Tiếng Việt | English

29/11/2023 - 10:06

Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông

Lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) và các cấp, các ngành tiếp tục xây dựng văn hóa giao thông an toàn, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT), trong đó có Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới.

Cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, xử phạt vi phạm

"Không có vùng cấm, không có ngoại lệ"

Ngày 19/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới. Thủ tướng yêu cầu xử lý các vi phạm giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm giao thông; nghiêm cấm lực lượng chức năng "xuê xoa", bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức.

Chỉ thị của Thủ tướng nêu rõ, phải tiếp tục thực hiện quyết liệt việc kiểm soát, xử lý đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn nhằm tạo chuyển biến tích cực, tiến tới hình thành thói quen, văn hóa “đã uống rượu, bia thì không lái xe”, trước hết là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang rồi đến nhân dân.

Theo Đại tá Trần Văn Hà - Phó Giám đốc Công an tỉnh Long An, Phó Trưởng ban ATGT tỉnh, nhằm thực hiện nghiêm túc, quyết liệt Chỉ thị số 10/CT-TTg, lực lượng CSGT trong tỉnh phối hợp chặt chẽ lực lượng chức năng triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thiết lập trật tự, kỷ cương, văn hóa giao thông; đồng thời, xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là vi phạm nồng độ cồn, ma túy, chạy quá tốc độ, chở hàng quá khổ, quá tải, cơi nới thành, thùng xe, thanh, thiếu niên tụ tập điều khiển xe với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, đi ngược chiều,...

Theo tinh thần thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, thông tin từ Phòng CSGT, Công an tỉnh, từ khi thực hiện Chỉ thị số 10 đến nay, lực lượng CSGT toàn tỉnh phát hiện, lập biên bản hơn 11.000 trường hợp vi phạm về TTATGT, phạt tiền gần 46 tỉ đồng, tước gần 2.500 giấy phép lái xe, tạm giữ hơn 200 ôtô, gần 6.000 xe môtô. Trong đó, lập biên bản 4.591 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (52 ôtô, 4.535 xe môtô, 4 phương tiện khác), 2.076 trường hợp vi phạm tốc độ, 4.290 trường hợp không có giấy phép lái xe, 285 trường hợp không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, hiệu lệnh dừng xe, 991 trường hợp vi phạm về mũ bảo hiểm,...

Xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn

“Vẫn có nhiều người uống rượu, bia không hợp tác với lực lượng CSGT khi sử dụng thiết bị kỹ thuật đo nồng độ cồn; cố tình né tránh để kéo dài thời gian, không khai báo tên tuổi, khai báo không đúng thông tin về bản thân, năn nỉ xin lực lượng CSGT bỏ qua lỗi vi phạm;...” - thông tin từ Phòng CSGT, Công an tỉnh.

Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn toàn tỉnh được thực hiện quyết liệt, dần tạo được chuyển biến trong nhận thức và thói quen của người dân khi tham gia giao thông. Việc xử lý nồng độ cồn được thực hiện nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật. Với các trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh, nếu vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông, ngoài xử lý vi phạm hành chính theo quy định, lực lượng CSGT còn gửi thông báo về đơn vị công tác, nơi làm việc để kiểm điểm, xử lý theo quy định của Đảng, từng ngành, cơ quan, đơn vị.

Theo Đại tá Trần Văn Hà, qua tăng cường kiểm tra, xử phạt người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn đã tạo chuyển biến tích cực. Người tham gia giao thông nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm pháp luật về giao thông. Từ đó, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn từng bước giảm dần.

Thời gian tới, lực lượng CSGT và các cấp, các ngành tiếp tục kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm TTATGT; thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 10, phối hợp và tuyên truyền sâu, rộng đến các chi bộ, đảng viên, cán bộ, viên chức, công chức, nhân dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về giao thông. Đồng thời, CSGT duy trì công tác tuần tra, xử lý nghiêm vi phạm về TTATGT, đặc biệt là xử phạt vi phạm nồng độ cồn.

Theo Quyền Chủ tịch UBND TP.Tân An - Võ Hồng Thảo, thời gian tới, thành phố tăng cường vận động các chủ nhà hàng, quán ăn nhắc nhở khách hàng không điều khiển phương tiện sau khi đã uống rượu, bia; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, các phần mềm trên nền tảng công nghệ số, ưu tiên kỹ thuật công nghệ, hệ thống giao thông thông minh, hiện đại hóa trong công tác bảo đảm TTATGT, nhất là hệ thống giám sát, phát hiện vi phạm TTATGT.

Tuyên truyền trong học sinh về sự quan trọng của đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe máy, xe đạp điện

Chủ tịch UBND huyện Bến Lức - Lê Thành Út nhấn mạnh, công tác tuyên truyền là một trong những biện pháp trọng tâm góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức và hành động của mỗi người khi tham gia giao thông. Theo đó, huyện sẽ triển khai, thực hiện và chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền về ATGT bằng nhiều hình thức, có sự đổi mới về phương pháp, nội dung phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng được tuyên truyền.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành triển khai xây dựng các mô hình hiệu quả về bảo đảm TTATGT như Gắn trách nhiệm của chủ kinh doanh nhà hàng, quán ăn với công tác bảo đảm ATGT; Cổng trường ATGT; Tăng, ni, phật tử tham gia giao thông văn hóa - an toàn;... đã thực hiện trong thời gian qua. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT trong đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động,.../.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích