Tiếng Việt | English

03/09/2024 - 07:40

Nông sản Long An vươn ra thế giới

Với "tấm vé thông hành” là những chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng, chứng nhận hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP,... nhiều loại nông sản của tỉnh như chanh, gạo, thanh long,... từng bước tạo dựng được thương hiệu, chinh phục các thị trường lớn trên thế giới.

Vùng nguyên liệu chanh chất lượng cao đang dần được mở rộng trên địa bàn tỉnh

Xuất khẩu trực tiếp chanh sang Trung Đông

Thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cây chanh, đến nay, toàn huyện Bến Lức, tỉnh Long An có 426ha chanh ứng dụng công nghệ cao.

Hiện nay, liên kết “4 nhà” trên địa bàn huyện ngày càng chặt chẽ, giúp nâng cao chất lượng, sản lượng chanh không hạt.

Chanh không hạt Long An giờ đây không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn chinh phục thị trường châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Đông.

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức (xã Lương Hòa, huyện Bến Lức) - Trần Duy Thuận cho biết, Công ty (Cty) TNHH Một thành viên The Fruit Republic Cần Thơ ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm của HTX với diện tích 100ha để xuất khẩu sang các nước Trung Đông và châu Âu. Hiện nay, chanh không hạt của huyện Bến Lức được người nước ngoài ưa chuộng và thường được dùng chế biến món ăn hoặc giải khát.

“Sau hơn 1 năm thâm nhập thị trường Trung Đông, đến nay, văn phòng giao dịch của HTX tại chợ đầu mối Dubai đã được đưa vào hoạt động. Chợ đầu mối này là nơi tập kết hầu hết các loại nông sản nhập khẩu, trong đó có sản phẩm chanh từ các quốc gia để trung chuyển đi các địa phương UAE và một số quốc gia lân cận” - ông Trần Duy Thuận cho biết thêm.

Anh Phan Thanh Liêm được HTX cử sang Dubai (Tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất - UAE) để phụ trách văn phòng đại diện này.

Công việc chính của anh là mỗi sáng có mặt tại chợ đầu mối Dubai để thăm dò nhu cầu tiêu thụ nông sản, gia vị của Trung Đông.

Việc có mặt tại chợ giúp anh Liêm kịp thời nắm thông tin, từ đó linh hoạt, chủ động thương lượng giá cả với đối tác rồi báo cáo HTX.

Từ ngày đặt văn phòng đến nay, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức đã trực tiếp giao dịch, xuất sang chợ đầu mối Dubai mỗi tháng từ 8-10 container, mỗi container 24 tấn chanh.

Được biết, không riêng trái chanh mà HTX còn linh hoạt đưa sang Trung Đông những nông sản khác như thanh long, dừa, ổi,...

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức - Lê Văn Nam thông tin: "Nhiều doanh nghiệp tham gia liên kết cùng nông dân huyện tạo ra sản phẩm chanh không hạt đạt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm như Nông trang Hải Âu, Cty TNHH Xuất nhập khẩu Hoàng Kim Việt Nam - chi nhánh Long An, Cty TNHH Một thành viên The Fruit Republic Cần Thơ (TFR), HTX Dịch vụ Nông nghiệp Bến Lức,... Đầu tháng 7/2024, Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận “Bến Lức - Long An”. Đây là tin vui cho người trồng chanh bởi giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý chính là “tấm vé thông hành” để quả chanh tiếp cận và chinh phục các thị trường xuất khẩu. Qua đó, nâng cao giá trị quả chanh và cải thiện thu nhập cho người trồng chanh".

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh có hơn 11.300ha chanh, tập trung tại các huyện: Bến Lức, Thủ Thừa, Đức Hòa, Đức Huệ và Thạnh Hóa. Sản lượng trái hàng năm khoảng 180.000 tấn.

Toàn tỉnh xây dựng được hơn 3.700ha chanh ứng dụng công nghệ cao và hơn 664ha chanh được cấp chứng nhận GAP.

Cùng với đó, tỉnh có 41 mã số vùng trồng, 31 mã số cơ sở đóng gói và 1 chỉ dẫn địa lý chanh không hạt Bến Lức - Long An.

