Những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) phát triển rất mạnh và dần trở thành kênh phân phối, mua sắm quan trọng của người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh những mặt tích cực, TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh TMĐT.
Báo cáo kết quả 1 năm triển khai Chỉ thị số 18/CT-TTg, ngày 30/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ và công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, Bộ trưởng Bộ Tài chính - Hồ Đức Phớc cho biết: Hiện nay, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam là 20,5 tỉ USD và sẽ đạt 30,5 tỉ USD vào năm 2025. Việt Nam được xác định là quốc gia có tăng trưởng về TMĐT nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.
Sự phát triển nhanh chóng của hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số cũng đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trước tình trạng hàng giả, kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ,...
Tại Long An, để quản lý lĩnh vực này theo tinh thần Kế hoạch số 1461/KH-UBND, ngày 30/5/2024 của UBND tỉnh về việc thực hiện Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh, Cục Quản lý thị trường đã thực hiện các hoạt động thu thập, tiếp nhận, xác minh thông tin các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về TMĐT và các hành vi kinh doanh hàng nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng cấm trên môi trường TMĐT để kiểm tra, xử lý theo quy định. Kết quả, chỉ trong tháng 7/2024, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 7 vụ vi phạm liên quan lĩnh vực TMĐT, xử phạt 48.750.000 đồng.
Ngày 06/6/2024, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 56/CĐ-TTg về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TMĐT, hoạt động kinh doanh trên nền tảng số.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Long An yêu cầu Sở Công Thương tích cực phối hợp các sở, ngành có liên quan tập trung rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý TMĐT; tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp nâng cao tinh thần tuân thủ pháp luật và bảo vệ người tiêu dùng qua TMĐT; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT trong thúc đẩy hoạt động kinh doanh.
Cục Quản lý thị trường, Công an tỉnh kiểm tra, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong TMĐT; tăng cường công tác thanh, kiểm tra đối với hoạt động livestream bán hàng, trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, nhận hoa hồng từ việc quảng cáo, bán hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Cục Thuế tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT trong nước và xuyên biên giới đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế theo quy định; tăng cường công tác quản lý thuế đối với loại hình kinh doanh TMĐT; triển khai ứng dụng triệt để hóa đơn điện tử để có thể tiến hành thẩm tra, xác minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa được bày bán trên môi trường TMĐT.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Long An tăng cường kiểm tra, giám sát giao dịch thanh toán điện tử trong hoạt động ngân hàng; nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hỗ trợ giao dịch TMĐT; chỉ đạo tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện việc cung cấp thông tin của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân có thu nhập phát sinh từ các nền tảng xuyên biên giới theo quy định của pháp luật và theo hướng dẫn của cơ quan thuế.
Ngoài sự vào cuộc của các ngành chức năng, người tiêu dùng cũng phải tự trang bị kiến thức khi mua sắm trên các sàn TMĐT, tránh mua nhầm hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng,…/.
Thanh Tuyền