Tổng thống Sudan Omar al-Bashir. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ngày 15/6, Tòa án tối cao tại thành phố Pretoria của Nam Phi đã phát lệnh bắt giữ đương kim Tổng thống Sudan Omar al-Bashir khi ông dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) tổ chức tại Nam Phi.
Tuy nhiên, lệnh bắt giữ được đưa ra vài giờ sau khi Tổng thống al-Bashir đã rời Nam Phi về nước.
Trước đó, ngày 14/6, tòa án trên đã ra lệnh cấm ông al-Bashir rời Nam Phi sau khi Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) kêu gọi Chính phủ Nam Phi bắt giữ ông này với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người trong cuộc xung đột tại Darfur từ năm 2003, song ông al-Bashir đã rời Nam Phi chiều cùng ngày.
Theo chánh án Tòa án tối cao Dunstan Mlambo, Chính phủ Nam Phi phải có biện pháp bắt giữ ông Bashir để chờ ICC đưa ra yêu cầu bắt giữ chính thức.
Chánh án Mlambo nhấn mạnh việc phát lệnh bắt ông al-Bashir là nhằm thực thi quyền tài phán của tòa án, và chính phủ không bắt giữ ông al-Bashir là “mâu thuẫn với hiến pháp.”
Các nguồn tin Chính phủ Nam Phi xác nhận ông al-Bashir đã lên máy bay về nước bất chấp lệnh cấm của tòa án. Truyền thông Sudan cũng đã đưa hình ảnh các nhà lãnh đạo cấp cao Sudan đón Tổng thống al-Bashir tại sân bay quốc tế Khartoum.
Ông al-Bashir tới Nam Phi ngày 14/6 để tham dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ 25 của AU được tổ chức tại thành phố Johannesburg. Chính phủ Nam Phi áp dụng quyền miễn trừ đối với tất cả nhà lãnh đạo châu Phi khi tham dự hội nghị của AU. Điều đó có nghĩa là không nhà lãnh đạo châu Phi nào bị bắt giữ trong hai ngày diễn ra hội nghị.
Trước động thái của Tòa án tối cao, Ủy ban về quan hệ và hợp tác quốc tế của Quốc hội Nam Phi ngày 15/6 đã bày tỏ quan ngại và cho rằng đây là hành động mang tính cơ hội nhằm vào các nhà lãnh đạo châu Phi nhân danh luật pháp quốc tế.
Cùng ngày, Hội đồng Kinh tế, Xã hội và Văn hóa của AU đã chỉ trích ICC về yêu cầu bắt giữ nhà lãnh đạo Sudan khi ông này đang tham dự hội nghị thượng đỉnh của AU.
Theo hội đồng trên, Tổng thống al-Bashir tới Nam Phi theo lời mời của AU và dự các hội nghị liên quan của khối mà không phải tới với tư cách khách mời của Chính phủ Nam Phi. Theo đó, ông al-Bashir được quyền miễn trừ ngoại giao như tất cả các nhà lãnh đạo khác./.
Theo Vietnam+