Xuất khẩu nông sản chế biến

Bên cạnh xuất khẩu nông sản tươi, thời gian qua, ngành chức năng tỉnh tích cực kết nối giao thương, tìm kiếm thị trường cho các loại nông sản chế biến của tỉnh như thanh long sấy, mít sấy, khoai lang sấy,...

Với lợi thế chuyên xuất khẩu trái cây tươi, năm 2022, Cty TNHH Xuất nhập khẩu Vinagrin (huyện Châu Thành) đầu tư thêm công nghệ chiên chân không, cấp đông để đa dạng hóa sản phẩm.

Mỗi tháng, Cty xuất khoảng 25-30 container các mặt hàng, trong đó, mít sấy, chuối sấy và dừa sấy được thị trường châu Âu ưa chuộng.

Hướng tới, Cty triển khai chương trình bán hàng online và cung cấp cho các cửa hàng tiện lợi, siêu thị trong nước.

Sản phẩm mít sấy của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vinagrin (huyện Châu Thành) được khách hàng tại thị trường châu Âu ưa chuộng

Giám đốc Cty TNHH Xuất nhập khẩu Vinagrin - Lê Thanh Nhân chia sẻ: “Khi mới bắt đầu làm sản phẩm chế biến sâu thì gặp trở ngại về kỹ thuật, thị trường và khách hàng. Bên cạnh đó, thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất của nông dân cũng là một trong những rào cản của Cty trong việc tìm nguồn nguyên liệu sạch. Do đó, Cty có kế hoạch liên kết với nông dân, HTX để sản xuất sản phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP,... để tránh tình trạng nông sản tồn dư thuốc bảo vệ thực vật”.

Xác định đầu tư công nghệ trong chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch là một trong những yếu tố then chốt, Cty Cổ phần Thực phẩm HG (huyện Thủ Thừa) nỗ lực phát triển sản phẩm trái cây sấy giòn không dầu, hướng tới giải pháp hiệu quả để nâng tầm giá trị nông sản.

Để sản xuất nông sản sấy giòn, giữ được hương vị tự nhiên, không sử dụng dầu chiên và chất bảo quản, Cty Cổ phần Thực phẩm HG đầu tư dây chuyền sấy hiện đại, nghiên cứu chế biến nhiều sản phẩm phù hợp từng đối tượng khách hàng. Từ đó, giá trị nông sản tăng khoảng 200% so với sản phẩm thô.

Công nhân Công ty Cổ phần Thực phẩm HG (huyện Thủ Thừa) xếp thanh long đã được cắt miếng vào khay sấy

Phó Giám đốc Cty Cổ phần Thực phẩm HG - Hồ Triết Hưng cho biết: "Đến nay, bộ sản phẩm trái cây sấy giòn không dầu HG là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực. Đặc biệt, tất cả 6 sản phẩm của Cty (chủ yếu là các loại chuối, mít, khóm, xoài sấy giòn không dầu) đều được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Các sản phẩm này đã được xuất khẩu, thâm nhập các thị trường khó tính, chủ yếu là Mỹ, một phần châu Âu và bắt đầu mở rộng qua Trung Đông cũng như Đông Á".

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền thông tin: “Với mặt hàng nông sản đa dạng, chất lượng tốt, điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi,... thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp các địa phương quy hoạch và đẩy mạnh tiến độ xây dựng các vùng nguyên liệu nhằm phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu”.

Các ngành chức năng tỉnh đã và đang đẩy mạnh các hoạt động dự báo về thị trường, liên kết với doanh nghiệp, xúc tiến thương mại để mở rộng tiêu thụ; đồng thời, tạo động lực mới để nông dân và doanh nghiệp đầu tư hiệu quả hơn cho sản xuất, góp phần đưa nông sản của tỉnh vươn ra thế giới./.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao - Long An trở thành vựa lúa lớn

 

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao - Long An trở thành vựa lúa lớn

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là 1 trong 3 chương trình đột phá Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, XI đề ra nhằm đẩy mạnh phát triển 4 cây...

Minh Tuệ

Chia sẻ bài viết