Tiếng Việt | English

25/08/2015 - 16:22

Triều Tiên-Hàn Quốc 'rút lui' như thế nào mỗi khi đối đầu căng thẳng?

Hàn Quốc và Triều Tiên một lần nữa chứng tỏ “khả năng thượng thừa” để dập tắt nguy cơ chiến tranh sau màn marathon đàm phán đầy kịch tính.

Thỏa thuận 6 điểm giúp đẩy lùi nguy cơ chiến tranh

Giới chức Triều Tiên và Hàn Quốc bắt tau nhau sau cuộc đàm phán cam go nhằm đẩy lui nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Ảnh AP

Theo AP, sau cuộc đàm phán kéo dài tới 3 ngày, hai miền Triều Tiên đã chấp nhận đưa ra tuyên bố chung với 5 điểm nhượng bộ chính:

1. Triều Tiên tuyên bố “lấy làm tiếc” về việc các binh sĩ Hàn Quốc dẫm phải mìn khi đi tuần tra hồi tháng 8 vừa qua.

2. Hàn Quốc sẽ ngừng chiến dịch tuyên truyền bằng loa phóng thanh hướng về phía Triều Tiên vào lúc 12h ngày 25/8 (giờ địa phương) trong trường hợp Triều Tiên không có hành động bất thường nào.

3. Cùng thời điểm đó, Triều Tiên cũng sẽ dỡ bỏ tình trạng chuyển quân đội sang trạng thái sẵn sàng chiến tranh.

4. Hàn Quốc và Triều Tiên nhất trí sẽ tiến hành một cuộc đối thoại liên chính phủ tại Seoul hoặc Bình Nhưỡng trong tháng 9 tới.

5. Cả hai nước cũng đồng ý thúc đẩy giao lưu phi chính phủ giữa hai bên trên nhiều lĩnh vực.

6. Cả Hàn Quốc và Triều Tiên thống nhất tổ chức các cuộc đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán trong chiến tranh liên Triều (1950-1953) vào thời gian sớm nhất.

Trước đó, giới chức Triều Tiên từng bác bỏ cáo buộc của phía Hàn Quốc rằng, Triều Tiên đã rải mìn khiến 2 binh sĩ nước này bị thương. Tuy nhiên, sau tuyên bố đầy mơ hồ rằng “lấy làm tiếc” của Triều Tiên, Hàn Quốc đã đồng ý ngừng việc tuyên truyền chống phá nước này.

Đây được coi là hành động giúp cả hai nước có thể rút lui khỏi tình trạng căng thẳng hiện nay mà vẫn “bảo toàn được danh dự của mình”.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Hàn Quốc và Triều Tiên khéo léo rút lui khỏi tình hình căng thẳng có thể dẫn đến xung đột giữa 2 bên.

Những lần đối đầu căng thẳng trong quá khứ

Tháng 12/2010: Triều Tiên đã đe dọa “tấn công tàn khốc” nhằm vào Hàn Quốc sau khi Hàn Quốc vẫn tiến hành bắn đạn thật gần khu vực tranh chấp giữa hai bên.

Sau đó, tình hình căng thẳng giữa 2 nước đã leo thang sau khi đạn pháo của Triều Tiên nhằm đáp trả một cuộc tập trận tương tự của Hàn Quốc đã làm 2 binh sĩ thủy quân lục chiến và 2 thường dân Hàn Quốc thiệt mạng.

Triều Tiên sau đó đã rút lui êm thấm bằng cách tuyên bố, vụ nã pháo của họ không nhằm vào cuộc tập trận thứ 2 của phía Hàn Quốc vì Hàn Quốc “đã tiến hành vụ việc này theo một cách ít khiêu khích Triều Tiên hơn”. Trong khi đó, Hàn Quốc khẳng định, cả 2 cuộc tập trận này đều được tiến hành theo cách thức giống nhau.

Tháng 5/2010: Triều Tiên đe dọa “tiến hành phản công toàn diện” sau khi Hàn Quốc nối lại các chiến dịch chiến tranh tâm lý nhằm trừng phạt Triều Tiên với cáo buộc Triều Tiên phóng ngư lôi khiến 46 binh sĩ Hàn Quốc thiệt mạng.

Quả ngư lôi mà phía Hàn Quốc cho là được phóng từ Triều Tiên. Ảnh Reuters

Dù không thừa nhận việc phóng ngư lôi nhưng đã có những hành động nhượng bộ, bao gồm việc đứng ra tổ chức các cuộc đoàn tụ các gia đình bị ly tán sau cuộc chiến tranh liên Triều.

Các chuyên gia cho rằng, đây là nỗ lực nhằm cải thiện hình ảnh của Triều Tiên với thế giới bên ngoài.

Đầu những năm 2000: Trong một diễn biến được coi là “khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên lần thứ 2, Mỹ năm 2002 tuyên bố Triều Tiên đã thú nhận rằng đang bí mật tiến hành chương trình hạt nhân của mình và vi phạm thỏa thuận hạt nhân mà các bên đã đạt được.

Triều Tiên đã phủ nhận tuyên bố của phía Mỹ và rất giận dữ về việc Tổng thống Mỹ lúc đó George W. Bush năm 2003 coi Triều Tiên là một phần của “Trục Ác quỷ” và quyết định rút lui khỏi Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí Hạt nhân.

Mỹ sau đó đã cáo buộc Triều Tiên đang khởi động lại lò phản ứng hạt nhân của mình.

Tình hình căng thẳng leo thang nhanh chóng cho đến khi Seoul và Washington thống nhất giải quyết vấn đề thông qua con đường ngoại giao vào năm 2003 với các cuộc đàm phán 6 bên có sự tham gia của Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc và Mỹ.

Hàn Quốc sau đó còn tìm cách cải thiện quan hệ với Triều Tiên thông qua nỗ lực của Tổng thống Hàn Quốc lúc đó là ông Kim Dae-jung, người từng đạt giải Nobel Hòa bình năm 2000 vì những nỗ lực thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Dù Triều Tiên tiến hành thử bom hạt nhân vào năm 2006, thỏa thuận giải trừ vũ khí hạt nhân mà các bên đạt được sau các cuộc đàm phán 6 bên nói trên được coi là “một thành công lớn” tại thời điểm đó.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán sau đó lại bị đình trệ vào năm 2008 khi Triều Tiên tuyên bố tiếp tục sản xuất nhiên liệu để chế tạo bom hạt nhân.

Từ năm 1992-94: “Cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên” xảy ra lần đầu tiên khi Triều Tiên dọa sẽ rút khỏi Hiệp ước Cấm phổ biến Vũ khí hạt nhân và Washington đã tính đến việc không kích Triều Tiên với lo ngại rằng, Triều Tiên có thể sản xuất bom hạt nhân với quy mô lớn.

Năm 1994 là lần đầu tiên Triều Tiên dọa “dìm Hàn Quốc trong biển lửa”. Trong lần đầu tiên đó, nhiều người Hàn Quốc đã vội vã đổ ra các siêu thị để mua thực phẩm dự trữ. Tuy nhiên, Hàn Quốc sau đó đã phớt lờ luôn những lời đe dọa tương tự của phía Triều Tiên.

Những quả rcoket được phía Hàn Quốc phóng từ trường bắn Seungjin ở Pocheon, cách biên giới Triều Tiên khoảng 30km. Ảnh AP

Cuối cùng, với việc cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đích thân đến Bình Nhưỡng vào năm 1994, Hàn Quốc và Triều Tiên đã thống nhất đạt được một thỏa thuận khung trong đó Triều Tiên cam kết ngừng theo đuổi vũ khí hạt nhân để đổi lấy viện trợ. Thỏa thuận này cũng trải qua nhiều sóng gió cho đến khi xảy ra cuộc khủng hoảng hạt nhân lần 2 năm 2002.

Cũng trong năm 1994, lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành (Kim Il Sung) và người đồng cấp Hàn Quốc Kim Young-sam cũng đồng ý tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần đầu tiên. Tuy nhiên, dự định này đã bị hủy khi ông Kim Nhật Thành qua đời tháng 7/1994.

Năm 1968: Một nhóm 31 binh sĩ đặc nhiệm Hàn Quốc đã bí mật sang biên giới Hàn Quốc và suýt đột nhập được vào dinh thự của Tổng thống Hàn Quốc lúc đó, ông Park Chung-hee, cha của Tổng thống Hàn Quốc đương nhiệm Park Geun-hye.

Sau khi lực lượng an ninh Hàn Quốc dập tắt được âm mưu tấn công này, binh sĩ Triều Tiên duy nhất bị bắt tuyên bố anh ta đến để “cắt cổ ông Park Chung-hee”.

Ông Park Chung-hee đã rất tức giận và quyết định thành lập một nhóm đặc nhiệm Hàn Quốc nhằm “san phẳng dinh thự của ông Kim Nhật Thành”.

Nhóm đặc nhiệm Hàn Quốc này sau khi nghe tin kế hoạch của họ bị hủy bỏ sau khi tình hình giữa hai bên đã lắng dịu, đã nổi loạn vào năm 1971, tiêu diệt các sỹ quan huấn luyện và định tiến về Seoul trước khi bị ngăn chặn.

Bất chấp sự căng thẳng này, cả Hàn Quốc và Triều Tiên cuối cùng cũng đã ký một thỏa thuận vào năm 1972 hướng tới việc thống nhất cả 2 miền./.

Trần Khánh/VOV.VN 

Chia sẻ bài viết