Thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội rất tinh vi nên người dân cần luôn nêu cao tinh thần cảnh giác (Minh họa: Internet)
Nêu cao tinh thần cảnh giác
Thực tế, những năm gần đây xảy ra nhiều trường hợp tổ chức, cá nhân bị các đối tượng xấu lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, gây thiệt hại nghiêm trọng. Nhiều vụ, các đối tượng tội phạm lợi dụng sự phát triển của công nghệ viễn thông, sự bùng nổ của các trang mạng xã hội (MXH): Zalo, Facebook để kết nối, lôi kéo, dẫn dụ và lừa đảo. Quá trình hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đối tượng thường xuyên thay đổi thông tin cá nhân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, tài khoản MXH, sử dụng tài khoản ảo, thay đổi địa bàn hoạt động, cư trú nhằm đối phó với công tác phòng ngừa, xử lý của cơ quan chức năng.
Từ những thực tế trên, cơ quan chức năng, nhất là lực lượng công an nhiều lần ban hành các thông báo đến cộng đồng, cơ quan, đơn vị, nêu rõ nhiều cách thức, thủ đoạn lừa đảo qua MXH, điện thoại để người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, tránh "sập" bẫy lừa.
Thời gian trước, Công an huyện Tân Trụ nhận được đơn trình báo của anh P. về việc bị một đối tượng lừa đảo chiếm đoạt một lô hàng nông sản trị giá 350 triệu đồng. Qua điều tra ban đầu, anh P. có giao dịch mua bán nông sản. Giữa tháng 3, có người nhắn tin cho anh qua Zalo, hỏi mua gạo. Sau khi thỏa thuận giá cả, người này đồng ý mua số lượng lớn và thuê 2 xe ôtô tải đến nhà máy ở huyện Tân Trụ để lấy hàng.
Khi giao hàng gần xong, người này nhắn tin hỏi số tài khoản ngân hàng của anh P. Một lúc sau, người này chụp hình tờ biên lai nộp tiền, gửi cho anh P. qua Zalo. Do thấy đúng số tài khoản, tên người nhận nên anh P. tin tưởng giao hết số hàng và cho xe chở đi.
Sau khi xe chở hàng rời đi khá lâu, anh P. vẫn không thấy tin nhắn thông báo số tiền chuyển vào tài khoản nên liên hệ ngân hàng nhờ kiểm tra. Lúc sau, phía ngân hàng xác định không có giao dịch chuyển tiền như biên lai nộp tiền nói trên. Biết bị lừa, anh P. gọi điện thoại cho người lạ kia thì chỉ còn là những tiếng "tò tí te...".
Còn tại huyện Châu Thành, cuối tháng 8/2021, đơn vị tiếp nhận tin báo của chị Đ. trình báo có người lạ gọi vào số điện thoại di động tự xưng là nhân viên của một công ty tài chính, đang có chương trình cho vay lãi suất thấp... Trong lúc đang cần tiền, chị Đ. đồng ý làm theo hướng dẫn để vay 400 triệu đồng. Người này hướng dẫn chị Đ. kết nối với một nhân viên khác qua Zalo. Sau đó, tiếp tục hướng dẫn chị Đ. tải phần mềm ứng dụng “24 Money” trên điện thoại di động và nhập thông tin cá nhân. Sau đó, Zalo của chị Đ. tự động kết nối với một người khác. Trao đổi qua mạng, người này yêu cầu chị Đ. chuyển một số tiền đặt cọc vào tài khoản người hỗ trợ chỉ định để chứng minh khả năng trả nợ.
Sau khi chuyển 2 lần với số tiền 240 triệu đồng theo yêu cầu thì chị Đ. được người lạ thông tin qua MXH là đã nhận được tiền nhưng không thể giải ngân vì có sự trục trặc, sai sót khi chuyển tiền không ghi rõ nội dung nên tài khoản bị đóng băng. Theo đó, người lạ lại nhắn tin tiếp tục đề nghị chị Đ. chuyển thêm tiền và kèm theo đúng nội dung hướng dẫn thì mới được giải ngân cho vay số tiền đã thỏa thuận và hoàn trả cả số tiền chị đã chuyển.
Ở lần chuyển thứ 3, đối tượng yêu cầu chị Đ. chuyển thêm 200 triệu đồng. Chị Đ. cảm thấy nghi ngờ bị lừa đảo nên không gửi. Khi chị trao đổi qua mạng, yêu cầu đối tượng hoàn trả tiền đã gửi thì đối tượng mất dạng và cắt liên lạc. Vậy là, chị Đ. làm đơn trình báo lên công an về việc bị lừa đảo.
