Tiếng Việt | English

02/12/2018 - 05:30

Thủ tướng Nhật Bản hối thúc Anh tránh Brexit không thỏa thuận

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hối thúc người đồng cấp Anh Theresa May tránh để quốc gia châu Âu này rơi vào kịch bản phải rời khỏi "mái nhà chung" Liên minh châu Âu (EU) mà không có một thỏa thuận rõ ràng giữa hai bên.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe  và người đồng cấp Anh Theresa May. (Nguồn: telegraph.co.uk)

Trao đổi với Thủ tướng May ngày 01/12 bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Buenos Aires (Argentina), Thủ tướng Abe hoan nghênh việc Anh và EU đạt được một thỏa thuận Brexit sơ bộ cũng như một tuyên bố chính trị với EU về quan hệ giữa hai bên trong tương lai hậu Brexit.

Nhân dịp này, nhà lãnh đạo Nhật Bản cũng hối thúc nhà lãnh đạo Anh tránh kịch bản Brexit không thỏa thuận cũng như nỗ lực đảm bảo tính minh bạch và ổn định trong tiến trình "ly hôn."

Theo kế hoạch, Anh chính thức "chia tay" EU vào ngày 29/3/2019, song giới phân tích cho đến nay vẫn cảnh báo nguy cơ Brexit không thỏa thuận.

Phát biểu ngày 30/11 trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết nếu thỏa thuận sơ bộ bị Quốc hội Anh bác bỏ thì chỉ có một sự lựa chọn: đó là Brexit không thỏa thuận hoặc không Brexit.

Ông cam đoan rằng EU đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi kịch bản.

Thủ tướng May hiện đang nỗ lực vận động sự ủng hộ trên toàn quốc đối với thỏa thuận Brexit sơ bộ mà chính phủ của bà đạt được với EU ngày 25/11, chính thức khép lại thời gian đàm phán Brexit kéo dài 17 tháng đầy chông gai.

Tuy nhiên, việc thuyết phục Quốc hội Anh thông qua thỏa thuận này được đánh giá là không hề dễ dàng khi vấp phải không ít ý kiến phản đối của cả các nghị sĩ đảng Bảo thủ cầm quyền lẫn các đảng đối lập.

Đến nay đã có 7 thành viên trong nội các của Thủ tướng May từ chức để phản đối thỏa thuận sơ bộ.

Các thỏa thuận được đưa ra trong thỏa thuận sơ bộ bao trùm các nội dung như mức "phí chia tay" trị giá 39 tỷ bảng mà Anh sẽ phải thanh toán, quyền công dân và thỏa thuận "rào chắn" cho vấn đề biên giới giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland, giúp duy trì một biên giới mở giữa hai bên cho tới khi đạt thỏa thuận thương mại song phương./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết