Tiếng Việt | English

07/06/2019 - 21:33

Tình trạng sạt lở vẫn phức tạp, khó lường

Thời gian gần đây, hàng loạt vụ sạt lở nghiêm trọng liên tiếp xảy ra trên địa bàn huyện Cần Giuộc và TP.Tân An, tỉnh Long An, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân. Hàng chục ngôi nhà ven sông Vàm Cỏ Tây, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An và khu vực ven sông Rạch Dừa, xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc đang đứng trước nguy cơ bị dòng sông “nuốt chửng”.

Hiện trường vụ sạt lở tại nhà bà Trần Thị Thao, ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An

Sáng 27/5, trên địa bàn ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An, xảy ra vụ sạt lở làm 4 căn nhà ở ven sông Vàm Cỏ Tây bị đổ ụp xuống sông, 5 căn nhà gần đó cũng xuất hiện những vết nứt lớn, ước tính thiệt hại khoảng 2 tỉ đồng.

Chủ tịch UBND xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An - Hồ Duy Tâm thông tin: “Vào khoảng 5 giờ sáng 27/5, trên địa bàn ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn xảy ra một vụ sạt lở nghiêm trọng, làm 4 căn nhà của người dân bị sụp lún hoàn toàn và 5 căn nhà gần đó bị xé nứt vách tường. Ngay khi nhận được tin báo, địa phương kịp thời phối hợp các ngành chức năng di dời phần tài sản còn lại của người dân đến nơi an toàn. Đồng thời, sắp xếp điểm trường học để người dân tạm chuyển đến. Hiện, địa phương rất mong các ngành chức năng sớm có những chính sách giải tỏa hoặc di dời để người dân an tâm sinh sống”.

Rất may, vụ sạt lở này không gây thiệt hại về người. Tuy nhiên, hơn 20 hộ dân với gần một trăm nhân khẩu ở khu vực này vẫn đang phải chấp nhận sống tạm trong phần còn lại của những ngôi nhà đang chờ sụp đổ, nguy hiểm luôn rình rập nhưng chưa thể di dời đi nơi khác do điều kiện kinh tế còn quá khó khăn.

Tình trạng sạt lở tiếp tục đe dọa người dân sống ven các tuyến sông, kênh rạch

Nguy hiểm nhất phải kể đến gia đình bà Trần Thị Thao, ngoài khu vực phía sau nhà bị sạt lở nghiêm trọng, hiện giữa nhà cũng đã xuất hiện những vết nứt lớn, tường xây bị xé, nền nhà cũng bị nứt, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao. 

Bà Thao chia sẻ: “Gia đình tôi làm nghề lưới cá, dành dụm tiền mấy mươi năm mới cất được ngôi nhà. Mặc dù thấy cảnh sạt lở cũng rất bất an nhưng giờ không có ruộng đất để di dời nên vẫn ở lại, tới đâu hay tới đó”.

Còn tại khu vực ven sông Rạch Dừa, ấp Phước Thới, xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, tình trạng sạt lở dọc theo 2 bờ kênh cũng diễn biến phức tạp. 

Ông Nguyễn Văn Phúc, ngụ ấp Phước Thới, xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc nói: “Cách đây khoảng 4-5 tháng, khu vực này đã sạt lở một lần. Trước đó, người dân trong ấp tiến hành vận động mua khoảng 70 - 80 cây dừa để kè nhưng bờ sông lại sạt lở lần 2. Hiện, người dân không còn khả năng tiếp tục thực hiện kè lại khúc sông này. Mong các cấp, các ngành sớm hỗ trợ, giải quyết để người dân an tâm sinh sống”.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cần Giuộc - Huỳnh Văn Tường cho biết, những năm gần đây, tình hình sạt lở tại các khu vực ven sông diễn ra với tốc độ nhanh hơn trước. Nguyên nhân do mực nước ở các tuyến sông dâng cao theo từng ngày và dòng chảy thay đổi với tốc độ cao. Hiện nay, tại huyện Cần Giuộc, tình hình sạt lở xảy ra nhiều nhất ở khu vực ven sông Cần Giuộc, sông Rạch Dừa, sông Chuồng,…

"Theo đó, huyện và địa phương cũng tiến hành cấm các biển báo tại những khu vực có nguy cơ sạt lở cao để cảnh báo cho người dân. Đồng thời, địa phương vận động người dân chủ động di dời đến nơi an toàn; khuyến khích người dân có đất ven sông trồng những loại cây chống sạt lở như bần, vẹt, mắm,… Đặc biệt, khuyến cáo người dân không được xây, cất nhà sàn ở các khu vực đã được cảnh báo có nguy cơ sạt lở cao”, ông Huỳnh Văn Tường thông tin thêm.

Hiện, người dân rất mong mỏi các cấp chính quyền sớm thực hiện các chính sách hỗ trợ, di dời hoặc triển khai giải pháp chống sạt lở để họ ổn định cuộc sống, an tâm sản xuất, kinh doanh./.

Nguyễn Dung – Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết