Tiếng Việt | English

15/02/2022 - 09:00

Tiếp tục phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Xác định nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) là “chìa khóa” để thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao giá trị và giải quyết bài toán về đầu ra cho nông sản, hướng đến phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, thời gian qua, Long An có nhiều chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho nông dân ƯDCNC vào trồng trọt, chăn nuôi.

Năm 2021, tỉnh có nhiều chính sách tạo điều kiện cho người dân tham gia các mô hình ứng dụng công nghệ cao

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: “Năm 2021, ngành Nông nghiệp tham mưu UBND tỉnh ban hành, trình nhiều kế hoạch, quyết định, nghị quyết liên quan đến việc triển khai Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 như tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; kế hoạch thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2025;...

Ngoài ra, Sở còn phối hợp các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC; làm việc với các địa phương để xác định diện tích cụ thể từng xã, vùng sản xuất ƯDCNC, xác định bản đồ vùng công nghệ cao giai đoạn 2021 - 2025; chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng,... Kết quả, đến nay, diện tích lúa ƯDCNC đạt 6.640ha; rau ƯDCNC đạt 1.732ha; cây chanh ƯDCNC 1.524ha; tôm ƯDCNC 10ha,...”.

Huyện Cần Giuộc là địa phương chủ lực thực hiện việc ƯDCNC trên cây rau. Theo đó, năm 2021, huyện tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận các chính sách ưu đãi từ Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC như tổ chức 3 lớp tập huấn rau theo hướng VietGAP; trình diễn mô hình phân hữu cơ vi sinh công nghệ mới - công nghệ Nano với 5 điểm trình diễn, quy mô 1.000m2/điểm, trong đó hỗ trợ 100% giống, 30% vật tư; xây dựng 5 mô hình nhà lưới trồng rau, quy mô 1.000m2/mô hình, mức hỗ trợ 40% chi phí vật tư; nhân rộng mô hình sử dụng phân hữu cơ vi sinh 100ha, mức hỗ trợ 40% chi phí vật tư,... Tổng kinh phí thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC trên cây rau của huyện gần 930 triệu đồng. Đến nay, huyện có 1.135ha rau ƯDCNC.

Ông Huỳnh Văn Sang (xã Phước Lâm) chia sẻ: “Trước đây, tôi trồng 2ha rau theo phương pháp truyền thống với các loại rau ăn lá như cải, húng lủi, ngò rí,... Qua các lớp tập huấn, tôi biết đến trồng rau ƯDCNC sẽ tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nhất là giảm được chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận. Từ đó, tôi đầu tư nhà màng, áp dụng các biện pháp tưới tự động, hạn chế phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,... Qua thời gian thực hiện, mô hình mang về lợi nhuận gấp 1,5 lần so với trồng rau theo phương pháp truyền thống”.

Năm 2021, huyện Tân Thạnh đặt ra chỉ tiêu xây dựng 36 mô hình sản xuất lúa ƯDCNC với 1.800ha, mỗi mô hình từ 50-100ha, trong đó mỗi ấp tối thiểu xây dựng 1 mô hình điểm để nông dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Thạnh - Mai Văn On thông tin: Mục đích xây dựng mô hình lúa ƯDCNC là giúp nông dân thay đổi tập quán sản xuất như áp dụng phương pháp sạ thưa kết hợp bón vùi phân một lần; giống gieo sạ là giống lúa chất lượng cao, lượng giống gieo sạ từ 80-100kg/ha; tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất theo quy trình "1 phải, 6 giảm"; đưa cơ giới vào sản xuất; thu gom bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định,... Kết quả, năm 2021, huyện thực hiện 37 mô hình lúa ƯDCNC, với trên 2.000ha.

Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; hỗ trợ phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác nâng cao năng lực chủ động liên kết tiêu thụ đầu ra, ký kết hợp đồng liên kết sản xuất theo chuỗi sản xuất có địa chỉ, truy xuất nguồn gốc; duy trì, nhân rộng diện tích doanh nghiệp tham gia cánh đồng lớn theo hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản; triển khai xây dựng mô hình ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa, mô hình giảm lượng phân bón vô cơ trong sản xuất.

Đồng thời, ngành củng cố 110 hợp tác xã, thành lập mới 8 hợp tác xã và 65 tổ hợp tác trong vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp ƯDCNC; tiếp tục thực hiện các công tác xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm tỉnh Long An, quảng bá hình ảnh các mặt hàng, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh; tập trung lồng ghép các nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi đang triển khai trên địa bàn các huyện để phục vụ vùng sản xuất ƯDCNC./.

Năm 2022, tỉnh phấn đấu xây dựng vùng ƯDCNC trên cây lúa đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, với diện tích 1.400ha; xây dựng 26 mô hình điểm, với diện tích 1.300ha; tiếp tục duy trì mô hình đã triển khai, thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 với 115 mô hình.

Trên cây rau xây dựng 2 mô hình điểm, với diện tích 2ha; xây dựng 12 mô hình ƯDCNC, với diện tích 12ha; tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình giai đoạn 2016-2020, với diện tích 1.772ha.

Cây thanh long xây dựng vùng nông nghiệp ƯDCNC đạt tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu, với diện tích 20ha; xây dựng 12 mô hình điểm với diện tích 20ha; tiếp tục nhân rộng 665ha thanh long ƯDCNC và duy trì 7 mô hình, với diện tích 140ha.

Cây chanh xây dựng vùng sản xuất ƯDCNC tại huyện Bến Lức với 135ha; xây dựng 15 mô hình điểm, với diện tích 150ha; nhân rộng 22 mô hình chanh đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, diện tích 220ha.

Xây dựng 3 mô hình điểm chăn nuôi bò thịt ƯDCNC tại huyện Đức Huệ, Thủ Thừa và Tân Trụ; nhân rộng 2 mô hình hỗ trợ người chăn nuôi ứng dụng công nghệ giống bò thịt chất lượng cao; hỗ trợ 6.777 con bò cái được gieo tinh nhân tạo, với các giống bò chất lượng.

Con tôm hỗ trợ 29 mô hình nuôi tôm nước lợ ƯDCNC, với tổng diện tích 14,5ha; tổ chức 1 chuyến tham quan các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao hiệu quả,...

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết