Tiếng Việt | English

26/04/2016 - 17:02

Trung Quốc âm mưu điều nhà máy điện hạt nhân di động ra Biển Đông

Ảnh minh họa. (Nguồn: shanghaiist.com)

Trung Quốc đang có ý định xây dựng một đội tàu có chức năng như các nhà máy điện hạt nhân có khả năng di chuyển trên mặt nước ở Biển Đông.

Ngày 22/4, tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc đưa tin nhằm cung cấp năng lượng cho các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép tại khu vực Biển Đông, Bắc Kinh sẽ cho đóng một đội tàu gồm 20 chiếc chạy bằng năng lượng hạt nhân và điều chúng ra vùng biển này.

Những nhà máy điện di động kể trên có thể cung cấp năng lượng cho các giàn khoan ngoài khơi, cũng như các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng trái phép. Hồi tháng 1 năm nay, Trung Quốc tuyên bố nhà máy điện hạt nhân đặt trên tàu đầu tiên của nước này sẽ đi vào hoạt động trong năm 2020.

Được biết các nhà máy điện di động kiểu này đã được nhiều nước sử dụng trong hàng thập kỷ qua, đặc biệt là Nga, nhằm cung cấp điện năng cho các khu vực xa xôi ở Bắc Cực. Trong khi đó, Hải quân Mỹ đã vận hành hơn 100 chiếc tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân mà chưa từng xảy ra sự cố đáng tiếc nào.

Ông Rod Adams, một chuyên gia về công nghệ hạt nhân, nói với tờ Washington Post: “Trung Quốc đã vận hành các tàu ngầm hạt nhân trong nhiều năm qua. Việc chuyển đổi hoạt động của các lò phản ứng hạt nhân trên những con tàu thành nhà máy điện cũng không phải thách thức quá khó khăn.”

​Trở ngại lớn nhất mà Trung Quốc phải đối mặt hiện nay​ là sức ép từ cộng đồng quốc tế. Năm ngoái, Trung Quốc đã làm dấy lên căng thẳng tại khu vực Biển Đông khi cho xây dựng một trạm tiếp nhiên liệu trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Đảo Phú Lâm mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam. (Nguồn: time.com)

Ngoài ra, việc Trung Quốc triển khai các nhà máy điện hạt nhân di động ra Biển Đông sẽ gây quan ngại lớn về khả năng xuất hiện tai nạn hoặc sự cố trong quá trình hoạt động.

Các nhà quan sát đánh giá trong một khu vực thường xuyên xuất hiện các cơn bão mạnh như Biển Đông, bất kỳ một sự cố lò phản ứng hạt nhân hay tai nạn trên biển nào cũng có thể phá hủy nghiêm trọng môi trường biển xung quanh.

Bất chấp sự phản đối từ cộng đồng quốc tế, trong hơn 2 thập kỷ qua, Trung Quốc đã xây dựng trái phép các đảo nhân tạo với diện tích hơn 1.200 ha trên 7 rạn san hô ở Biển Đông, đi ngược hoàn toàn với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS 1982) và tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký kết./. 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích