Chất thải phát sinh do dịch Covid-19 được tổ chức thu gom, xử lý triệt để
Xử lý rác, bảo vệ môi trường
Hiện nay, lượng CTR trong sinh hoạt tương đối lớn. Hàng năm, lượng chất thải này tăng đáng kể, nhất là tại các địa phương phát triển công nghiệp. Trước thực tế trên, ngành chức năng thực hiện nhiều biện pháp thu gom, xử lý CTR trong sinh hoạt. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tổ chức nhiều mô hình thiết thực, phát huy hiệu quả như phân loại rác tại nguồn, hố thu gom, lò đốt rác,... Qua đó, góp phần giảm lượng CTR trong sinh hoạt.
Bà Trần Thị Huyền (ấp Lộc Tiền, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc) chia sẻ: Những năm trước, tôi chưa quen phân loại rác sinh hoạt nên lượng rác khá nhiều. Sau khi được hướng dẫn, tôi phân loại rác thải hữu cơ, vô cơ, tạo thuận lợi cho việc thu gom, xử lý rác. Một số loại có thể tái chế như chai nhựa, lọ thủy tinh, tôi gom lại bán gây quỹ hỗ trợ người nghèo. Thời gian, lịch, địa điểm thu gom rác được thông báo cụ thể để người dân bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, giảm thiểu tình trạng vứt rác bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường, tập kết rác không đúng thời gian quy định, gây mất mỹ quan. Bên cạnh đó, địa phương thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các mô hình thiết thực, giúp nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường.
Thông tin từ UBND huyện Cần Giuộc, nhiều năm qua, lượng rác sinh hoạt trên địa bàn huyện được thu gom, chuyển về Nhà máy Xử lý rác Đa Phước (TP.HCM) để xử lý. Bên cạnh đó, địa phương thực hiện nhiều mô hình thu gom, xử lý rác có hiệu quả như lò đốt rác tại gia đình, hố chôn xử lý, hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn, trồng cây xanh, hạn chế đặt thùng rác tại những tuyến đường chính,... Hiện nay, huyện phối hợp Sở TN&MT tổ chức thu gom, xử lý triệt để chất thải, nước thải phát sinh do dịch Covid-19.
Tại địa bàn huyện Đức Hòa, công tác quản lý, thu gom CTR được địa phương quan tâm, tuy nhiên, lượng rác phát sinh quá lớn trong khi việc thu gom, vận chuyển và xử lý còn nhiều hạn chế. Một số đơn vị, cá nhân thiếu ý thức, đổ trộm rác làm gia tăng ô nhiễm môi trường, gây bức xúc dư luận. Tỉnh, huyện vào cuộc quyết liệt và cơ bản giải quyết tình trạng trên.
Trưởng phòng TN&MT huyện Đức Hòa - Phan Văn Tâm cho biết: Lượng rác sinh hoạt trên địa bàn dao động từ 130-160 tấn/ngày. Rác thải được thu gom, vận chuyển về nhà máy xử lý rác tại huyện Củ Chi (TP.HCM) và Nhà máy Xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa (huyện Thạnh Hóa). Huyện thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ thời gian lấy rác để thuận lợi hơn trong công tác thu gom, xử lý. Đồng thời, phát huy vai trò của người dân trong việc giám sát tình trạng vi phạm tại khu vực, địa bàn sinh sống. Huyện kiểm tra, chấn chỉnh nghiêm tình trạng đổ trộm rác thải.
Bên cạnh đó, còn lắp đặt camera giám sát vừa bảo đảm an ninh, trật tự, vừa hạn chế tình trạng đổ trộm rác thải của một số đơn vị, từ đó có cơ sở để xứ lý. Huyện thực hiện nhiều mô hình bảo vệ môi trường vừa cải thiện cảnh quan, vừa hạn chế ô nhiễm. Về lâu dài, huyện kiến nghị tỉnh sớm xây dựng nhà máy xử lý rác thải để xử lý tốt hơn rác thải sinh hoạt trên địa bàn.
Lò đốt rác đưa vào hoạt động, bảo đảm xử lý chất thải phát sinh do dịch bệnh
Xử lý triệt để chất thải phát sinh do dịch Covid-19
“Hiện nay, lượng chất thải phát sinh do dịch Covid-19 được thu gom, phân loại tại các cơ sở điều trị, khu vực cách ly, phong tỏa,... để xử lý hiệu quả. Lò đốt rác hoàn thành bảo đảm xử lý rác thải phát sinh do dịch bệnh tại huyện Đức Hòa và Đức Huệ. Bên cạnh đó, Phòng phối hợp Sở TN&MT hướng dẫn phân loại rác tại nguồn nhằm hạn chế chất thải nguy hại tại các cơ sở điều trị, khu cách ly tập trung, khu vực phong tỏa,... Trước đó, huyện phối hợp Sở TN&MT tổ chức xử lý chất thải tồn đọng, tránh gây ô nhiễm, phát tán mầm bệnh ra cộng đồng” - Trưởng phòng TN&MT huyện Đức Hòa - Phan Văn Tâm cho biết thêm.
Giám đốc Sở TN&MT - Võ Minh Thành thông tin: Tỉnh chỉ đạo thực hiện nghiêm việc thu gom, xử lý CTR trong sinh hoạt. Công tác này đạt một số kết quả. Rác thải sinh hoạt chủ yếu được xử lý tại Nhà máy Xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa, Nhà máy Xử lý rác Đa Phước (TP.HCM), khu liên hiệp xử lý rác tại huyện Củ Chi (TP.HCM).
Bên cạnh đó, một số địa phương có bãi rác tạm để xử lý. Tuy nhiên hiện nay, việc xử lý, thu gom rác vẫn còn một số hạn chế nhất định. Sở phối hợp các sở, ngành, địa phương tăng cường quản lý, thu gom, xử lý rác thải. Mặt khác, Sở tham mưu UBND tỉnh tiếp tục làm việc, phối hợp TP.HCM trong việc tiếp nhận và xử lý rác từ phía Long An.
Đối với vấn đề thu gom, xử lý chất thải, nước thải phát sinh do dịch Covid-19, Sở TN&MT phối hợp chặt chẽ Sở Y tế, các địa phương để tổ chức thu gom, xử lý triệt để, hạn chế ô nhiễm, tránh phát tán mầm bệnh ra bên ngoài. Sở cũng phối hợp đơn vị tổ chức thu gom, xử lý toàn bộ lượng chất thải phát sinh, tồn đọng trước đó trên địa bàn; triển khai lấy mẫu nước thải tại các cơ sở điều trị và khu cách ly tập trung nhằm kiểm tra các thông số vi sinh trong nước thải sau xử lý, kịp thời chỉ đạo hướng xử lý khi có dấu hiệu bất thường hoặc các thông số vượt quy chuẩn quy định. Sở phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) để phân tích chất lượng nước thải.
Hiện nay, một số địa phương đưa vào hoạt động lò đốt rác phục vụ xử lý chất thải phát sinh do dịch Covid-19. Những đơn vị khác đang tiếp tục triển khai để hoàn thành lò đốt rác. Trong lúc chờ lò đốt rác hoạt động, Sở tiếp tục phối hợp đơn vị thu gom tổ chức thu gom, xử lý chất thải phát sinh tại các cơ sở điều trị, khu cách ly, khu phong tỏa trên địa bàn.
“Việc phân loại rác tại nguồn có vai trò rất lớn trong việc giảm lượng chất thải phát sinh do dịch Covid-19. Sở đã có văn hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện phân loại rác tại nguồn. Đồng thời, Sở có văn bản đề nghị, hướng dẫn các địa phương, cơ sở điều trị, khu cách ly y tế tập trung thực hiện một số nội dung để bảo đảm công tác bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý chất thải, nước thải phát sinh do dịch Covid-19” - Giám đốc Sở TN&MT - Võ Minh Thành thông tin thêm./.
Châu Sơn