Tiếng Việt | English

17/11/2020 - 14:44

Tự dưng mất hết mồ mả ông bà - chuyện thật như đùa

Chỉ sau 1 ngày, 5 ngôi mộ kiên cố bỗng bị san phẳng thành bãi đất trống không khỏi khiến người nhà đau xót. Dù đã 2 năm trôi qua nhưng sự việc chưa được giải quyết dứt điểm và những bộ hài cốt người thân không phân biệt được vẫn phải nương tựa nơi cửa chùa.

Đi tảo mộ chỉ còn bãi đất trống

Bà Nguyễn Thị Phụng, ngụ xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, vẫn còn nhớ như in cái ngày cuối năm 2018 khi gia đình bà đến tảo mộ ông bà để chuẩn bị đón năm mới. “Năm nào cũng vậy, cứ gần đến tết, gia đình tôi lại sửa soạn lễ vật đến thắp nhang, sửa lại mộ cho ông bà, tổ tiên để cầu mong một năm mới làm ăn “thuận buồm xuôi gió”. Tuy nhiên, năm đó, khi đến trước mộ phần ông bà được chôn cất tại xã Thuận Mỹ, tôi cùng mọi người trong gia đình không tin vào mắt mình khi 3 ngôi mộ ông bà được xây kiên cố nằm cạnh nhau đã “không cánh mà bay”. Phía trước chỉ còn lại bãi đất trống tan hoang vừa được cày xới, đổ thêm đất đá san mặt bằng. Tôi chỉ biết bật khóc đứng giữa bãi đất trống chỗ ông bà nằm trước đây” - bà Phụng nhớ lại.

Gia đình bà Nguyễn Thị Phụng và ông Lê Văn Tới đứng giữa bãi đất trống đã được san lấp vốn trước đây là chỗ chôn cất mồ mả ông bà

Lần hỏi những người dân xung quanh, bà Phụng được biết, không chỉ có gia đình bà mất 3 ngôi mộ mà 2 ngôi mộ khác của gia đình ông Lê Văn Tới và gia đình ông Lê Văn Đỏ cũng không còn. Quá bức xúc trước sự việc, bà Phụng chạy ngược xuôi hỏi thăm thì biết được gia đình ông Nguyễn Văn Kim, ngụ ấp Bình Trị 2, xã Thuận Mỹ, đã thuê người đào hết những ngôi mả để chuẩn bị bán đất. “Tôi rất buồn khi gia đình ông Kim tự ý bốc 3 ngôi mộ của gia đình tôi nhưng không hề nói với gia đình tôi một tiếng nào. Trong khi đó, 3 ngôi mộ của gia đình tôi đã có cách đây cả trăm năm được xây dựng kiên cố và từ trước đến giờ cũng chưa có ai đề nghị phải di dời”.

Theo bà Phụng, gia đình bà có 3 ngôi mộ của ông Võ Văn Kiệt (chết năm 1919), ông Võ Văn Đến (chết năm 1949) và bà Nguyễn Thị Đào (chết năm 1940). Từ khi ông bà mất, gia đình đã chôn cất ở đây. Khoảng trước năm 1980, gia đình đã bỏ tiền tu sửa bằng bêtông sạch đẹp và năm nào cũng tới tảo mộ. Thế mà, tất cả 3 ngôi mộ đều bị đào xới, qua cả tháng sau gia đình mới hay sự việc. Tương tự như bà Phụng, gia đình ông Lê Văn Tới, ngụ xã Thanh Vĩnh Đông, có ngôi mộ của bà nội là Nguyễn Thị Ba được chôn sát với 3 ngôi mộ của gia đình bà Phụng cũng bị xâm phạm dù rằng cả khu vực này mọi người đều biết mộ của 2 gia đình.

Ông Châu Văn Hiệp, nhà gần bên khu mộ, cho biết: “Từ trước đến nay, khu đất này người dân vẫn chôn cất mồ mả. Xưa nay, không ai có ý kiến gì về việc này; kể cả gia đình ông Kim là chủ thửa đất này. Việc di dời mồ mả cũng cần phải thông báo cho các gia đình biết, chứ việc tự ý di dời mồ mả rồi xem như không có chuyện gì là không được. Dù không phải mồ mả của gia đình tôi nhưng thấy sự việc, người dân chúng tôi cũng bức xúc”.

Không biết đâu là hài cốt người thân

Theo thông tin người dân cung cấp, phần thửa đất 419 - nơi chôn cất những ngôi mộ của 2 gia đình nằm giữa 2 thửa đất của ông Nguyễn Văn Kim đã được cấp giấy và hiện thửa đất này địa phương vẫn chưa cấp quyền sử dụng đất cho ai, hiện trạng vẫn ghi mục đích sử dụng là đất nghĩa địa (phần mộ của gia đình ông Lê Văn Đỏ nằm trên thửa đất khác). Cuối năm 2018, gia đình ông Kim muốn chuyển nhượng toàn bộ 3 thửa đất này cho ông Phạm Văn Nhung, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM. Tuy nhiên, sau khi xem đất và đặt tiền cọc, ông Nhung yêu cầu gia đình ông Kim phải có trách nhiệm di dời toàn bộ 5 ngôi mộ trong khu đất mới đồng ý mua.

Sau đó, gia đình ông Kim đã thuê ông Nguyễn Văn Hùng, ngụ tại địa phương, di dời các ngôi mộ với giá 33 triệu đồng. Vào các ngày 26 và 27/12/2018, ông Hùng đã tiến hành cất bốc 5 ngôi mộ trên phần đất của ông Kim rồi đem gửi vào chùa Linh Miếu, xã Thanh Vĩnh Đông. Đúng 1 tháng sau, khi sự việc được các gia đình phát hiện thì bà Nguyễn Thị Lan - con gái ông Kim, đã tới gặp ông Lê Văn Đỏ, ngụ ấp Ninh Đồng, xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang - người có 1 ngôi mộ bị xâm phạm, để thỏa thuận xin di dời mộ nhằm hợp thức hóa việc xâm phạm mồ mả, hài cốt.

Những bộ hài cốt đựng trong bao thức ăn gia súc để lẫn lộn trong chùa Linh Miếu, xã Thanh Vĩnh Đông

Có một sự thật đau lòng là khi chúng tôi đến chùa Linh Miếu, xã Thanh Vĩnh Đông - nơi tạm lưu cất 5 bộ hài cốt bị xâm phạm, cả 5 bộ hài cốt không được ghi tên tuổi, chỉ được cất tạm trong những bao thức ăn gia súc gửi tại chùa. Bà Nguyễn Thị Phụng cho biết: “Khi biết hài cốt ông bà được gửi tại chùa, gia đình chúng tôi đã trực tiếp tới chùa nhưng trước mắt chúng tôi là 5 bộ hài cốt được bọc sơ sài, để lẫn lộn không phân biệt được. Hành vi xâm phạm mồ mả, hài cốt đáng trách một thì việc làm lẫn lộn giữa các bộ hài cốt đáng trách mười. Giờ làm sao gia đình chúng tôi biết đâu là hài cốt từng người? Rồi việc sau này chôn cất lại và thờ cúng sẽ ra sao, người đã khuất có chắc được yên lòng? Đây là lần thứ 2 gia đình tôi phải đến chùa để thay lại các bao đựng hài cốt vì sợ thất lạc. Tôi chỉ mong sự việc sớm được sáng tỏ để ông bà có nơi an nghỉ”.

Theo thông tin chúng tôi nắm được, vụ việc xâm phạm mồ mả, hài cốt đã được UBND xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành tiến hành hòa giải nhiều lần nhưng không thành. Đồng thời, gia đình bà Phụng, ông Tới cũng làm nhiều đơn tố cáo hành vi trên đến cơ quan Công an huyện Châu Thành, một số ngành chức năng liên quan của huyện nhưng đều không có phản hồi. Cuối tháng 9-2020, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Châu Thành đã mở 2 phiên tòa xét xử vụ việc giữa gia đình bà Phụng, ông Tới và gia đình ông Kim liên quan đến tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tại 2 phiên tòa này, Hội đồng xét xử TAND huyện khẳng định có đủ cơ sở xác định ông Nguyễn Văn Kim thuê ông Nguyễn Văn Hùng di dời các ngôi mộ để thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Hành vi xâm phạm mồ mả của ông Kim là nghiêm trọng, gây bức xúc cho người thân của những người đã chết, gây hoang mang dư luận. Tuy nhiên, trong phần tuyên án, cả 2 bản án của TAND huyện lại chỉ đề cập đến việc bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm mồ mả của gia đình ông Kim, còn số phận 5 bộ hài cốt lại không được nhắc tới.

“Gia đình chúng tôi hoàn toàn không đồng tình với bản án của TAND huyện Châu Thành và sẽ kháng cáo. Trong vụ việc này có dấu hiệu của tội xâm phạm mồ mả, hài cốt và quan trọng nhất, việc xác định danh tính từng hài cốt để gia đình chúng tôi chôn cất lại sau này cũng chưa được xem xét” - bà Phụng cho biết.

Tìm hiểu về vụ việc, chúng tôi cũng rất bất ngờ khi hành vi của gia đình ông Nguyễn Văn Kim có dấu hiệu của tội xâm phạm mồ mả, hài cốt theo quy định tại Điều 319, Bộ luật Hình sự nhưng trong cách giải quyết của các cơ quan chức năng huyện Châu Thành lại bỏ qua một cách dễ dàng./.

(còn tiếp)

Kiên Định

Chia sẻ bài viết