Tiếng Việt | English

19/11/2020 - 17:30

Thực hiện mô hình không có người sinh con thứ 3 trở lên: Tuyên truyền là biện pháp hiệu quả

Thời gian qua, bằng nhiều giải pháp và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận cao từ phía người dân, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) của tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng. Đặc biệt, mô hình xã, phường, thị trấn không có người sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn tỉnh Long An được thực hiện hiệu quả, góp phần giảm sinh, nâng cao chất lượng DS.

Tuyên truyền là một trong những biện pháp hiệu quả nhất trong thực hiện mô hình không có người sinh con thứ 3 trở lên

Tuyên truyền là một trong những biện pháp hiệu quả nhất trong thực hiện mô hình không có người sinh con thứ 3 trở lên

Tích cực tuyên truyền, vận động

Châu Thành là một trong những địa phương mà người dân có thu nhập ổn định, mức sống khá so với mặt bằng chung, nhiều hộ giàu lên từ cây thanh long nên còn nhiều gia đình có tư tưởng muốn có thêm con, nhất là những hộ có con 1 bề là gái. Do đó, công tác tuyên truyền để người dân đồng tình, hợp tác và thay đổi hành vi được chú trọng thực hiện. Cụ thể, việc giáo dục nâng cao nhận thức về mất cân bằng giới tính khi sinh; xây dựng xã - thị trấn không có người sinh con thứ 3 trở lên; đưa chính sách DS vào quy ước ấp, khu phố được đẩy mạnh với nhiều nội dung, hình thức phong phú, được sự quan tâm ủng hộ của cấp ủy Đảng, chính quyền. Đến tháng 10/2020, huyện có 6/13 xã chưa có người sinh con lần thứ 3 trở lên; 70/86 ấp, khu phố không có người sinh con lần thứ 3 trở lên. Trong đó, các xã Bình Quới, Phước Tân Hưng duy trì được 5 năm, Long Trì 3 năm, Vĩnh Công 4 năm, Dương Xuân Hội và Hòa Phú được 2 năm.

Phó Chủ tịch UBND xã Dương Xuân Hội, Trưởng ban DS-KHHGĐ xã - Hồ Thanh Hùng cho biết: “Đời sống người dân được nâng cao, công tác vận động, tuyên truyền gặp khó khăn. Do đó, xã luôn nỗ lực để đạt và duy trì được thành quả không có người sinh con thứ 3 trở lên. Theo đó, xã tập trung chỉ đạo công tác tuyên truyền, không chỉ riêng đối với phụ nữ mà còn chú trọng vai trò người đàn ông trong gia đình, cần có sự thay đổi tư tưởng, không đặt nặng vấn đề phải có con trai nối dõi. Cán bộ chuyên trách phải phối hợp chính quyền, đoàn thể để rà soát danh sách các đối tượng có nguy cơ sinh con thứ 3 trở lên. Các cộng tác viên DS đến từng nhà người dân vận động dừng sinh ở 2 con. Xã còn vận động xã hội hóa hỗ trợ kinh phí cấy que tránh thai để đạt chỉ tiêu theo kế hoạch”.

Tương tự huyện Châu Thành, người dân TP.Tân An có mức sống khá cao, kinh tế phát triển, nhiều người còn tư tưởng có đông con sẽ “vui nhà, vui cửa” nhưng không quan tâm đến tác hại đối với sức khỏe của người phụ nữ khi sinh nhiều cùng những hệ lụy khác. Theo Trưởng phòng DS TP.Tân An - Nguyễn Thị Kim Oanh, khi có điều kiện kinh tế, nhiều người muốn sinh thêm con cho “đủ nếp, đủ tẻ”, kéo theo vấn nạn mất cân bằng giới tính khi sinh. Do đó, chỉ có biện pháp tuyên truyền, thuyết phục “mưa dầm thấm lâu” để người dân dần thay đổi nhận thức. Trong đó, các cộng tác viên sẽ tập trung tuyên truyền những rủi ro về sức khỏe đối với bà mẹ sinh nhiều con; khi đông con thì phụ nữ chỉ tập trung lo cho gia đình, không thể phấn đấu, phát triển bản thân, khẳng định vị thế trong xã hội,... Các cộng tác viên đều lớn tuổi nhưng rất nhiệt tình, ai cũng đều cố gắng “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để người dân hiểu và làm theo, không vi phạm chính sách DS.

Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi

Nhờ nỗ lực tuyên truyền mà nhận thức người dân trong thời gian qua được nâng lên rõ rệt, công tác DS chuyển biến tích cực. Chị Nguyễn Ngọc Thanh Tuyền (ngụ ấp Mỹ Xuân, xã Dương Xuân Hội) cho biết: “Tôi có 2 con đều là gái. Sau khi sinh con thứ 2 thì cộng tác viên DS đến tư vấn tôi thực hiện biện pháp tránh thai phù hợp. Chúng tôi không áp lực việc phải có con trai nối dõi. Được cộng tác viên DS phân tích tác hại nếu sinh đông con, lợi ích của sinh con ít, sinh thưa nên vợ chồng tôi quyết định dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt. Chúng tôi có thời gian tập trung làm ăn, phát trển kinh tế, hạnh phúc gia đình luôn được vun đắp”.

Chị Nguyễn Ngọc Thanh Tuyền quyết định dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt

Chị Nguyễn Ngọc Thanh Tuyền quyết định dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt

Tương tự, chị Lôi Ngọc Anh (ngụ phường 1, TP.Tân An) dù đã có 2 con, kinh tế ổn định nhưng cũng không muốn sinh thêm con. Chị cho biết: “Cả 2 con của tôi đều đang học THCS, ở độ tuổi này, các cháu có nhiều chuyển biến tâm sinh lý nên rất cần sự sâu sát, bảo ban từ cha mẹ để uốn nắn kịp thời. Dù kinh tế ổn định nhưng vợ chồng tôi quyết định KHHGĐ, không sinh thêm con để bảo đảm chăm lo cho các con thật tốt”.

Đây chỉ là số ít trong rất nhiều gia đình đã hiểu được tầm quan trọng của việc sinh ít con, trong đó, có sự góp phần không nhỏ của đội ngũ những người làm công tác DS, sự phối hợp tích cực từ hội, đoàn thể các cấp nhằm từng bước, từng ngày nâng cao nhận thức của người dân. Dù còn nhiều khó khăn vì không thể “một sớm, một chiều” có thể thay đổi hoàn toàn nhận thức, tuy nhiên, qua tuyên truyền, vận động sâu sát, mô hình xã, phường, thị trấn không có người sinh con thứ 3 trở lên ngày càng phát triển; chiến dịch tăng cường truyền thông, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ được đẩy mạnh. Qua đó, góp phần giảm sinh và nâng cao chất lượng DS ở địa phương, nhất là tại các vùng đông dân, có mức sinh còn cao trên địa bàn tỉnh./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết