Tiếng Việt | English

02/08/2018 - 14:57

Siết chặt quản lý các mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm

Việc sử dụng dược phẩm, mỹ phẩm là nhu cầu thiết yếu của con người. Tuy nhiên, các mặt hàng này đang được bán tràn lan, khó kiểm tra về chất lượng, khiến người tiêu dùng hoang mang, ngành chức năng khó kiểm soát và quản lý.

Tràn lan, khó kiểm soát

Hiện, các mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm được bày bán khắp nơi từ nhà thuốc Tây, hiệu thuốc Đông y, tiệm tạp hóa đến các kênh bán hàng trực tuyến. Sự phát triển với tốc độ “chóng mặt” của mặt hàng này khiến việc kiểm soát, quản lý gặp không ít khó khăn. Toàn tỉnh hiện có gần 40 cơ sở sản xuất mỹ phẩm và hơn 1.300 cơ sở kinh doanh, sản xuất dược phẩm. Hàng năm, theo định hướng của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm - mỹ phẩm tỉnh lấy hơn 600 mẫu dược phẩm, mỹ phẩm lưu thông, phân phối trên thị trường tỉnh để kiểm tra, giám sát chất lượng. Nếu phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh có sản phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng, trung tâm tham mưu Sở Y tế kịp thời xử lý theo quy định.

Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm dược phẩm - mỹ phẩm tỉnh - dược sĩ Nguyễn Thị Thu Vân cho biết: “6 tháng đầu năm 2018, trung tâm kiểm tra, giám sát chất lượng 299 mẫu thuốc, mỹ phẩm. Nhìn chung, chất lượng thuốc trên địa bàn tương đối ổn định (tỷ lệ thuốc không đạt chiếm 0,33%). Riêng đối với mặt hàng mỹ phẩm, những năm gần đây phát triển ồ ạt cả về cơ sở sản xuất lẫn số lượng, chủng loại. Vì vậy, để kiểm soát và quản lý tốt chất lượng mỹ phẩm đòi hỏi phải có sự vào cuộc của ban, ngành và các cơ quan chức năng”.

Theo Nghị định số 93/2016/NĐ-CP, ngày 01/7/2016 của Chính phủ “Quy định về điều kiện sản xuất mỹ phẩm”, những cơ sở sản xuất mỹ phẩm nếu không có phòng kiểm nghiệm, phải ký hợp đồng với cơ quan chức năng gửi mẫu kiểm nghiệm thì mới đủ điều kiện để Sở Y tế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm. Tuy nhiên, tại tỉnh vẫn còn một số cơ sở không thực hiện việc gửi mẫu kiểm nghiệm theo hợp đồng ký kết. Năm 2017 và 2018, toàn tỉnh có 8 cơ sở sản xuất mỹ phẩm ký hợp đồng kiểm nghiệm với trung tâm, thế nhưng, chỉ có 3 cơ sở thực hiện gửi mẫu kiểm nghiệm. Việc lấy mẫu tại các tiệm tạp hóa có kinh doanh mỹ phẩm gặp nhiều khó khăn do người bán không tạo điều kiện cho cán bộ của trung tâm lấy mẫu kiểm tra. Mặt khác, số lượng mẫu mỹ phẩm mỗi lô sản xuất tại các cơ sở kinh doanh nhỏ, lẻ không đáp ứng việc tiến hành phân tích, kiểm nghiệm và lưu mẫu tại phòng thí nghiệm của trung tâm.

Sự phát triển với tốc độ “chóng mặt” của các mặt hàng dược phẩm thời gian qua khiến việc kiểm soát gặp không ít khó khăn

Sự phát triển với tốc độ “chóng mặt” của các mặt hàng dược phẩm thời gian qua khiến việc kiểm soát gặp không ít khó khăn

Mỹ phẩm không rõ nguồn gốc còn được rao bán tràn lan thông qua mạng xã hội, được gắn mác hàng xách tay, sản phẩm gia truyền. Chị Nguyễn Thị Diễm (phường 5, TP.Tân An, tỉnh Long An) cho biết: “Tôi mua bộ sản phẩm điều trị nám da được rao bán trên Facebook. Sau khi sử dụng khoảng 1 tuần thì da tôi bị đỏ, rát và rất ngứa. Khi đến bệnh viện khám thì bác sĩ chuyên khoa da liễu kết luận tôi bị viêm da dị ứng, phải uống và kết hợp thuốc bôi mới điều trị khỏi”.

