Tiếng Việt | English

27/06/2023 - 11:00

Từ những gia đình hạnh phúc

Gia đình là nền tảng của xã hội. Sự ấm êm và hòa thuận trong gia đình chính là động lực to lớn để mỗi cá nhân có thể phát triển toàn diện, hạnh phúc và trở thành công dân có ích.

1.

Anh Hứa Thanh Phú (xã Long Phụng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) được biết đến là thanh niên thành công với mô hình trồng dưa lưới thủy canh, ứng dụng công nghệ cao. Anh hiện là Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp và Nuôi trồng thủy sản xã Long Phụng. Dưới sự điều hành của anh Phú, hợp tác xã từng bước phát triển theo hướng nông trại đa ngành nghề, vừa cung ứng sản phẩm ra thị trường, vừa phục vụ hoạt động tham quan, trải nghiệm và hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.

Anh Hứa Thanh Phú mang dưa lưới từ vườn về cúng tổ tiên và biếu cha mẹ

Vốn rất thành công khi kinh doanh tự do, anh Phú muốn chọn ngành khác là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Mặc dù đó là quyết định khá táo bạo nhưng anh vẫn nhận được sự ủng hộ từ gia đình. Anh Phú chia sẻ: “Gia đình tôi vốn làm nghề nông nên dù làm việc ở lĩnh vực nào, tôi vẫn nghĩ về nông nghiệp. Trong quá trình kinh doanh tự do, tôi tìm hiểu và thấy được tiềm năng của nông nghiệp sạch nên quyết định đầu tư. May mắn là tôi nhận được sự ủng hộ từ gia đình cả về vật chất lẫn tinh thần. Chính sự tin tưởng của cha mẹ là động lực to lớn cho tôi khi bắt đầu với nông nghiệp sạch”.

Giờ đây, mô hình dưa lưới thủy canh của anh Phú trở thành điển hình tiêu biểu của thanh niên năng động, tiến bộ, dám nghĩ, dám làm. Mùa thu hoạch nào anh cũng dành 2 cặp dưa ngon ngọt mang về nhà đặt lên bàn thờ tổ tiên và biếu cha mẹ. Với anh, đó là cách thiết thực nhất để nói lời cảm ơn với đấng sinh thành vì đã luôn tin tưởng, động viên, ủng hộ anh trước những quyết định khó khăn,
mạo hiểm.

2.

Gia đình là nơi gìn giữ những kết nối thiêng liêng, nền tảng, động lực cho mỗi cá nhân phát triển bản thân. Khi được bảo bọc, chở che trong một gia đình hạnh phúc thì mỗi người sẽ có cho riêng mình nội lực để thành công khi bước ra đời. Điều đó được thể hiện rõ nét tại gia đình ông Ngô Văn Tồn, Ngô Văn Trung (xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa). Ông Trung và ông Tồn là anh em ruột. Khi lớn lên, lập gia đình, nhà riêng của 2 ông ở sát nhau, sử dụng chung một khoảng hành lang hóng gió.

Ông Ngô Văn Trung và ông Ngô Văn Tồn thắp hương lên bàn thờ Mẹ Việt Nam Anh hùng Võ Thị Khéo - mẹ của 2 ông

Ông Trung kể: “Cha mẹ tôi có 11 người con, trong đó, 2 người là liệt sĩ. Tôi và Tồn ở quê nhà, cùng chăm sóc mẹ trên chính mảnh đất ông bà để lại. Các anh, chị em khác đều có sự nghiệp ổn định, một lòng theo Đảng, phụng sự nhân dân. Anh em chúng tôi cất nhà sát vách, qua lại mỗi ngày và luôn giữ sự thuận hòa, đoàn kết. Ngày mẹ tôi còn sống, bà rất vui vì điều đó”. Vì ở cạnh nhau nên 2 gia đình thân thiết, xem như một gia đình lớn, cùng quan tâm, hỗ trợ lẫn nhau cả về kinh tế lẫn việc chăm sóc các con, cháu. Ông Tồn kể, khi các con còn nhỏ, cả 2 gia đình đều rất vất vả, kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, việc học hành của các con, cháu luôn được quan tâm và ưu tiên hàng đầu. Tiếp nối truyền thống gia đình, ông Tồn và ông Trung luôn nhắc nhở các con, cháu nỗ lực học hành. Con của ông Tồn, ông Trung đều tốt nghiệp đại học, có người tiếp bước gia đình, trở thành quân nhân chuyên nghiệp.

Mỗi ngày, sau thời gian làm việc, ông Ngô Văn Trung (bên phải) và ông Ngô Văn Tồn ngồi lại với nhau, cùng nói câu chuyện về con, cháu và vui niềm vui thuận hòa

Giờ đây, khi các con đều thành công, gia đình ông Tồn và ông Trung lại càng thắt chặt hơn mối dây tình cảm. Mỗi ngày, sau thời gian làm việc, 2 ông ngồi lại với nhau, cùng nói câu chuyện về con, cháu và vui niềm vui thuận hòa. Theo ông Trung, “bí quyết” lớn nhất của gia đình ông chính là sự đồng lòng, thấu hiểu và chia sẻ. “Tôi là anh nên gia đình em tôi luôn có sự nể trọng. Riêng gia đình tôi cũng rất tôn trọng gia đình em. Khi có việc gì cần bàn bạc, anh em chúng tôi luôn giữ hòa khí, lắng nghe để hiểu hết và hiểu đúng ý của nhau. Chúng tôi giúp đỡ nhau từ việc lớn đến việc nhỏ, không câu nệ gì cả. Chính vì anh em tôi gắn bó nên các con, cháu cũng học theo, biết quan tâm, yêu thương lẫn nhau từ ngày nhỏ cho đến bây giờ. Nhờ vậy, gia đình tôi mới có thể đồng lòng thành lập quỹ khuyến học trong dòng họ để động viên các cháu học hành, tiếp nối truyền thống của gia đình” - ông Trung tâm sự.

3.

Yêu thương, chia sẻ, cảm thông chính là nguyên tắc cơ bản để xây dựng gia đình hạnh phúc. Đó là điều mà vợ chồng chị Nguyễn Thị Kim Kiều và anh Đỗ Hữu Tùng (xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành) đúc kết được sau gần 20 năm chung sống. Chị Kiều kể: “Bây giờ, các con lớn rồi nên vợ chồng tôi thư thả hơn. Mỗi chiều, chúng tôi hay ra trước nhà hóng gió, cùng nhau trò chuyện. Để có được những phút giây như vậy, chúng tôi đã cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn, vất vả. Sự chia sẻ, hỗ trợ của chồng chính là động lực lớn nhất của tôi khi gia đình còn khó khăn”.

Yêu thương, chia sẻ, cảm thông chính là bí quyết xây dựng gia đình của chị Nguyễn Thị Kim Kiều và anh Đỗ Hữu Tùng (xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành)

Anh Tùng và chị Kiều đều là giáo viên, quen nhau tại huyện Thạnh Hóa trong những năm đầu xung phong về vùng sâu công tác. Cưới nhau và sinh con trong hoàn cảnh xa nhà, anh chị phải tự mình xoay xở, vừa làm việc, vừa chăm con. Những lúc vợ đến trường, anh Tùng chăm sóc 2 con nhỏ. Tất cả việc nhà từ nấu cơm, giặt giũ, anh chị cùng nhau làm. Nhờ vậy, chị Kiều vơi phần vất vả. Mỗi tối, gia đình nhỏ cùng nhau quây quần bên mâm cơm, sau đó, cùng đọc sách, kể chuyện cho nhau nghe. Hai người con của anh chị đã lớn lên từ những tiếng cười ấm áp, tròn đầy như thế.

Anh Đỗ Hữu Tùng luôn chia sẻ với chị Nguyễn Thị Kim Kiều mọi việc trong gia đình

Anh chị về quê công tác khi các con vào tiểu học. Ngoài giờ lên lớp, anh chị làm thêm kinh tế phụ, nhờ vậy, thu nhập của gia đình ngày càng ổn định. Cùng là giáo viên nên anh chị còn hỗ trợ nhau về chuyên môn. Chị Kiều chia sẻ: “Trước đây, khi ở huyện Thạnh Hóa, do phải lo cho con nhỏ nên tôi không đủ thời gian tham gia các hoạt động phong trào. Khi các con lớn hơn, năm nào tôi cũng tham gia thi giáo viên dạy giỏi và giáo viên chủ nhiệm giỏi. Có chồng đồng hành, ủng hộ nên tôi mạnh dạn tham gia”. Chính sự đồng lòng, hỗ trợ lẫn nhau của anh chị là tấm gương cho hai người con noi theo. Hai anh em ngoài việc giữ thành tích học tập tốt, còn luôn yêu thương nhau, trở thành niềm tự hào của cha mẹ.

Muốn có xã hội văn minh, tiến bộ thì trước hết mỗi cá nhân phải hạnh phúc, thành công. Gia đình hạnh phúc, ấm êm chính là chỗ dựa vững chắc nhất cho mỗi người trong hành trình khẳng định mình./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết