Tiếng Việt | English

24/05/2021 - 19:26

Tổng Thư ký LHQ: Thế giới đang trong cuộc chiến chống COVID-19

Ông Guterres cho rằng cuộc khủng hoảng COVID-19 đã gây ra "cơn sóng thần đau khổ" cho người dân, với hơn 3,4 triệu người đã vĩnh viễn mất đi cuộc sống, khoảng 500 triệu việc làm không còn.


Nhân viên nhà tang lễ chuyển thi thể bệnh nhân tử vong do COVID-19 tại Cali, Colombia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 24/5 khẳng định thế giới đang "trong cuộc chiến" chống đại dịch COVID-19, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế vận dụng tư duy logic chiến tranh để ngăn chặn đại dịch.

Phát biểu khai mạc cuộc họp thường niên chính của các thành viên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres cho rằng cuộc khủng hoảng COVID-19 đã gây ra "cơn sóng thần đau khổ" cho người dân, với hơn 3,4 triệu người đã vĩnh viễn mất đi cuộc sống, trong khi khoảng 500 triệu việc làm đã không còn kể từ khi thế giới phát hiện ca nhiễm virus SARS-CoV-2 vào cuối năm 2019.

Ông nhấn mạnh: "Những người dễ bị tổn thương nhất đang phải chịu đựng nhiều nhất," đồng thời quan ngại phải rất lâu nữa điều này mới có thể kết thúc. Bên cạnh đó, người đứng đầu Liên hợp quốc cũng đề cập tới những nguy cơ của "phản ứng toàn cầu với hai tốc độ."

Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhắc tới thực tế đáng buồn khi nhiều nước giàu đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho đa số người dân và mở cửa nền kinh tế, trong khi làn sóng virus SARS-CoV-2 vẫn liên tiếp tấn công các nước nghèo, với sự xuất hiện của các biến thể. Ông cảnh báo làn sóng gia tăng các ca mắc mới này có thể cướp đi thêm sinh mạng của hàng trăm nghìn người, làm chậm quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu.

Trước thực trạng trên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres kêu gọi cộng đồng thừa nhận một thực tế rằng thế giới đang ở "trong cuộc chiến tranh" với virus SARS-CoV-2 và COVID-19 không thể đánh bại từng nước một. Do đó, thế giới cần nâng cao năng lực nhằm đánh bại virus SARS-CoV-2.

Ngoài cuộc chiến chống COVID-19, Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo, ủng hộ một loạt khuyến nghị được đưa ra trước đó về cải cách và củng cố WHO cũng như hệ thống y tế toàn cầu.

Cũng tại cuộc họp, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã hoan nghênh sự hy sinh của đội ngũ y tế trên khắp thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch. Theo ông, ít nhất 115.000 nhân viên y tế đã tử vong do COVID-19 kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Trong suốt 18 tháng qua, các nhân viên y tế và chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới đã phải đứng trước ranh giới giữa sự sống và cái chết, song vẫn giành lại cuộc sống cho rất nhiều người.

Liên quan đến vấn đề vaccine, ông kêu gọi các nước có nguồn dự trữ vaccine COVID-19 phong phú chia sẻ và hợp tác nhằm tăng năng lực sản xuất và phân phối cho các nước khác.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng kêu gọi trao cho WHO quyền đến các nước có số ca mắc COVID-19 tăng nhanh, có nguy cơ bùng phát thành đại dịch và truy cập dữ liệu.

Trong các bài phát biểu riêng rẽ được ghi âm trước được gửi tới cuộc họp, cả Tổng thống Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đều kêu gọi tăng nguồn quỹ dành cho WHO, cũng như ủng hộ ý tưởng về một hiệp ước quốc tế mới để ngăn chặn đại dịch./.

Theo TTXVN (BĐT tổng hợp)

Chia sẻ bài viết