Hậu quả của việc dùng mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc khiến người sử dụng bị viêm da, bít lỗ chân lông để lại mủ và sẹo; nặng hơn có thể gây rối loạn sắc tố da rất khó điều trị, ảnh hưởng đến thai nhi (đối với những người mang thai).

Siết chặt quản lý

Thời gian qua, ngành chức năng thường xuyên rà soát, kiểm tra các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các mặt hàng thuốc, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng, hàng gian, hàng giả, đồng thời chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm trên địa bàn.

6 tháng đầu năm 2018, Chi cục Quản lý thị trường phối hợp các ngành liên quan thanh tra, kiểm tra, phát hiện 4 vụ vận chuyển, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm nhập lậu, tịch thu và xử phạt 30 triệu đồng.

Đội Quản lý thị trường số 3 bắt giữ mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Ảnh: Mai Hương

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường - Nguyễn Anh Việt cho biết: “Nhằm siết chặt quản lý dược phẩm, mỹ phẩm, từ nay đến cuối năm 2018, chi cục phối hợp các ngành chức năng kiểm tra đồng loạt, liên tục các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu dược phẩm, mỹ phẩm nhằm ngăn ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng lưu thông trên thị trường theo quy định của pháp luật”.

Ngoài ra, các đội quản lý thị trường tăng cường phối hợp lực lượng hải quan, bộ đội biên phòng kiểm tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép dược phẩm, mỹ phẩm qua biên giới. Đồng thời, kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh qua các ứng dụng Internet, website bán hàng, nhất là các trang mạng xã hội: Facebook, Zalo, Youtube,... (thương mại điện tử) nhằm chủ động ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng thương nhân lợi dụng lòng tin của người mua hàng lừa đảo, gian lận về mẫu mã, giá cả, chất lượng hàng hóa; xử lý nghiêm các trường hợp hoạt động thương mại điện tử không đăng ký hoạt động theo quy định, không khai báo hoặc khai báo không thành thật về hoạt động.

Bên cạnh sự vào cuộc của ngành chức năng, người tiêu dùng cần thận trọng khi mua và sử dụng dược phẩm, mỹ phẩm. Dược sĩ Nguyễn Thị Thu Vân khuyến cáo: “Thời gian qua, nhiều trường hợp nghe theo lời quảng cáo mua thuốc Đông y điều trị các bệnh: Tiểu đường, đau nhức xương khớp, bệnh huyết áp,... Do thuốc Đông y trộn tân dược nên ban đầu điều trị, bệnh nhân thấy bệnh tình thuyên giảm nhưng sau đó bệnh nặng hơn và để lại hậu quả khó lường. Vì vậy, người tiêu dùng nên tìm hiểu và chọn mua dược phẩm, mỹ phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được các cơ quan chức năng cho phép lưu hành. Đặc biệt, đối với dược phẩm, khi sử dụng phải được chỉ định bởi những người có chuyên môn về y, dược”.

Việc kinh doanh, buôn bán hàng giả, kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, uy tín của các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Do vậy, việc tổng kiểm tra, rà soát hoạt động kinh doanh, mua bán, phân phối dược phẩm, mỹ phẩm, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm và công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng là việc làm cần thiết. Qua đó, giúp tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức và tự giác chấp hành quy định của pháp luật; giúp người dân nhận biết và “tẩy chay” dược phẩm, mỹ phẩm giả, kém chất lượng./.

Cục Quản lý thị trường vừa có văn bản yêu cầu Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật; tập trung lực lượng xác minh, kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm; đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại các mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

Quang Nguyên

Chia sẻ bài viết