Tiếng Việt | English

27/12/2016 - 17:53

Tự hào Mẹ Việt Nam Anh hùng

Ai đó từng nói, thời gian là liều thuốc có thể chữa lành mọi vết thương nhưng có những nỗi đau, nỗi mất mát quá lớn mà cho đến tận cuộc đời, khi nhắc lại vẫn còn âm ỉ. Đó là hình ảnh các Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) vẫn không thôi khắc khoải khi nghĩ về chồng, con của mình đã hy sinh trong các cuộc kháng chiến cứu nước và bảo vệ Tổ quốc.


Đoàn viên, thanh niên huyện Đức Hòa chăm sóc Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Phiến

1. 41 năm sau ngày đất nước giải phóng, quê hương sạch bóng quân thù, ngần ấy thời gian, không có phút giây nào mẹ thôi mong ngóng chồng, con. Căn nhà tình nghĩa nằm lọt thỏm giữa đồng ruộng mênh mông là nơi cư ngụ của mẹ VNAH Trần Thị Nhi ở xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An. Mẹ có chồng là liệt sĩ Trương Văn Thửa, hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và con là liệt sĩ Trương Văn Tiết, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Mẹ Nhi năm nay 84 tuổi. Đôi tay mẹ nhăn nheo, chân bước từng bước khó nhọc. Dáng người lam lũ của mẹ như nhắc nhở về một thời khó nhọc mà mẹ từng trải qua. Mắt mẹ ngân ngấn lệ khi nhớ về chồng, con.

Mẹ kể, ngày đó ở vùng quê nghèo, mẹ lập gia đình khi tuổi đời còn trẻ, sinh được 6 người con. Chiến tranh cướp đi hạnh phúc của biết bao gia đình. Mẹ hàng ngày đi mò cua, bắt cá, quần quật làm ruộng, nuôi nấng các con để chồng yên tâm đánh giặc. Thế rồi, điều mẹ lo sợ nhất đã xảy ra. Nén đau thương, mẹ dặn lòng phải mạnh mẽ bước tiếp vì các con. Đến khi đứa con trai xin ra trận, gạt nước mắt, mẹ tiễn con lên đường... Và anh Tiết mãi không thể thực hiện được lời hứa với mẹ khi hy sinh ở độ tuổi 17. Anh ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, để lại bao tiếc thương cho gia đình!

Mẹ nói: “Không có nỗi đau nào bằng khi người tóc bạc tiễn kẻ đầu xanh nhưng điều khiến mẹ buồn nhất là thằng Tiết hy sinh mà không tìm được xác. Ngày mẹ nhận được tin phong tặng danh hiệu Mẹ VNAH, mẹ thao thức cả đêm. Mẹ ngồi dậy, nhìn bàn thờ với tấm bằng Tổ quốc ghi công và thắp nén hương cho hai cha con. Mẹ cảm thấy tự hào khi mẹ chồng của mình trước đây được Nhà nước quan tâm trao tặng danh hiệu Mẹ VNAH (mẹ Võ Thị Nhàn), nay đến lượt bản thân mình. Vì vậy, mẹ luôn giáo dục con cháu phải làm người có ích, xứng đáng với truyền thống gia đình”.

2. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa, tỉnh Long An - Nguyễn Thị Hồng Phúc, hiện nay, huyện Đức Hòa vinh dự có 973 Mẹ VNAH, trong đó có 42 mẹ còn sống. Hầu hết các mẹ tuổi cao, sức yếu. Nhiều năm nay, địa phương làm tốt công tác chăm sóc, tri ân những gia đình chính sách, người có công với cách mạng,... bằng việc thăm hỏi, động viên về vật chất lẫn tinh thần nhằm bù đắp một phần mất mát của các gia đình. Riêng những Mẹ VNAH còn sống, huyện vận động mạnh thường quân nhận phụng dưỡng đến suốt đời.


Mẹ Phạm Thị  Phiến (thứ 2 trái qua) tại lễ đón nhận danh hiệu “Bà mẹ VNAH”

Mẹ VNAH Phạm Thị Phiến, ngụ xã An Ninh Đông có chồng là liệt sĩ Nguyễn Văn Thu và con trai là liệt sĩ Nguyễn Văn Châu đều hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cả cuộc đời mẹ tảo tần, vất vả chăm lo các con để chồng đi đánh giặc. Mẹ không ngại khó, ngại khổ nhưng lại sợ chiến tranh. Bởi chiến tranh cướp đi hai người thân ruột thịt của mẹ. Chiến tranh qua đi nhưng khi nhớ lại một thời “khói lửa”, mẹ vẫn còn ám ảnh. Những hình ảnh đau thương, chết chóc, những trận bom đạn dữ dội,... không phai mờ trong tâm trí mẹ.

Ngày được phong tặng danh hiệu Mẹ VNAH, mẹ xúc động: “Mẹ sống đến từng tuổi này rồi, có khó khăn nào mà chưa trải qua. Khi nhận danh hiệu cao quý này, mẹ không thể cầm được nước mắt. Mẹ thầm cảm ơn Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương luôn quan tâm đến gia đình mẹ. Hiện nay, được sống trong sự chăm sóc của vợ chồng người con gái thứ 8 và các cháu, mẹ mãn nguyện lắm rồi!”.

3. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An - Nguyễn Thị Bạch Huệ cho biết, với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, nhiều năm nay, Long An dành sự quan tâm đặc biệt đối với các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với nước bằng nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực.

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 30.000 liệt sĩ; trên 10.000 thương bệnh binh; phong, truy tặng 4.926 Mẹ VNAH, hiện có 301 mẹ còn sống, 4.625 mẹ từ trần. Tỉnh đang quản lý chi trả trợ cấp hàng tháng cho 22.000 đối tượng người có công với nước với số tiền hàng năm trên 300 tỉ đồng.

 Những ngày lễ, Tết Cổ truyền dân tộc, các ban, ngành, đoàn thể tỉnh tổ chức thăm, tặng quà các đối tượng có công. Riêng những Mẹ VNAH còn sống, các mẹ được nhận phụng dưỡng, chăm sóc đến cuối đời. Đó là những việc làm tuy rất nhỏ bé so với sự hy sinh, mất mát của các mẹ cũng như thân nhân các gia đình nhưng phần nào xoa dịu được nỗi đau của các mẹ./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết