Tiếng Việt | English

19/11/2021 - 08:22

Trẻ em có nguy cơ tái nhiễm COVID-19 cao hơn người lớn không?

Một nghiên cứu mới cho thấy khi trẻ em bị nhiễm virus SARS-CoV-2, chúng không tạo ra nhiều loại kháng thể như người lớn. Vì vậy, cơ thể trẻ có khả năng chống lại COVID-19 kém hơn trong tương lai.

COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu, ảnh hưởng đến cả người lớn và trẻ em. Tại Mỹ, kể từ thời điểm đầu dịch đến nay, có ít nhất 6,6 triệu trẻ em mắc COVID-19 và con số ngày càng gia tăng. Hiện chỉ có hơn 58% người Mỹ được tiêm chủng và trong tháng này, trẻ em từ 5-11 tuổi đủ điều kiện sẽ được tiêm chủng.

Trong khi nhiều bậc phụ huynh đã bắt đầu cho con mình đi tiêm chủng, thì một số người vẫn còn do dự. Một lý do khiến một số bố mẹ do dự là họ tin rằng nếu con họ đã từng mắc COVID-19, chúng có thể không cần tiêm vaccine. Tuy nhiên, bằng chứng ban đầu cho thấy việc tái nhiễm ở trẻ em chưa được tiêm chủng là có thể xảy ra và nguy cơ cao hơn so với người lớn.

Trẻ em có nhiều khả năng bị tái nhiễm COVID-19

Theo dữ liệu mới, những người đã nhiễm COVID-19 vẫn cần phải tiêm vaccine, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên và trẻ em.

Khi một người trưởng thành nhiễm virus SARS-CoV-2, họ có xu hướng tạo ra nhiều loại kháng thể chống lại virus này. Tuy vậy, nghiên cứu đã chỉ ra khi trẻ em mắc COVID-19, chúng không tạo ra nhiều loại kháng thể nên  khả năng bảo vệ sẽ kém hơn.

Ông John Alcorn, giáo sư về miễn dịch học nhi khoa tại Đại học Y Pittsburgh và là tác giả nghiên cứu, cho biết: “Một số người, đặc biệt là những người trẻ tuổi, không có khả năng phản ứng đặc biệt tốt về trí nhớ miễn dịch đối với đợt nhiễm virus trước đó. Những người này có thể không được bảo vệ tốt khỏi tái nhiễm”.

Dẫn lời Tiến sĩ Ritu Banerjee, giám đốc y tế của Chương trình quản lý kháng sinh nhi khoa tại Đại học Y Vanderbilt: “Chúng tôi nhận thấy các kháng thể chỉ tồn tại trong vài tháng và không tồn tại mãi mãi. Đó là lý do tại sao tiêm mũi tăng cường được khuyến khích cho một số nhóm người nhất định. Mức độ kháng thể sẽ giảm dần theo thời gian, kể cả miễn dịch tự nhiên. Tuy nhiên, ngay cả những người có lượng kháng thể SARS-CoV-2 giảm dần vẫn được bảo vệ chống lại nguy cơ trở nặng và nhập viện do COVID-19. Chính xác thời gian bảo vệ này kéo dài bao lâu hiện vẫn chưa được xác định rõ, song tiêm vaccine sau khi mắc COVID-19 là cách tốt nhất để tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ tối ưu cho trẻ”.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), những người từng nhiễm virus SARS-CoV-2 và chưa được tiêm chủng có nguy cơ tái nhiễm cao hơn 5 lần so với những người đã được tiêm phòng và không bị nhiễm virus trước đó.

Tiến sĩ Danielle Zerr, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm nhi khoa tại Bệnh viện Nhi Seattle, nhận định, sau khi nhiễm virus, trẻ em có khả năng chỉ được bảo vệ trong vài tháng. Những trẻ đã từng mắc COVID-19 và đã tiêm phòng ít có khả năng bị tái nhiễm hơn những trẻ đã từng bị nhiễm và không được tiêm.

Các chuyên gia cho rằng ngay cả khi trẻ em có các triệu chứng nhẹ, chúng vẫn có thể truyền virus cho những người khác có nguy cơ cao hơn. Do đó, tiêm chủng cho trẻ là cách bảo vệ cho cả trẻ và cả gia đình./.

CTV Lương Trâm/VOV.VN

Chia sẻ bài viết