Tiếng Việt | English

23/03/2017 - 09:50

Tôn vinh những người làm công tác xã hội

Từ lâu, công tác xã hội (CTXH) là việc làm cao quý và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, bởi nó là những hoạt động của sự gắn kết và chia sẻ. Vì vậy, ngày 15/9/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1791/QĐ-TTg, lấy ngày 25/3 hàng năm là Ngày CTXH Việt nam. Đây chính là niềm tự hào của những người đang hoạt động trong lĩnh vực này. Qua đó, góp phần ghi nhận sự cống hiến của đội ngũ làm CTXH.


Ông Bùi Ngọc Diệu (bìa phải) gắn kết với nghề công tác xã hội gần 30 năm, cũng là ngần ấy năm, ông lấy cái tâm ra chia sẻ với những người tìm đến

Lịch sử và ý nghĩa ngày CTXH

Ngành CTXH trên thế giới được biết đến từ cuối thế kỷ XIX, xuất phát từ nhu cầu giải quyết những vấn đề xã hội phát sinh trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa ở các nước phương Tây. Năm 1992, bộ môn CTXH được thành lập tại Khoa Phụ nữ học thuộc Trường Đại học Mở - Bán công TP.HCM. Đến ngày 11/10/2004, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Quyết định số 35/2004/QĐ-GDĐT ban hành chương trình khung đào tạo cử nhân ngành CTXH - bậc đại học và bậc cao đẳng, từ đó, tạo bước ngoặt căn bản trong sự phát triển của ngành CTXH ở Việt Nam. Đến nay, cả nước có 38 trường đại học, cao đẳng đào tạo ngành CTXH.

Ngày 25/3/2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 32/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH tại Việt Nam giai đoạn 2010-2020. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc hình thành và phát triển nghề CTXH trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, ngày 15/9/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1791/QĐ-TTg lấy ngày 25/3 hàng năm là Ngày CTXH ở Việt Nam. Đây là niềm tự hào của những người hoạt động trong lĩnh vực CTXH cả nước nói chung và tỉnh Long An nói riêng.

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Hoa Thanh Niên nhận định: “Đây là năm đầu tiên tổ chức Ngày CTXH (25/3). Hoạt động này rất có ý nghĩa đối với đội ngũ đang công tác trong ngành CTXH, từ đó, không chỉ tôn vinh sự cống hiến của đội ngũ làm CTXH thời gian qua mà còn khích lệ họ cố gắng làm tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”.


Các thành viên Câu lạc bộ từ thiện Thiện Tâm tặng quần áo cho người nghèo

Được sự hỗ trợ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Cục Bảo trợ xã hội chọn Long An là 1 trong 10 tỉnh được đầu tư xây dựng thí điểm mô hình Trung tâm Cung cấp dịch vụ CTXH, với tổng kinh phí đầu tư xây dựng 3 tỉ đồng.

Trung tâm Cung cấp dịch vụ CTXH được thành lập tháng 11-2011 đặt tại phường 2, TP.Tân An, theo Quyết định số 1220/QĐ-UBND, ngày 19/4/2011 của UBND tỉnh, chính thức đi vào hoạt động vào tháng 10/2012. Trung tâm có nhiệm vụ cung cấp và kết nối các dịch vụ xã hội cho các đối tượng, tạo ra môi trường sống an toàn, lành mạnh, thân thiện, ngăn chặn các yếu tố gây tổn thương, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Hướng đến sự hài lòng

Đến thăm Trung tâm Cung cấp dịch vụ CTXH, tại đây, chúng tôi cảm nhận được sự tận tâm, tận tụy của những người làm CTXH. Họ làm việc bằng trái tim đồng cảm và sự sẻ chia. Ông Bùi Ngọc Diệu (chuyên viên Trung tâm Cung cấp dịch vụ CTXH) bộc bạch: “Tôi công tác trong ngành CTXH gần 30 năm, cũng là ngần ấy năm, tôi đặt mình vào vị trí của người cần tư vấn để suy nghĩ tâm tư, nguyện vọng của khách hàng nhằm có cách giải quyết tốt nhất. Đối với tôi, nụ cười, sự hạnh phúc của những người được tư vấn là động lực để tôi gắn với nghề đến hôm nay”.

Trong cuộc sống, có lúc, ta gặp phải những điều khó xử hoặc tinh thần, tâm lý có chút hoang mang. Những lúc ấy, chúng ta rất cần người để chia sẻ và cảm thông. Trung tâm Cung cấp dịch vụ CTXH chính là nơi để chúng ta đặt niềm tin. Em N.H.V (học sinh lớp 10, ở huyện Thủ Thừa) cho biết: “Ở tuổi mới lớn, em có rất nhiều suy nghĩ bồng bột: Cảm nhận ba mẹ không thương yêu mình, chỉ lo kiếm tiền, đi học rất chán,... Từ đó, em hay tụ tập theo bạn bè chơi game, trốn học,... Ba mẹ phát hiện nên rất buồn. Trước tình cảnh đó, em mạnh dạn điện thoại nhờ Trung tâm Cung cấp dịch vụ CTXH tư vấn. Sau khi nghe các cô chú tư vấn, em nhận ra sai lầm của mình, vì ba mẹ nào chẳng thương con, thế là em quyết tâm học thật giỏi để không phụ lòng ba mẹ”.

