Tiếng Việt | English

28/04/2019 - 06:59

Truông Bồn - Sống mãi ký ức thời hoa lửa

Nếu như Hà Tĩnh có ngã ba Đồng Lộc thì Nghệ An có dốc Truông Bồn – nơi mà 13 chàng trai, cô gái ngã xuống khi tuổi đời chỉ mới mười tám, đôi mươi. Mồ hôi, máu và nước mắt họ đã thấm đẫm trên từng đoạn đường, con dốc cho những đoàn xe, đoàn quân ra tiền tuyến.

Tìm về ký ức

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nghệ An là một trong những hậu phương lớn trực tiếp của miền Nam. Trên vùng tuyến lửa khu IV, Truông Bồn (thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) có vị trí đặc biệt quan trọng trên cung đường 15A – huyết mạch giao thông chi viện cho chiến trường miền Nam. Nhận thấy vị trí chiến lược hết sức quan trọng của Truông Bồn, Mỹ tập trung đánh phá khu vực này vô cùng ác liệt.

Thanh niên xung phong Tiểu đội thép tại Truông Bồn có tuổi đời còn rất trẻ

Truông Bồn là nơi máu của bao đồng bào, đồng chí đổ xuống trong những năm tháng chiến tranh tàn khốc. Trong hàng ngàn chiến sĩ hy sinh, có một câu chuyện đầy xúc động về 14 thanh niên xung phong của Tiểu đội 2 – Tiểu đội thép thuộc Đại đội 317 - Đội 65 - Tổng Đội thanh niên xung phong tỉnh Nghệ An. Trong số 14 chàng trai, cô gái ấy, chỉ duy nhất Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông may mắn sống sót sau trận bom của Mỹ vào sáng 31/10/1968.

Thanh niên xung phong sẵn sàng từ giã gia đình, lên đường làm nhiệm vụ

Vở diễn tái hiện lại câu chuyện có thật về Tiểu đội thanh niên xung phong đã nằm lại trên mảnh đất Truông Bồn khi tuổi đời chỉ vừa đôi mươi, mười tám. 14 chàng trai, cô gái sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, tạm biệt làng quê, gia đình, gác lại những ước mơ riêng của bản thân, họ về Truông Bồn để vui với niềm vui của những đoàn xe ra chiến trường an toàn, thuận lợi; cùng vất vả, trăn trở và hồi hộp đếm từng quả bom rơi để kịp thời phá bom, mở đường thông xe.

Họ chịu bao nhọc nhằn, thiếu thốn, ngày phơi mình dưới cái nắng cháy da, gió Lào rát thịt để san lấp hố bom, đêm về thay phiên làm cọc tiêu sống dẫn đường, cảnh giới cho những đoàn xe chở hàng ra tiền tuyến miền Nam máu thịt.

Và, trong một trận bom ác liệt, họ ra đi khi chỉ còn ít giờ nữa là Không quân Mỹ tạm ngừng ném bom miền Bắc. Các chị, các anh không kịp bước chân về ngày thanh bình đầu tiên của tháng 11/1968 nhưng chính họ đã góp phần tiếp thêm sức mạnh cho toàn quân, toàn dân ta mạnh mẽ tiến bước đến ngày chiến thắng, viết nên một huyền thoại Truông Bồn.

Hoa lửa Truông Bồn

Trong khói lửa, đạn bom, sự sống và cái chết cận kề, hàng ngàn cán bộ chiến sĩ dân công hỏa tuyến và nhân dân vẫn kiên cường bám trụ, mưu trí chiến đấu với quyết tâm sắt đá, giữ vững mạch máu giao thông cho những đoàn quân, đoàn xe ra tiền tuyến.

Vở diễn như một hồi ức của các chiến sĩ thanh niên xung phong nhiệt huyết, sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc

Vở diễn như mở ra hồi ức về các chiến sĩ thanh niên xung phong trẻ trung, nhiệt huyết, sẵn sàng hy sinh máu xương vì độc lập nước nhà. Nhớ về một thời hoa lửa tại địa danh Truông Bồn, vở diễn mang lại những cảm xúc vô cùng chân thật, sống động.

Các nghệ sĩ không chỉ "sống" cùng nhân vật mà còn lan tỏa cảm xúc ấy đến từng khán giả. Chính nét diễn mộc mạc, chân tình bên câu ca Ví Dặm ngọt ngào cũng đủ để khán giả "thấm" hết những tình cảm của những nghệ sĩ đang hóa thân vào nhân vật mà mình truyền tải.

13 trong 14 chiến sĩ thanh niên xung phong đã hy sinh trong trận mưa bom sáng 31/10/1968

Chi tiết gây ấn tượng mạnh nhất của vở diễn chính là cuộc chiến đấu cuối cùng của các chiến sĩ thanh niên xung phong Tiểu đội 2 vào sáng 31/10/1968. Họ đã đánh đổi tuổi xuân, đem cả trái tim của tuổi trẻ, để lại xương máu của mình nằm lại nơi đất mẹ.

Không chỉ cảm nhận trọn vẹn không khí chiến đấu hào hùng của một thời hoa lửa, khán giả còn được chìm đắm trong không gian thiết tha, thấm đẫm trữ tình của làn điệu dân ca Nghệ Tĩnh mượt mà. Vở diễn chạm đến trái tim người xem qua từng chi tiết, lời thoại, từng ánh mắt, cử chỉ của những nghệ sĩ tài năng. 

Vở diễn chạm đến trái tim người xem qua từng chi tiết, lời thoại, từng ánh mắt, cử chỉ của những nghệ sĩ tài năng

Nửa thế kỷ trôi qua, huyền thoại Truông Bồn vẫn sống mãi trong lòng thế hệ hôm nay, là khúc ca bi tráng bất tử của tuổi trẻ góp phần trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Máu, mồ hôi và nước mắt của họ đã hòa quyện nơi đất thiêng Truông Bồn, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Đến với "Hoa lửa Truông Bồn", chỉ hơn 1 giờ ngắn ngủi nhưng khán giả lại được đắm mình trong không gian của một thời máu lửa, để khóc, cười cùng nhân vật. Xem, cảm nhận và thấy càng quý trọng hơn độc lập hôm nay!

Tối 27/4, vở diễn “Hoa lửa Truông Bồn” (Tác giả: PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, chuyển thể dân ca Nghệ Tĩnh: Nguyễn An Ninh; đạo diễn: NSND Lê Hùng) do Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ dàn dựng và biểu diễn tại Đoàn Cải lương Long An.

Vở diễn nhằm tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay về ý nghĩa của chiến thắng Truông Bồn và tấm gương anh dũng, bất khuất của các chiến sĩ thanh niên xung phong Tiểu đội thép - Tiểu đội cảm tử thuộc Đại đội 317 - Đội 65 - Tổng đội Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước tỉnh Nghệ An./. 

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết


Hoa tươi cắm giỏ tại sài gòn