Tiếng Việt | English

13/05/2017 - 16:12

Tổng thống đắc cử Macron đối mặt những thách thức đầu tiên

Căng thẳng đã nảy sinh xung quanh ý định "vẽ lại bản đồ chính trị Pháp" của Tổng thống đắc cử Emmanuel Macron ngay trước thời điểm ông tuyên thệ nhậm chức ngày 14/5 tới.

Tổng thống đắc cử Emmanuel Macron. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Ông Francois Bayrou, một đồng minh chủ chốt và là người đã kêu gọi dồn phiếu cho ông Macron trong vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, đã bất bình với Tổng thống đắc cử trước thềm cuộc bầu cử Hạ viện quan trọng dự kiến diễn ra vào tháng Sáu tới.

Trả lời phỏng vấn tạp chí LObs ngày 12/5, khi nhận định về danh sách giới thiệu hơn 400 ứng cử viên sẽ đại diện cho phong trào Nền Cộng hòa Tiến bước (REM) của ông Macron tham gia cuộc bầu cử tới, ông Bayrou cáo buộc đây là "chiến dịch đại tái chế đảng Xã hội."

Ông bày tỏ thất vọng vì các ứng cử viên trong danh sách này chỉ đại diện cho 35 khu vực bầu cử, thay vì 120 khu vực như ông mong đợi.

Tuy nhiên, đến tối cùng ngày, ông Bayrou thông báo đã đạt được một dự thảo thỏa thuận "bền vững và cân bằng" với REM liên quan đến danh sách trên, tạm khép lại các căng thẳng.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Macron đã cam kết làm mới Quốc hội Pháp và đảng của ông đã công bố danh sách gồm 428 trong số 577 ứng cử viên sẽ tham gia cuộc tổng tuyển cử tháng Sáu tới với mục tiêu giành đa số tuyệt đối tại Hạ viện để có thể tiến hành các cải cách.

Một nửa danh sách này là những người chưa từng làm việc trong cơ quan dân cử và một nửa trong số này là phụ nữ.

Ngoài sự phản đối của ông Bayrou, REM còn buộc phải sửa lại danh sách này sau khi khoảng 10 người tuyên bố không có ý định ủng hộ đảng này hoặc chưa bao giờ đệ đơn xin làm ứng cử viên của đảng.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (NF) Florian Philippot, cho rằng ông Macron "thiếu chuyên nghiệp" trong việc này.

Cuộc bầu cử Hạ viện sắp tới được cho là phép thử quan trọng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với ông Macron, người sẽ phải vượt qua Tổng thống mãn nhiệm không được lòng dân Francois Hollande của đảng Xã hội.

Nếu đảng của ông không giành được đa số tại Quốc hội, Tổng thống Macron sẽ khó thúc đẩy các kế hoạch cải cách đã định về thị trường lao động, lương hưu, trợ cấp thất nghiệp và giáo dục.

Từng là Bộ trưởng Tài chính trong chính phủ của ông Hollande, ông Macron đến nay vẫn chưa thu hút được các thành viên trung dung trong đảng cánh hữu này, nhưng vẫn tin tưởng rằng một số người còn do dự sẽ thay đổi ý định trước khi ông công bố danh sách cuối cùng vào ngày 17/5 tới.

Từ nay tới khi diễn ra bầu cử vào ngày 11 và 18/6 tới, Tổng thống đắc cử Macron cũng sẽ phải đối mặt với nhiều quyết định nhân sự quan trọng tại Điện Elysee.

Quan trọng nhất sẽ là việc lựa chọn thủ tướng, người sẽ điều hành chính phủ cho đến khi diễn ra các cuộc bầu cử và có thể cả sau đó nữa.

Quyết định này sẽ gửi đi một thông điệp mạnh về các ý định của ông Macron.

Ông đã cam kết chọn một chính khách có kinh nghiệm làm việc với Quốc hội và có ảnh hưởng lớn./.

TTXVN

Chia sẻ bài viết