Tiếng Việt | English

06/04/2016 - 14:31

Trung Quốc vận hành hải đăng xây dựng trái phép ở Biển Đông

Ngoài ngọn hải đăng trên đá Subi, Trung Quốc cũng đang có các dự án xây dựng hải đăng trên đá Châu Viên và đá Chữ Thập ở Biển Đông.

Reuters ngày 6/4 đưa tin, Trung Quốc đã bắt đầu vận hành ngọn hải đăng trên một trong những hòn đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép ở Biển Đông. 

Ngọn hải đăng Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Subi. (Ảnh: Reuters)

Reuters dẫn nguồn tin từ Tân Hoa xã cho biết, ngày 5/4, Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc đã tổ chức “lễ khánh thành”, đánh dấu việc ngọn hải đăng cao 55m Bắc Kinh xây dựng trên đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa chính thức đi vào hoạt động.

Ngọn hải đăng phi pháp trên đá Subi được Trung Quốc động thổ vào tháng 10/2015, sau khi hoàn thành, nó có phạm vi chiếu sáng 22 hải lý.

Ngoài ngọn hải đăng nói trên, Trung Quốc còn xây dựng Trạm nhận biết tàu thuyền tự động (AIS) và trạm radar cao tần (VHF) trên đá Subi, với cái cớ là "phục vụ thông tin hàng hải, cung cấp số liệu định vị" cho tàu thuyền qua lại.

Tân Hoa xã cho biết, ánh sáng của ngọn hải đăng vào ban đêm sẽ giúp điều hướng và định vị, dẫn đường cho tàu thuyền hoạt động trong khu vực, điều này đặc biệt quan trọng trong các trường hợp khẩn cấp khi biển động hoặc có bão.

Tuyên bố của Tân Hoa xã cũng cho rằng, Biển Đông là một tuyến đường hàng hải quan trọng và ngư trường lớn.

“Tuy nhiên, mật độ giao thông trên biển cao, tình trạng chuyển hướng phức tạp, thiếu hụt nghiêm trọng những hỗ trợ cần thiết có thể đe dọa an toàn hàng hải và cản trở sự phát triển kinh tế, xã hội trong khu vực”, Tân Hoa xã bao biện cho hành vi của Trung Quốc xây dựng trái phép ngọn hải đăng trên đá Subi.

Hồi tháng 10/2015, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen của Mỹ đã đi vào khu vực cách đá Subi 12 hải lý. Hành động của tàu Mỹ được giải thích là thực thi quyền đi lại tự do ở Biển Đông nhưng Trung Quốc lại lên tiếng chỉ trích và gọi đây là hành động “cực kỳ vô trách nhiệm”.

Đá Subi đã trở thành một hòn đảo nhân tạo vì những nỗ lực thay đổi nguyên trạng của Trung Quốc ở Biển Đông trong hai năm trở lại đây.

Trước khi Trung Quốc nạo vét, bồi lấp để biến đá Subi trở thành một hòn đảo, đá Subi vẫn ngập trong nước khi thủy triều lên cao. Theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, giới hạn 12 hải lý không thể được thiết lập xung quanh các đảo nhân tạo được bồi lấp từ các rạn san hô ngập nước trước đây.

Trung Quốc cho đến nay vẫn bao biện cho hành vi vi phạm luật pháp quốc tế của họ bằng cách cho rằng, việc bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông là để thực thi nghĩa vụ quốc tế, đảm bảo an toàn hàng hải, tìm kiếm cứu nạn và nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, luận điệu này của Bắc Kinh không được cộng đồng quốc tế ủng hộ.

Theo Reuters, ngoài ngọn hải đăng trên đá Subi, Trung Quốc cũng đang có các dự án xây dựng hải đăng trên đá Châu Viên và đá Chữ Thập./.

Hùng Cường/VOV.VN

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích