16h chiều 26/5, theo giờ địa phương, tại Nagoya, tỉnh Aichi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự buổi Đối thoại chính sách kinh tế cao cấp Việt Nam – Nhật Bản với chủ đề: “Việt Nam hội nhập và phát triển”. Sau bài phát biểu quan trọng trước đông đảo các nhà đầu tư, Thủ tướng đã trả lời câu hỏi trực tiếp từ các nhà đầu tư Nhật Bản.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi Đối thoại chính sách kinh tế Việt Nam-Nhật Bản
Tại buổi đối thoại, đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) bày tỏ vui mừng đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn cấp cấp cao Việt Nam tại Nagoya, vùng đất tiêu biểu của ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản.
JETRO đánh giá cao việc Việt Nam tham gia đàm phán TPP, đang tích cực thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản. Đồng thời cho biết cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết tâm cải thiện mạnh mẽ thủ tục hành chính, thu hút đầu tư, là thông điệp giúp các nhà đầu tư Nhật Bản yên tâm đầu tư tại Việt Nam.
Cũng tại buổi đối thoại, Thứ trưởng Quốc vụ khanh, Bộ Kinh tế - Thương mại và Công thương Nhật Bản Junji Suzuki đánh giá, Nhật Bản và Việt Nam đang hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, như cơ sở hạ tầng, giáo dục, đào tạo nhân lực, tạo cơ sở lòng tin giữa nhân dân hai nước.
Ngài Junji Suzuki nêu rõ: "Việt Nam đối với Nhật Bản là đối tác quan trọng. Thủ tướng Shinzo Abe đã chọn Việt Nam là điểm đến nước ngoài đầu tiên khi nhậm chức. Năm ngoái, Nhật Bản đã đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Nhật Bản, và lần này là chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Điều đó thúc đẩy mối quan hệ hai nước ngày càng chặt chẽ và hiệu quả.
Hiện đã có 1.500 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư sang Việt Nam. Kim ngạch thương mại năm 2014 tăng gấp 6 lần năm 2000. Việc Việt Nam tham gia TPP tạo dư địa phát triển kinh tế ngày càng lớn. Trước mắt, Bộ Kinh tế - Thương mại và Công thương Nhật Bản và Công thương Việt Nam đã thống nhất hợp tác nhiều lĩnh vực như dệt may, chống hàng giả, đào tạo công chức, tiếp tục hợp tác điện nguyên tử, nhiệt điện hiệu suất cao”.
Phát biểu tại Đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam coi thắng lợi của doanh nghiệp là thắng lợi của mình
Phát biểu tại cuộc Đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất trên tất cả các lĩnh vực kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Hai nước Việt Nam – Nhật Bản đang tích cực triển khai ”Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030” tập trung vào các ngành công nghiệp điện tử; chế biến nông sản, thủy sản; môi trường và tiết kiệm năng lượng; máy nông nghiệp; đóng tàu; công nghiệp và phụ tùng ô tô.
Giao lưu nhân dân cũng đạt kết quả ấn tượng, năm 2015 có trên 855.000 nghìn lượt người hai nước đi thăm lẫn nhau. Hiện nay có trên 15.000 du học sinh Việt Nam sang học tập, nghiên cứu tại Nhật Bản.
Trước các nhà đầu tư Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp và đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Để phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa quan hệ hợp tác song phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lên một số định hướng hợp tác về đầu tư, thương mại và du lịch.
Ngoài việc khuyến khích doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào các dự án thuộc 6 nhóm lĩnh vực trong khuôn khổ hợp tác phát triển công nghiệp hóa giữa Việt Nam - Nhật Bản và các lĩnh vực khác, Thủ tướng tin tưởng, với việc tham gia Hiệp định TPP, hai nước hoàn toàn có khả năng nâng kim ngạch thương mại lên 60 tỷ USD vào năm 2020.
Trả lời câu hỏi của lãnh đạo một doanh nghiệp Nhật Bản về những định hướng phát triển kinh tế trong thời gian tới của Việt Nam và cơ hội mang lại cho nhà đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cho biết, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã xác định phương hướng phát triển của Việt Nam trong 5 năm tới, đó là tốc độ tăng trưởng GDP cao, từ 6,5 - 7%; thu nhập đầu người tăng lên 3.500 USD.
Sau 5 năm nữa, Việt Nam trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng hiện đại. Các ngành kinh tế đều tái cơ cấu để phát triển, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn, phát triển mọi loại hình doanh nghiệp, chú trọng doanh nghiệp trong nước và FDI, coi FDI là một thành phần của nền kinh tế Việt Nam.
Chính vì vậy, Thủ tướng nêu rõ, sự công khai, minh bạch, một Chính phủ liêm chính, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp để phát triển kinh tế xã hội, giữ vững quốc phòng anh ninh, là hướng đi quan trọng.
Thủ tướng cho rằng: “Phải xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn trong top 4 trong 10 nước ASEAN ngay trong năm 2016 – 2017. Muốn như vậy các chỉ số phát triển như hạ tầng, thủ tục hành chính, đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề đặt ra đối với Việt Nam. Đặc biệt là coi trọng và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát triển. Coi doanh nghiệp là động lực phát triển, để tạo việc làm, tăng ngân sách, tăng trưởng, xóa bỏ mọi rào cản để doanh nghiệp yên tâm đầu tư tại Việt Nam. Tạo mặt bằng thuận lợi, giảm thời gian cấp phép cho nhà đầu tư. Luật Đầu tư sửa đổi của Việt Nam là tiến bộ trong khu vực, thông thoáng, rút thời gian cấp phép từ 45 ngày xuống 15 ngày. Có những dự án có thể rút xuống thấp hơn, chỉ 4- 5 ngày, nhằm giảm chi phí cho nhà đầu tư, coi thắng lợi của doanh nghiệp là thắng lợi của Việt Nam”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh, Việt Nam và Nhật Bản có nhiều điểm chung về văn hóa. Từ thế kỷ 15 – 16, Việt Nam và Nhật Bản đã có sự hợp tác về thương mại, nhưng sau đó vì nhiều lý do bị gián đoạn. Đây là thời cơ mới để Việt Nam và Nhật Bản thúc đẩy hợp tác đầu tư, kinh doanh, nhất là khi hai nước cùng tham gia Hiệp định TPP với nhiều thuận lợi./.
Vũ Dũng/VOV