Tiếng Việt | English

26/04/2018 - 19:17

Thượng đỉnh Hàn-Triều: Chờ quyết định táo bạo của ông Kim Jong-un

Theo giới quan sát, Triều Tiên và Hàn Quốc còn những vướng mắc nhưng một số vấn đề có thể được giải quyết với quyết định táo bạo của ông Kim Jong-un.

Hàn Quốc và Triều Tiên dự kiến sẽ thảo luận các biện pháp để thúc đẩy quan hệ song phương tại cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Moon Jae-in và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào ngày mai (27/4), nhưng các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt của quốc tế nhiều khả năng sẽ là rào cản hạn chế nỗ lực hợp tác của hai bên trong lĩnh vực kinh tế.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Getty

Cải thiện quan hệ liên Triều chính là một trong ba mục đích chính của chương trình nghị sự hội nghị thượng đỉnh Hàn-Triều; phi hạt nhân hóa và thiết lập hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên là hai nội dung còn lại.

Đâu là rào cản lớn nhất?

Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được tổ chức sau hơn 1 năm căng thẳng tăng cao trên Bán đảo Triều Tiên liên quan đến các vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân của Bình Nhưỡng. Triều Tiên đang là đối tượng của các lệnh trừng phạt quốc tế với nhiều mức độ.

Ông Kim Yong-hyun, Giáo sư tại Đại học Dongguk nhận định: “Lãnh đạo hai nước có thể đề cập vấn đề đoàn tụ các gia đình ly tán do chiến tranh, vấn đề nhân đạo, giao lưu văn hóa và xã hội. Tuy vậy, sẽ rất khó để mong đợi về bất kỳ một thỏa thuận lớn nào trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh Triều Tiên vẫn bị các lệnh trừng phạt của quốc tế bủa vây”.

Nguồn tin từ Chính phủ Hàn Quốc nói rằng, Seoul đang tìm cách để cải thiện bền vững các mối quan hệ với Bình Nhưỡng trong khuôn khổ giới hạn do các lệnh trừng phạt quốc tế đặt ra.

“Hợp tác kinh tế không phải là chương trình nghị sự chính của hội nghị thượng đỉnh”, một quan chức Chính phủ Hàn Quốc nói với các phóng viên hôm 25/4. “Hợp tác kinh tế giữa hai miền Triều Tiên chỉ có thể thực hiện được sau khi Triều Tiên đáp ứng được một số điều kiện nhất định và có tiến bộ trong việc phi hạt nhân hóa”.

Khi hai miền Triều Tiên tổ chức các hội nghị thượng đỉnh vào năm 2000 và năm 2007, hai bên cũng đã có tuyên bố chung về hòa giải.

Đặc biệt, trong thỏa thuận hai bên đạt được hồi năm 2007 có nhiều biện pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế, bao gồm việc mở rộng khu liên hợp công nghiệp tại thành phố Kaesong của Triều Tiên và triển khai các dịch vụ thương mại đường sắt xuyên biên giới.

Tuy nhiên, Hàn Quốc không còn được phép cung cấp những lợi ích kinh tế lớn cho Triều Tiên bởi các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm mục đích hạn chế dòng ngoại tệ mạnh “chảy vào” Bình Nhưỡng.

Các thỏa thuận đáng kể trong lĩnh vực kinh tế sẽ là điều không thể nhưng lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn có thể trao đổi rộng rãi quan điểm về hợp tác kinh tế.

Tại cuộc họp mới nhất của Đảng Lao động Triều Tiên, ông Kim Jong-un đã công bố một dòng chiến lược mới tập trung vào “xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa” thay thế cho chính sách phát triển kinh tế song song với phát triển hạt nhân.

Sẽ có đột phá giải quyết vấn đề các gia đình bị ly tán?

Trong tình hình mới như hiện nay, hai bên dự kiến sẽ tập trung vào các vấn đề nhân đạo và giao lưu nhân dân. Cụ thể, ưu tiên hàng đầu có thể tập trung vào giải quyết vấn đề các gia đình bị ly tán trong cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950-1953.

Triều Tiên và Hàn Quốc đã không thể thống nhất được việc tổ chức cuộc gặp cho các gia định bị ly tán tại cuộc đàm phán cấp cao được tổ chức ngày 9/1/2018.

Seoul đặt ưu tiên giải quyết vấn đề này khi ngày càng có nhiều người Hàn Quốc cao tuổi qua đời mà không thể gặp thân nhân của họ ở Triều Tiên. Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, tính đến cuối tháng 3/2018, có khoảng 55% trong khoảng 131.530 người Hàn Quốc chờ đợi các cuộc đoàn tụ đã qua đời. Lần cuối cùng Hàn Quốc và Triều Tiên tổ chức được cuộc gặp cho các gia đình bị ly tán là vào tháng 10/2015.

Tuy nhiên, vấn đề tưởng như không quá khó giải quyết này lại vẫn có rào cản khi Triều Tiên nêu điều kiện để đổi lấy việc tổ chức đoàn tụ, Hàn Quốc phải trao trả 12 phụ nữ Triều Tiên làm việc tại một nhà hàng ở Trung Quốc đào tẩu sang Hàn Quốc hồi năm 2016.

“Triều Tiên đã gắn điều kiện đó cho cuộc đoàn tụ các gia đình bị ly tán nhưng điều này có thể được giải quyết tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới với quyết định táo bạo của ông Kim Jong-un”, Shin Beom-chul, một thành viên cao cấp của Viện Nghiên cứu Chính sách Asan nhận xét.

Phía Hàn Quốc cũng hy vọng tại cuộc gặp sắp tới lãnh đạo hai nước có thể đồng ý tổ chức các cuộc đàm phán liên Triều một cách thường xuyên.

Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống Hàn Quốc, ông Im Jong-seok hồi tuần trước cho hay: “Đây sẽ là một mối quan tâm lớn đối với chúng tôi khi có các hội nghị liên Triều được tổ chức thường xuyên tại Bàn Môn Điếm (Panmunjom) nếu cần thiết”.

Theo một số nguồn thạo tin, ông Moon và ông Kim có thể thảo luận về việc thành lập một văn phòng liên lạc chung.

“Nếu được thành lập, văn phòng liên lạc chung sẽ là rất tốt cho việc xoa dịu căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên”, một quan chức cấp cao của Hàn Quốc nói. “Làng đình chiến Bàn Môn Điếm là nơi tốt hơn cả để đặt văn phòng liên lạc nếu hai miền Triều Tiên đồng ý về vấn đề này”.

Hiện tại, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn duy trì văn phòng liên lạc riêng tại Bàn Môn Điếm để liên lạc qua biên giới./.

Hùng Cường/VOV.VN

Chia sẻ bài viết