Tiếng Việt | English

17/01/2022 - 08:26

Về thăm xứ Chợ Đào (*)

Xứ Chợ Đào thường được nhắc đến với đặc sản Nàng Thơm Chợ Đào, loại gạo dẻo cơm, mềm hạt, hương thơm đặc trưng. Nhờ vậy, Nàng Thơm Chợ Đào trở thành niềm tự hào của vùng đất Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Nhưng đâu chỉ có vậy, Mỹ Lệ còn nhiều điều hay hơn thế!

Mùa này về với Chợ Đào sẽ thấy những cánh đồng lúa thơm trải dài đang độ vàng bông, chờ ngày thu hoạch. Nàng Thơm Chợ Đào mang hương thơm rất đặc trưng, đi trên bờ giữa đồng lúa chín sẽ nghe gió thoảng hương đưa. Xã Mỹ Lệ có khoảng 400ha lúa Nàng Thơm Chợ Đào. Có mặt tại Mỹ Lệ từ rất sớm, Nàng Thơm Chợ Đào được xem là giống lúa địa phương cùng: Lúa Tiêu, Nàng Chá, Một Buội,... nhưng qua thời gian dài canh tác, chỉ có Nàng Thơm bộc lộ ưu điểm ít sâu, bệnh, ổn định năng suất,... nên được người dân giữ lại. Với đặc trưng không thể trồng ở vùng đất khác, ngày nay, Nàng Thơm Chợ Đào được chứng nhận sản phẩm hàng hóa độc quyền và trở thành điểm nhấn không chỉ cho Mỹ Lệ mà cả vùng Cần Đước.

Vùng đất anh hùng, giàu truyền thống văn hóa vẫn đang nỗ lực từng ngày để tiếp nối và phát huy truyền thống của thế hệ cha ông

Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Lệ - Nguyễn Minh Đức cho biết, Mỹ Lệ không chỉ có Nàng Thơm Chợ Đào mà xã còn được xem là cái nôi của đờn ca tài tử khi có đình Vạn Phước - nơi thờ tự Đức nhạc sư Nguyễn Quang Đại. Vùng đất Mỹ Lệ cũng là quê hương của các nhạc sư tên tuổi trong nghệ thuật đờn ca tài tử Long An nói riêng và Nam bộ nói chung: Nhạc sư Hai Biểu, nghệ nhân Bảy Quế, nghệ nhân Năm Giai, nghệ nhân Tư Bền. Câu ca “Tiếng đờn Cần Đước nổi danh/ Giai kìm, Quýnh gáo, Quế tranh, Lòng cò” vẫn được lưu truyền đến ngày nay.

Vùng đất giao nhau giữa vùng thượng và vùng hạ Cần Đước còn là nơi lưu giữ được nhiều nghề truyền thống: Làm lò đất, làm bánh phồng, làm bún,... Gần tết, về Mỹ Lệ sẽ cảm nhận được hương vị mùa xuân khi các hộ làm nghề truyền thống bắt đầu vào mùa bận rộn. Nghề bánh phồng chỉ hoạt động vào dịp tết. Người làm bún, làm lò đất cũng bận bịu hơn vì sức mua tăng dần những ngày gần tết. Được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, người làm nghề truyền thống tiếp cận nguồn vốn vay để mua thêm máy móc, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, giảm lao động chân tay.

Mỹ Lệ không chỉ là vùng đất giàu truyền thống văn hóa mà còn là một xứ sở anh hùng. Không chỉ có đình Vạn Phước, Mỹ Lệ còn có lăng mộ Nguyễn Văn Tiến - một vị tướng anh hùng, được người dân tôn thờ vì lòng yêu nước. Là địa phương có vị trí chiến lược, Mỹ Lệ trong kháng chiến bị địch càn quét dữ dội nhằm tạo ra vùng trắng, cắt đứt đường liên lạc của cách mạng. Tuy nhiên, âm mưu đó của giặc đã bị sự anh dũng, ngoan cường của cách mạng và người dân trong vùng đánh bại.

Đất nước thống nhất, chính quyền và người dân Mỹ Lệ lại chung tay phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Ấp Cầu Chùa của xã Mỹ Lệ là đơn vị đầu tiên trong huyện Cần Đước được công nhận ấp văn hóa cấp tỉnh. Năm 2003, cán bộ và nhân dân Mỹ Lệ vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 2012, Mỹ Lệ tiếp tục được nhận Huân chương Lao động hạng Nhì về thành tích xây dựng, phát triển kinh tế địa phương. Năm 2015, xã hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới và đang nâng chất các tiêu chí, hướng đến xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Năm 2021, mặc dù dịch bệnh gây nhiều khó khăn nhưng Mỹ Lệ vẫn thực hiện đạt và vượt đa số các chỉ tiêu nghị quyết đề ra, triển khai 2 chương trình đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025.

Mỹ Lệ ngày nay mang màu sắc ấm no. Vùng đất anh hùng, giàu truyền thống văn hóa đang nỗ lực từng ngày để tiếp nối và phát huy truyền thống của thế hệ cha ông./.

Quế Lâm

(*) Tên bài viết được dựa theo tên tour du lịch Về Cần Đước thăm xứ Chợ Đào

Chia sẻ bài viết