Tiếng Việt | English

07/07/2024 - 19:25

Tìm hiểu về mỹ phẩm  

Nhan sắc từ muôn đời vẫn đi liền với sức khỏe, chính là một trong những yếu tố dẫn đến thành công và hạnh phúc. Công nghệ dược phát triển, nhu cầu chăm sóc sức khỏe và nhan sắc ngày càng được quan tâm.

(Nguồn: Internet)

Theo Thông tư số 06/2011/TT-BYT, “Sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người (da, hệ thống lông tóc, móng tay, móng chân, môi và cơ quan sinh dục ngoài) hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt”.

Cùng một mục đích phục vụ cho nhu cầu làm đẹp có mỹ phẩm nội khoa (là dùng sản phẩm để bảo vệ làn da, mái tóc, hàm răng…) và mỹ phẩm ngoại khoa là có các tác động xâm lấn lên cơ thể người.

Các sản phẩm làm đẹp nội khoa được chia làm 3 nhóm:

- Mỹ phẩm (cosmetic) là nhóm sản phẩm chứa các thành phần với nhiệm vụ chăm sóc và duy trì một làn da khoẻ mạnh và thẩm mỹ, có công dụng nuôi dưỡng làn da, cấp ẩm, làm sáng, chống oxy hoá, cân bằng dầu nước và chống lão hoá.

Thành phần các chất trong mỹ phẩm làm đẹp da có: Vitamin A (betacarotene), Coenzyme Q10 (ubiquinone), Vitamin PP (niacinamide), Pro-vitamin B5 (pantenone), Vitamin C (L-ascorbic acid) và Vitamin E (alpha-tocopherol), các khoáng chất kẽm, đồng, selen, các chất chống oxy hóa như ALA (Alpha Lipoic Acid), glutathion,… với công dụng tăng hoạt động enzyme trong da, kích thích hoạt động phân bào trong biểu bì cải thiện tính đàn hồi da, kích thích da tạo collagene giảm vết nhăn. Ngoài ra còn có các chất giữ ẩm như Linoleic Acid, chất chống sạm da như Hydroquinon, chất chống nắng như Para benzoic acid, chất làm trắng da như acid Kojic có từ nấm Aspergillus, acid Azelaic lấy từ lúa mạch.  

- Thuốc (Pharmacy) là sản phẩm tác động lên da trong đó chứa những thành phần điều trị các  bệnh lý da liễu và được kê đơn theo chỉ định của bác sĩ hoặc chuyên gia da liễu, 90% thành phần là thuốc, 10% là tá dược.

Các thuốc dùng đường uống trị bệnh da liễu có thể có thành phần là Adapalene trị mụn trứng cá, Tarazotene trị vẩy nến, kháng sinh kết hợp với tretionin trị mụn viêm, mụn bọc. Các thuốc này chỉ được sử dụng khi bác sĩ đã thăm khám lâm sàng, kê đơn và không sử dụng duy trì trong thời gian dài.Các sản phẩm thuốc rất hữu hiệu có công năng điều trị mạnh mẽ để trị dứt điểm các bệnh lý về da.

- Dược mỹ phẩm (Cosmeceutical) là sự kết hợp giữa mỹ phẩm (cosmetic) và dược phẩm (pharmaceutical), là nhóm sản phẩm chứa hoạt chất chăm sóc da kết hợp giữa thành phần 50% thảo dược thiên nhiên và 50% các hoạt chất trị liệu.

Thành phần của dược mỹ phẩm thường có Allatonin chiết xuất từ cây lô hội; Aloesin từ cây họ cúc, có công dụng kháng viêm, làm tan máu bầm; Capsaicin từ cây ớt giảm đau, trị vẩy nến; Curcumin cây nghệ làm mịn da, Silimarin từ cây kế sữa giúp bổ gan, sáng da.

Hiện nay, dược mỹ phẩm được ứng dụng đáng kể trong các liệu trình chăm sóc và điều trị da tại các cơ sở thẩm mỹ như spa, thẩm mỹ viện. Trong xu hướng làm đẹp ngày nay, để giải quyết các vấn đề về da như lão hoá, sạm nám, tàn nhang, mụn,... rất cần các dòng dược mỹ phẩm.

Dựa theo các thành phần có trong sản phẩm, mỹ phẩm được định vị thành 3 loại khác nhau như sau:

- Mỹ phẩm hữu cơ (organic cosmetic): Chứa thành phần hữu cơ, đạt tiêu chuẩn sạch từ nuôi trồng, nguyên liệu cho đến quy trình sản xuất ra thành phẩm. Trong mỹ phẩm hữu cơ không có hoặc có rất ít thành phần hoá học do đó thân thiện với làn da. Sản phẩm chứa các thành phần tự nhiên, hữu cơ hoặc sử dụng công nghệ sinh học. Các dòng mỹ phẩm được đánh giá là hiệu quả trong chăm sóc và ổn định làn da.

- Mỹ phẩm thiên nhiên (natural cosmetic): Là dòng mỹ phẩm có thành phần chiết xuất từ thiên nhiên đang được ưa chuộng vì độ lành tính, và đạt hiệu quả đáng kể. Thành phần điều trị da có liều lượng trong giới hạn cho phép nên hiệu quả sử dụng chăm sóc phục hồi da rất an toàn, lành tính ngay cả khi sử dụng duy trì lâu dài.

- Mỹ phẩm sinh học (bio-cosmetic): Được nghiên cứu và tổng hợp từ công nghệ sinh học như growth factor, liposome, transfersome, peptide, công nghệ nano,... chứa trên 95% thành phần thiên nhiên từ thực vật, không được chứa chất độc hại như parafin, chất bảo quản, chất ổn định.

Làm đẹp, làm thơm là một nhu cầu chính đáng giúp chúng ta tự tin trong giao tiếp, để lại ấn tượng tốt đẹp cho người đối diện. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần lựa chọn sản phẩm có thương hiệu, có uy tín, được cơ quan quản lý nhà nước cho phép và trao đổi ý kiến với các chuyên gia y tế để bảo vệ nhan sắc và sức khỏe./.

Tài liệu tham khảo:

1. Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm, COLIPA - The European Cosmetics Toiletry and Perfumery Association, 7/1994.

2. Hướng dẫn thực hành tốt sản xuất thuốc Y học cổ truyền, National Pharmaceutical Control Bureau, Malaysia, 1st Edition, 1999

3. Văn bản hợp nhất số 07/VBHN-BYT của Bộ Y tế; Thông tư 29/2020/TT-BYT sửa đổi bổ sung thông tư 06/2011/TT-BYT quy định về quản lý mỹ phẩm.

DSCK2. Lý Thị Nhất Định

Chia sẻ bài viết