúa ƯDCNC có 28 hộ tham gia với diện tích 50ha, gắn với vùng nguyên liệu tập trung, bảo đảm các yêu cầu về vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm, có hợp đồng mua bán sản phẩm cho Công ty TNHH MTV V.S Thiên Lộc Phú.
Theo Chủ tịch UBND xã Bình Lãng - Nguyễn Thị Kiều Sương, xã rất quan tâm việc sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, an toàn. Thời gian qua, nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về XDNTM nâng cao có chuyển biến rõ nét. Xã nâng cấp và làm mới các tuyến giao thông nông thôn, nạo vét công trình thủy lợi, ý thức chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được người dân hưởng ứng tích cực, năng suất, sản lượng không ngừng tăng lên, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, công tác giảm nghèo, chính sách Đền ơn đáp nghĩa được thực hiện tốt.
Thời gian tới, xã sẽ tăng cường lãnh, chỉ đạo tập trung thực hiện các giải pháp để giữ vững, nâng chất các tiêu chí trong XDNTM./.
|
Phát triển nông nghiệp xanh, sạch, an toàn là xu hướng tất yếu để phục vụ nhu cầu về thực phẩm của thị trường hiện nay.
|
Châu Thanh