Tiếng Việt | English

02/03/2023 - 14:03

Triển khai Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười  

Ngày 02/3, tại huyện Tân Thạnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Hồ Thị Ngọc Lan chủ trì cuộc họp triển khai Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười đạt chuẩn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2022-2025.

Triển khai Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười đạt chuẩn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2022-2025

Những năm gần đây, một số vùng cây ăn quả mới đã hình thành tại vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh và bước đầu mang lại hiệu quả khá cao. Tuy nhiên, việc liên kết tiêu thụ còn hạn chế do người dân sản xuất còn nhỏ, lẻ, chưa tập trung; thiếu sự hợp tác, liên kết giữa các hộ nông dân; sản lượng trái cây tiêu thụ thông qua liên kết hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác còn rất hạn chế;…

Đề án được triển khai nhằm xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu cây ăn quả (mít, xoài, sầu riêng) quy mô hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến trên cơ sở liên kết bền vững giữa các HTX nông nghiệp với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nhằm thúc đẩy nhanh, hiệu quả và bền vững quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, phát triển, nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp trong chuỗi giá trị nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và giảm giá thành sản phẩm nguyên liệu đầu vào phục vụ chế biến và tiêu thụ. Tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống của người dân địa phương.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Hồ Thị Ngọc Lan phát biểu tại cuộc họp

Theo đó, Đề án được thực hiện trên địa bàn các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường. Mục tiêu của đề án đến năm 2025 là hình thành vùng nguyên liệu cây ăn quả khoảng 10.500ha, trong đó diện tích vùng nguyên liệu mít trên 3.500ha, xoài trên 700ha, sầu riêng trên 340ha và các diện tích còn lại trồng các loại cây ăn quả khác (bưởi, chuối, mảng cầu,...). Song song đó, hình thành 4 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm; giảm chi phí đầu vào sản xuất từ 5-10%, giảm tổn thất sau thu hoạch 5-10% và tăng giá từ 10-20%; thành lập mới 4 HTX cây ăn quả, tăng cường năng lực cho ít nhất 8 HTX nông nghiệp trong vùng nguyên liệu;…

Phát biểu kết luận, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Hồ Thị Ngọc Lan yêu cầu các địa phương tham gia thực hiện Đề án tập trung rà soát lại các diện tích cây ăn quả, nhất là cây xoài, mít và sầu riêng. Đồng thời, các địa phương cần chủ động nguồn kinh phí để thực hiện Đề án và tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho người dân.

Ngoài ra, tổ giúp việc thực hiện Đề án cần theo sát tiến độ thực hiện và có những tham mưu kịp thời cho Sở nhằm triển khai Đề án hiệu quả.

Khảo sát vùng nguyên liệu sầu riêng tại xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh

Trước đó, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các huyện, thị xã tham gia thực hiện Đề án đã đi khảo sát vùng nguyên liệu sầu riêng tại xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết