Tiếng Việt | English

14/09/2022 - 20:20

Tự hào đặc sản Gạo Nàng Thơm chợ Đào

Không quá ngạc nhiên khi trong top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam và top 100 món ăn đặc sản Việt Nam vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố có tên Gạo Nàng Thơm chợ Đào (xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) bởi từ lâu, gạo Nàng Thơm chợ Đào đã vang danh khắp các vùng, miền của Tổ quốc, trở thành biểu tượng của quê hương miền hạ Long An.

Mùa này, về Chợ Đào sẽ bắt gặp những cánh đồng lúa xanh mơn mởn, nông dân đang tất bật chăm sóc vụ mới với hy vọng một vụ mùa thắng lợi. Lúa Nàng Thơm chợ Đào có chiều cao gấp đôi cây lúa bình thường với chu kỳ sinh trưởng từ 170 - 185 ngày nên một năm chỉ trồng được một vụ. Lúa thường được gieo vào tháng 6, 7 âm lịch đến tháng Chạp mới bắt đầu thu hoạch để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán.

Nhờ sự giao hòa giữa dòng nước ngọt của sông Rạch Đào và dòng nước mặn của rạch Nha Ràm nên vùng đất Chợ Đào có những đặc tính, thổ nhưỡng riêng biệt. Vì thế, chỉ có vùng đất Mỹ Lệ mới trồng được lúa Nàng Thơm chợ Đào chất lượng ngon mà khó có nơi nào trồng được. Gạo Nàng Thơm chợ Đào có hạt thon dài, bẻ đôi hạt gạo bên trong có màu hạt lựu hồng hồng. Khi nấu cơm vừa sôi là dậy mùi thơm, khi nấu chín, hạt cơm bóng mượt như ai trộn dầu vào cơm, vị thơm, dẻo, ăn rất ngon, nhất là cơm để qua đêm không bị thiu hay mất mùi thơm.

Ông Sánh tâm huyết, trách nhiệm với gạo Nàng Thơm chợ Đào

Tuy nhiên hiện nay, Gạo Nàng Thơm chợ Đào không còn mùi vị đặc trưng như trước bởi giống lúa bị thoái hóa. Nguyên nhân sau khi có đê bao khép kín, không còn lụt, mặn, không có phù sa bồi đắp hàng năm; mặt khác, nông dân sử dụng phân bón hóa học nhiều làm cho đất bị bạc màu, dẫn đến chất lượng gạo Nàng Thơm chợ Đào ngày càng giảm.

Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lệ - Bùi Quốc Toàn cho biết: “Thời gian qua, xã phối hợp các ngành chức năng, đơn vị để phục tráng lại giống lúa Nàng Thơm chợ Đào; đồng thời, vận động nông dân hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật để bảo tồn được hương vị đặc trưng của gạo Nàng Thơm chợ Đào. Ngoài ra, xã còn tiến hành cắm mốc 200ha quy hoạch xây dựng vùng lúa trồng Nàng Thơm chợ Đào và đang từng bước hoàn thiện chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm, góp phần tăng sức cạnh tranh trên thị trường, nhất là bảo tồn và phát huy được sản phẩm tiêu biểu của địa phương”.

Ông Phan Văn Sánh (ấp Mỹ Tây, xã Mỹ Lệ) có thâm niên trồng giống lúa Nàng Thơm chợ Đào cũng không biết giống lúa này xuất hiện ở vùng đất Mỹ Lệ lúc nào, chỉ biết được trồng từ đời này sang đời khác và trở thành niềm tự hào của bao thế hệ. Do vậy, dù kinh doanh trong lĩnh vực lúa gạo, ông Sánh vẫn dành một phần “ưu ái” để gạo Nàng Thơm chợ Đào ngày càng phát triển và khẳng định được thương hiệu.

Gạo Nàng Thơm chợ Đào nằm trong top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam

Ông Sánh nói: “Từ năm 2013 đến 2016, nhiều nông dân trồng lúa Nàng Thơm chợ Đào ở xã Mỹ Lệ lâm vào cảnh “đứng ngồi, không yên” khi thương lái nhiều lần không mua do gạo không đạt chất lượng vì giống thoái hóa. Theo đó, nhiều nông dân chuyển sang trồng các loại giống lúa khác, với thời gian sinh trưởng ngắn. Điều này làm diện tích trồng lúa Nàng Thơm chợ Đào giảm. Trước tình hình này, tôi quyết định phối hợp nông dân trồng 100ha lúa Nàng Thơm chợ Đào và bao tiêu đầu ra”.

Gạo Nàng Thơm chợ Đào không còn nguyên mùi vị đặc trưng nhưng với người dân Mỹ Lệ thì vẫn có sức sống riêng; đồng thời, là niềm tự hào của bao thế hệ. Ông Lê Văn Tấn (ấp Cầu Chùa, xã Mỹ Lệ) chia sẻ: “Cứ đến dịp lễ, tết, người thân của tôi ở các tỉnh miền Đông, miền Trung gọi điện thoại nhờ mua dùm gạo để làm quà tặng khách hàng, bạn bè. Ai ăn Gạo Nàng Thơm chợ Đào một lần sẽ nhớ mãi hương vị đặc trưng mà chưa có loại gạo nào có được”.

Gạo Nàng Thơm chợ Đào đã trở thành đặc sản của Long An, là thương hiệu nổi tiếng khắp cả nước. Nếu có dịp về Cần Đước, xứ Chợ Đào, đừng quên món quà quê dân dã nhưng đầy ắp tình cảm của nơi đây - gạo Nàng Thơm chợ Đào./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích