Trong một tiết ôn tập chương môn Toán lớp 7, tôi đang tổng hợp, đúc kết những kiến thức trọng tâm thì thấy một học sinh nữ lén viết nội dung gì đó bằng mực đỏ, tôi liền nói ngay với em và cả lớp cùng nghe: "Em cất tờ giấy vào hộc bàn ngay và tiếp tục chú ý bài ôn của thầy!". Em nhanh chóng cho ngay tờ giấy vào hộc bàn, tiếp tục theo dõi bài. Nhưng chỉ một lát sau, em lại lần nữa lấy tờ giấy lúc nãy ra và viết viết, vẽ vẽ cái gì vào đó, mà từ trên bục giảng, tôi khó xác định được nội dung hay hình vẽ gì. Ngay sau đó, tôi gọi tên em, yêu cầu em đứng lên, và tôi nói: "Em mang tờ giấy đó đi lên để trên bàn của thầy!". Tôi thấy em có vẻ hơi run, mặt tái nhạt và chậm rãi thực hiện đúng yêu cầu của tôi, rồi đi về chỗ ngồi. Tôi giả vờ không quan tâm sắc mặt và thái độ của em, tiếp tục hoàn thành tiết ôn tập của mình. Cuối giờ, tôi lấy tờ giấy mà em đem lên lúc nãy cất vào cặp của mình.
Ảnh minh họa: Internet
Dạy hết buổi sáng hôm đó, về nhà, lúc nằm nghỉ trưa, tôi chợt nhớ tới mảnh giấy lúc sáng nên mới lấy tờ giấy đó ra xem. Và thật bất ngờ, trong tờ giấy đó, em học sinh ấy vẽ hai trái tim bằng mực màu đỏ, rồi viết bên dưới một câu như sau: "Bí quyết để giữ vững tình yêu: Bước 1, nắm tay, bước 2, hôn hít, bước 3, có baby".
Hôm sau đến trường, tôi đem tờ giấy và kể chuyện này với giáo viên chủ nhiệm lớp của em, với vài đồng nghiệp, tôi cũng nói với thầy hiệu trưởng nhằm mục đích tìm cách để giáo dục, uốn nắn những suy nghĩ có phần chưa chín chắn của em, nhưng bằng mọi cách không làm tổn thương em học sinh đó. Khi trao đổi với thầy hiệu trưởng, tôi nghe thầy phân tích, suy xét,... và gợi nhiều ý tưởng để tôi có thể gặp riêng em này hoặc có thể nói chuyện trước lớp về chuyện đó sao cho thuyết phục.
Thầy hiệu trưởng dặn tôi: “Không nên nói liền, nhưng không được để quá lâu, nhớ rằng không được bỏ qua. Chuyện yêu đương tuổi học trò bây giờ không còn xa lạ nữa, lớp 5, lớp 6, các em đã có tình cảm với bạn khác giới rồi, vấn đề là mình, những thầy cô giáo phải có cách đối phó, ứng xử sao cho thuyết phục”.
Những ngày sau, tôi chuẩn bị kỹ và dành 15 phút để nói chuyện trước học sinh lớp đó. Vì được tham khảo ý kiến của đồng nghiệp, của hiệu trưởng và có sự chuẩn bị kỹ nên tôi vào câu chuyện một cách tự nhiên.
Tôi nói cùng học sinh rằng: Để hai người, thương nhau, yêu nhau, rồi cưới nhau, có con,... thì từ hai phía. Trước đó, phải cần có những điều kiện thế này và các em nghe thử coi có đúng không: Một, là người mình yêu ít ra phải có trình độ học vấn nhất định. Hai, là phải có việc làm, em thử nghĩ đi, nếu không có việc làm thì sinh con ra, lấy cái gì để nuôi con ăn học nên người? Ba, là người mình yêu phải có đạo đức và tôi cũng nhắc học sinh rằng, đạo đức của một con người phải do rèn luyện, tu dưỡng lâu dài. Trước khi kết thúc câu chuyện, tôi nói một cách thẳng thắn rằng: “Những em ngồi ở đây, sau khi đủ tuổi kết hôn, nếu đối tượng của mình ít nhất có đủ những điều kiện như thầy vừa nói thì thầy sẵn sàng ủng hộ các em trong việc yêu đương, cưới nhau và có con...”.
Tôi thuật lại cách giải quyết này với những đồng nghiệp và nhận được nhiều ý kiến khác nhau, trong đó có những giáo viên nói với tôi rằng: Nếu thầy nói như vậy trước học trò ở độ tuổi mới lớn thì liệu thầy có "vẽ đường cho hươu chạy" hay không? Thật ra, tôi cũng lường được cách nhìn nhận trên, nhưng ở tình huống này thì tôi có một suy nghĩ khác. Tôi tin rằng, tôi nói như vậy trước học sinh của mình tức là tôi muốn làm “xa lộ” cho các em đi, tôi muốn chỉ những cạm bẫy để các em tránh, muốn là người tư vấn để các em cùng suy nghĩ với tôi vấn đề nhạy cảm của tuổi mới lớn, chứ không phải "vẽ đường cho hươu chạy”.
Độc giả của Hoa học trò có đồng ý với tôi như vậy không? Rất mong được chia sẻ, bàn luận./.
Nguyễn Thanh Hùng Hai