Thời gian qua, Trung tâm Cung cấp dịch vụ CTXH phối hợp Trung tâm Giới thiệu việc làm tư vấn cho hơn 4.000 lượt đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn qua đường dây nóng cho hàng ngàn lượt người dân về chế độ, chính sách, chăm sóc và nuôi dạy trẻ, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp,... truyền thông đối thoại công tác giảm nghèo cho người dân tại 15 xã của 7 huyện; tặng 410 phần quà cho trẻ em nghèo ở huyện Thủ Thừa và TP.Tân An; tổ chức 195 buổi tuyên truyền Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, kỹ năng sống cho hơn 9.750 học sinh.

Phó Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ CTXH - Huỳnh Thị Ngọc Báu chia sẻ: “Người làm CTXH luôn đòi hỏi phải có sự nhiệt huyết, không ngừng học hỏi, tình thương yêu, chia sẻ thì mới bám trụ với nghề được lâu. Do đó, trung tâm thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn; cập nhật thông tin, tài liệu hiện hành;... Đặc biệt là tổ chức hội thảo, trong đó, đưa ra những trường hợp khó giải quyết hoặc mới phát sinh để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm,... Có như vậy, đội ngũ làm CTXH sẽ làm tốt nhiệm vụ được giao, vun bồi tình yêu nghề, hướng đến sự hài lòng của khách hàng”.


Cộng tác viên công tác xã hội - Phạm Tường Duy (bìa trái) thường xuyên đến thăm hỏi, động viên tinh thần những hoàn cảnh khó khăn

"Là người sinh ra và lớn lên trong gia đình khó khăn nên tôi rất hiểu tâm trạng của những người kém may mắn trong xã hội. Họ không chỉ cần được giúp đỡ về vật chất mà rất cần sự động viên về tinh thần."

Cộng tác viên CTXH - Phạm Tường Duy (xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ)

Gắn kết và chia sẻ

Không chỉ có những người đang công tác trong ngành CTXH là cầu nối của sự chia sẻ và gắn kết mà nhiều tấm lòng thiện nguyện vẫn hàng ngày, hàng giờ âm thầm cống hiến cho CTXH bằng cách này hay cách khác. Khi đến với TP.Tân An, cái tên Câu lạc bộ (CLB) từ thiện Thiện Tâm, với trên 10.000 thành viên tham gia trở nên quen thuộc với người dân nơi đây. Mặc dù CLB từ thiện Thiện Tâm mới thành lập 3 năm nhưng tạo được lòng tin của mạnh thường quân, các nhà hảo tâm,... khi giúp đỡ, chia sẻ với nhiều hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

Chủ nhiệm CLB từ thiện Thiện Tâm - Phạm Hoài Phong cho biết: “Đối với tôi, làm CTXH rất đơn giản, bởi mình làm được gì thì làm, giúp được gì thì cố gắng giúp, miễn trong khả năng là được”. Hiện nay, CLB từ thiện Thiện Tâm chính là điểm tựa cho những mảnh đời kém may mắn, những mô hình hoạt động hiệu quả của CLB: Tủ bánh mì từ thiện, tủ quần áo từ thiện, nấu cơm từ thiện,... cho người nghèo. Ông Lê Văn Hùng (ở phường 4, TP.Tân An) cho biết: “Tôi làm thợ hồ, thu nhập rất bấp bênh. Số tiền vất vả kiếm được, tôi dùng để lo ăn uống hàng ngày, thế nên, một năm, tôi cũng chưa nổi một bộ quần áo mới. Từ khi CLB từ thiện Thiện Tâm có tủ quần áo từ thiện, tôi rất mừng, vì có thể lựa chọn cho mình nhiều bộ đồ mới”.

"Phương châm hoạt động của CLB từ thiện Thiện Tâm là công khai, minh bạch về tài chính, giúp đỡ những hoàn cảnh cần giúp đỡ và không vụ lợi dưới mọi hình thức. Biết được phương châm đó, tôi gắn kết với CLB gần 3 năm. Thời gian tới, tôi tiếp tục vận động bạn bè, người thân tham gia CLB nhằm góp phần giúp đỡ những người kém may mắn” - chị Nguyễn Phương Thùy (thành viên CLB từ thiện Thiện Tâm) cho biết.

Ngày CTXH 25/3 là dịp tôn vinh sự cống hiến âm thầm của những người làm CTXH. Chính những người làm nhiệm vụ cao quý góp phần giúp cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn!

Kim Ngọc

Chia sẻ bài viết