Trước những ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhằm phòng, chống dịch hiệu quả, mọi người hạn chế tiếp xúc với nhau, tránh tập trung đông người. Theo đó, những gia đình có hiếu, hỷ đều tổ chức gọn, nhẹ. Khi cả nước bước vào đợt cao điểm phòng, chống dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg yêu cầu cách ly toàn xã hội từ 01/4 đến 15/4. Chấp hành Chỉ thị 16, người dân chỉ ra đường khi thật cần thiết, tránh tiếp xúc, tập trung đông người.
Trong giai đoạn này, những gia đình có hữu sự đều tổ chức gọn nhẹ. Có những đám tang chỉ có người trong gia đình dự và thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng nước sát khuẩn. Cũng có đám tang, người nhà chỉ tổ chức những nghi lễ cần thiết rồi nhanh chóng hỏa táng. Dẫu biết rằng "nghĩa tử là nghĩa tận” nhưng giữa lúc tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tổ chức đám tang gọn, nhẹ, ít người dự là cách để bảo vệ sức khỏe của những người trong gia đình và người thân. Không kèn trống, không nghi lễ rình rang, đám tang được tổ chức trong thời điểm xảy ra dịch bệnh đều hướng đến sự tối giản. Tuy nhiên, sau thời gian cách ly xã hội, một số gia đình khi có hữu sự lại chủ quan, không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Những ngày gần đây, trên địa bàn TP.Tân An có một số đám tang tập trung đông người. Người trong gia đình và khách đến chia buồn không đeo khẩu trang và cũng không rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn. Hiện nay, nước ta cơ bản khống chế được dịch bệnh nên một số người có tâm lý chủ quan. Dịch Covid-19 tại các nước trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp và nước ta vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh nên người dân cần tiếp tục nêu cao tinh thần cảnh giác, thực hiện nghiêm yêu cầu giãn cách xã hội, tránh tập trung trên 30 người. Tối giản trong việc cưới, việc tang là góp phần phòng, chống Covid-19 hiệu quả và bảo vệ sức khỏe gia đình, người thân./.
Đăng Khoa