Các đại biểu xuống ghe chuyển tải bằng thang dây để lên đảo
Vượt cơn say sóng để lên đảo
Con tàu KN-290 kéo ba hồi còi dài rời cảng Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân cũng là lúc trời bắt đầu đổ mưa. Những cơn mưa cứ tiếp nối không ngớt gần suốt hành trình. Sóng to, gió lớn, nhiều đại biểu không thể chống lại những cơn say sóng. Thế nhưng, khi tàu tiếp cận gần các đảo, ai cũng cố gắng để chuẩn bị lên đảo.
Điểm đến thứ 2 của Đoàn là đảo Hòn Khoai. Đứng chờ thời khắc xuống ghe vào đảo, chị Ngô Hồng Phước - đại biểu thuộc Quỹ học bổng Vừ A Dính, tâm sự: “Dù say sóng nhưng khi nghe chỉ huy hành quân thông báo kế hoạch lên đảo Hòn Khoai, tôi gắng dậy để chuẩn bị. Mỗi lúc thế này càng cảm thấy thương cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo còn nhiều vất vả, thiếu thốn. Có lẽ đây là động lực để tôi vượt qua mệt mỏi, lên đảo chung vui với mọi người”.
Niềm vui của các đại biểu khi lên đảo Hòn Khoai
Cũng như chị Hồng Phước, nhà báo Lê Hải Yến - phóng viên Báo Đồng Nai, cho biết đây là lần đầu tiên tác nghiệp trên biển. Chị Yến kể: “Nghe tiếng sóng vỗ ầm ầm là tôi biết sóng rất lớn. Các chị em cùng phòng say sóng nhưng vẫn lạc quan. Ai cũng mong muốn lên các đảo để được trải nghiệm cuộc sống của quân, dân nơi đây. Còn tôi cố gắng tác nghiệp hết sức mình để có những “đứa con tinh thần” trong điều kiện khắc nghiệt như thế này”.
Đến điểm đảo nào Đoàn cũng trải qua những cơn say sóng. Có nhiều đại biểu trong quá trình di chuyển từ tàu KN-290 vào đảo bằng ghe nhỏ đã không thể ngồi vững nhưng vẫn quyết tâm lên đảo cho bằng được. Đó cũng là tinh thần, ý chí quyết tâm của mỗi đại biểu trước sóng, gió biển khơi.
Những ân tình trao gửi
Đến với mỗi đảo, từng thành viên Đoàn công tác thăm hỏi, động viên, tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Mỗi lời động viên, mỗi phần quà đều mang ý nghĩa cổ vũ, động viên, khích lệ, tiếp thêm sức mạnh cho quân, dân nơi đảo xa.
Đại diện Quỹ học bổng Vừ A Dính, Câu lạc bộ Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ Trạm ra đa 625 trên đảo Hòn Đốc
Cô Nguyễn Thị Ngọ - cán bộ hưu trí, đại biểu Câu lạc bộ Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu, bày tỏ: “Năm nay, tôi đã 77 tuổi. Đây là lần đầu tiên tôi đến thăm các điểm đảo trên vùng biển Tây Nam với nhiều cảm xúc háo hức, hồ hởi và cảm phục những con người đang sinh sống, làm nhiệm vụ trên đảo. Tôi mong có thêm nhiều chuyến đi như vậy để gửi tình yêu thương của người dân đất liền đến biển, đảo quê hương”.
Được chứng kiến tình quân - dân gắn bó, ai cũng cảm động và phấn khởi. Nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu - Đặng Ngọc Tùng khẳng định: “Nơi biển, đảo dù thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, điều kiện sống, sinh hoạt và đi lại còn nhiều khó khăn nhưng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo luôn đoàn kết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Các lực lượng sẵn sàng chiến đấu cao, quyết tâm xây dựng đảo vững mạnh. Chúng tôi cảm ơn những đóng góp, cống hiến của quân và dân đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, luôn vững tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Mỗi đảo thực sự là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển, tạo điều kiện quan trọng phát triển kinh tế đất nước”.
Đại diện UBND tỉnh Đồng Nai tặng quà cho các lực lượng huyện Côn Đảo
Trong chuyến công tác này, Đoàn trao tặng 10 bộ máy tính bàn, 1 tivi, 10 quạt điện, 337 phần quà là nhu yếu phẩm đến các đảo và Nhà giàn DK1/10. Tổng giá trị quà tặng hơn 727 triệu đồng. Đây là sự quan tâm đặc biệt, là tình cảm sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các địa phương, doanh nghiệp cùng hướng về vùng biển Tây Nam. Những tình cảm đó là nguồn cổ vũ, động viên, khích lệ, tiếp thêm sức mạnh cho các lực lượng đang ngày đêm chắc tay súng, vững vàng trên tuyến đầu, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.
Vùng biển Tây Nam có diện tích hơn 150.000km2, đường bờ biển dài hơn 450km (tính từ cửa sông Gành Hào tỉnh Bạc Liêu đến TP.Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang) với hơn 140 hòn đảo lớn, nhỏ. Trong đó có 5 quần đảo lớn gồm: An Thới, Thổ Chu, Nam Du, Bà Lụa và Hải Tặc. |
Quang Tiến