Phải kiểm chứng, xác minh rõ ràng
Cách đây chưa lâu, Công an huyện Châu Thành cũng nhận tin báo của bà H. về việc bị lừa đảo qua MXH. Theo trình báo của bà H., trước đó, bà đồng ý kết bạn với một tài khoản Facebook. Qua trao đổi thông tin, người sử dụng tài khoản Facebook xưng là người thân và nói đã gửi một số lượng lớn tiền về Việt Nam qua địa chỉ của bà. Sau đó ít hôm, có một người khác xưng là nhân viên công ty chuyển phát nhanh, dùng nhiều số điện thoại gọi cho bà H., yêu cầu nộp các loại phí.
Sau mấy lần chuyển số tiền hàng trăm triệu đồng trong vòng 1 tháng, bà H. không nhận được tiền, quà. Nhắn tin với người sử dụng tài khoản Facebook và người xưng là nhân viên của công ty chuyển phát nhanh thì không còn nhận được hồi âm. Vậy là số tiền hàng trăm triệu "không cánh mà bay".
Còn bà N. (54 tuổi, thị xã Kiến Tường), kinh doanh quán ăn, từng nhận được cuộc gọi từ số điện thoại di động lạ, tự xưng là cán bộ công an kinh tế gọi đến đặt món ăn, bia và yêu cầu giao đến trụ sở Công an thị xã Kiến Tường để tiếp khách. Sau đó, đối tượng nhờ bà N. mua 2 triệu đồng thẻ cào điện thoại gửi trước qua Zalo cá nhân để làm quà biếu.
Theo bà N., lúc đầu cũng tin tưởng nên mua và chuyển 5 thẻ cào điện thoại với tổng trị giá 1 triệu đồng rồi chuyển qua Zalo. Sau đó, bà nghi ngờ nên không gửi tiếp mà đến trụ sở Công an thị xã để tìm hiểu thì biết bị kẻ xấu giả danh công an lừa đảo.
Không những thế, thời gian gần đây, nhiều trường hợp bị đối tượng nào đó đánh cắp tài khoản MXH cá nhân rồi nhắn tin vay mượn tiền của nhiều người trong danh sách bạn bè. Có người mất cảnh giác đã chuyển tiền theo tài khoản đối tượng cung cấp nhưng nhiều người cảnh giác, không chuyển tiền ngay mà gọi điện trực tiếp cho người bạn, người quen để kiểm tra thì mới biết có kẻ giả mạo.
“Vừa rồi, người quen gọi điện thoại hỏi về chuyện tôi nhắn tin vay tiền qua Zalo, lại còn lo tôi gặp khó khăn, nghe vậy, tôi rất bất ngờ và hoang mang bởi không có vay mượn tiền gì của ai. Sau đó, người bạn chụp màn hình gửi lại tin nhắn vay tiền cho tôi xem, lúc đó tôi mới tá hỏa và biết tài khoản MXH cá nhân bị kẻ xấu đánh cắp. Tôi liền thông báo rộng rãi đến bạn bè về sự việc có đối tượng giả mạo tôi để nhắn tin vay tiền” - anh Trung Dũng, ngụ phường 6, TP.Tân An, kể.
Gần đây, Sở Thông tin và Truyền thông khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm sử dụng không gian mạng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Đối với tội phạm lừa đảo qua MXH thì việc điều tra và truy tìm thường gặp nhiều khó khăn. Công an tỉnh cũng đề ra nhiều giải pháp như tăng cường đấu tranh, thành lập các chuyên án, mở các đợt cao điểm triệt xóa, bắt giữ loại tội phạm lừa đảo này để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, công an phối hợp các cấp chính quyền, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, thông tin rộng khắp trong cộng đồng về các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó nhấn mạnh đến thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại, MXH. Công an khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, thẻ tín dụng cho người khác khi không cần thiết; không chuyển, nộp tiền vào tài khoản, thẻ tín dụng dưới bất cứ hình thức nào cho người khác khi chưa biết rõ họ là ai và mục đích gì; không tham gia kinh doanh qua mạng khi không có thông tin về hoạt động của loại hình này;...
Với các giao dịch khi thực hiện cần bảo đảm chắc chắn nhận được tiền và nhận hàng để tránh bị lừa đảo. Đặc biệt, khi nhận được những cuộc điện thoại, tin nhắn, hướng dẫn qua MXH, hướng dẫn giao dịch, chuyển tiền, nhận trúng thưởng thì không nên vội vàng thực hiện theo mà phải cẩn trọng, xác minh kỹ. Khi phát hiện nghi vấn, cần báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp giải quyết, xử lý kịp thời./.
Lê Đức