Một buổi khám sàng lọc bệnh tăng huyết áp trong khuôn khổ chương trình “Cùng sống khỏe”
Tăng huyết áp và các bệnh tim mạch do xơ vữa đang trở thành những vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng ở Việt Nam. Điều này một phần do chế độ ăn uống và lối sống thay đổi cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước. Tỷ lệ mắc tăng huyết áp ở Việt Nam ngày càng tăng nên Bộ Y tế đã đưa tăng huyết áp vào chương trình phòng, chống các bệnh không lây nhiễm (BKLN).
BKLN là bệnh mãn tính bao gồm bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), hen phế quản, rối loạn tâm thần,… BKLN tiến triển âm thầm, điều trị kéo dài và liên quan nhiều tới hành vi và lối sống. Năm 2018, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, các BKLN là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam, chiếm tới 77% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân và độ tuổi tử vong đang dần trẻ hóa với 44% tử vong trước 70 tuổi.
BKLN đang là gánh nặng cho gia đình, xã hội. Việc giảm gánh nặng và khó khăn, thách thức trong điều trị, quản lý BKLN ở tuyến cơ sở là rất quan trọng và có ý nghĩa. Người dân có thể lựa chọn dịch vụ phù hợp tại trạm y tế như dự phòng, phát hiện sớm, hỗ trợ tự tuân thủ, tự chăm sóc tại nhà nhằm giảm khoảng trống điều trị và giảm quá tải bệnh viện. Khi đến với trạm y tế, bệnh nhân được tiếp cận dịch vụ cơ bản như bắt đầu điều trị và duy trì. Tại tuyến chuyên khoa và đa khoa thì dịch vụ toàn diện và chuyên sâu.
Trong 2 năm qua, từ năm 2021-2022, Khoa Phòng, chống BKLN - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh triển khai chương trình “Cùng sống khỏe” do Công ty TNHH Novartis phối hợp Quỹ Vì sức khỏe Tim mạch Việt Nam hỗ trợ cho tỉnh. Chương trình dựa theo mô hình Quản lý tăng huyết áp dựa vào cộng đồng thực hiện tại 8 huyện: Thủ Thừa, Châu Thành, Bến Lức, Tân Trụ, Cần Giuộc, Đức Huệ, Thạnh Hóa và Đức Hòa triển khai cho 60 xã.
Ông T.V.T. (xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) cho biết, ông phát hiện mình bị tăng huyết áp trong một dịp tham gia buổi truyền thông và khám sàng lọc. Trước đó, thỉnh thoảng, ông có các triệu chứng đau đầu, chóng mặt nhưng nghĩ do làm việc quá sức. Ông cảm thấy rất may mắn vì nếu không biết đã bị bệnh, ông vẫn tiếp tục ăn mặn, hút thuốc lá, uống rượu. Bác sĩ nói những thói quen trong ăn uống, sinh hoạt của ông dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm của bệnh tăng huyết áp. Một năm nay, ông từ bỏ những thói quen có hại và uống thuốc đều đặn, kiểm tra huyết áp định kỳ nên sức khỏe tốt hơn trước nhiều.
Ông T.V.T. là 1 trong 5.355 người được phát hiện mắc bệnh tăng huyết áp thông qua các buổi khám sàng lọc từ chương trình “Cùng sống khỏe”. Các hoạt động của chương trình bao gồm truyền thông giáo dục sức khỏe, khám sàng lọc phát hiện và quản lý bệnh tăng huyết áp. Qua 2 năm thực hiện, đã có 600 buổi truyền thông về tăng huyết áp với 30.000 người tham dự.
Các hoạt động của chương trình nhằm hỗ trợ y tế cơ sở của tỉnh hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược Quốc gia phòng, chống BKLN giai đoạn 2015-2025 của Bộ Y tế; nâng cao kiến thức cộng đồng về dự phòng bệnh tăng huyết áp; hỗ trợ nhân viên y tế cơ sở cập nhật kiến thức chuyên môn về chẩn đoán và điều trị của bệnh tăng huyết áp. Trong đó, người được lợi nhất chính là người dân khi được cung cấp kiến thức về bệnh, được khám sàng lọc và tạo điều kiện điều trị, theo dõi, kiểm soát bệnh ngay tại trạm y tế nơi mình ở./.
Minh Thái