Tiếng Việt | English

18/11/2018 - 10:26

Từng bước sản xuất bánh tráng trộn theo hướng an toàn thực phẩm

Vài năm trở lại đây, bánh tráng trộn (BTT) Long An là món ăn vặt nổi tiếng được nhiều người biết đến. Để BTT được sản xuất đúng theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm (ATTP), Sở Công Thương đang tiến hành xây dựng thí điểm cơ sở sản xuất bảo đảm ATTP, tiến tới nhân rộng ra các cơ sở khác trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, dọc tuyến Quốc lộ 1 đoạn qua địa bàn TP.Tân An, huyện Thủ Thừa, Bến Lức,... có nhiều điểm bán BTT và được không ít người tiêu dùng chọn mua. Thế nhưng, việc sản xuất và kinh doanh BTT lại đang phát sinh nhiều vấn đề được các ngành chức năng quan tâm. Theo đó, quy mô sản xuất BTT đều nhỏ, lẻ, quy trình pha trộn đơn giản, thiết bị sản xuất thô sơ, bao bì đơn giản, địa điểm kinh doanh không cố định. Đặc biệt, vấn đề về ATTP chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn để quản lý chất lượng loại sản phẩm này. Vì vậy, để việc sản xuất, kinh doanh BTT trên địa bàn tỉnh trở thành một loại hình sản xuất, kinh doanh ổn định, có cơ hội phát triển bền vững, bảo đảm ATTP được Sở Công Thương quan tâm.

Sở Công Thương đang phối hợp Phòng Kinh tế TP.Tân An tiến hành xây dựng thí điểm cơ sở sản xuất BTT theo hướng ATTP, đáp ứng nhu cầu được dùng sản phẩm an toàn của người tiêu dùng. Theo đó, khi thành công, từ cơ sở thí điểm sẽ nhân rộng ra các cơ sở khác, dần loại khỏi thị trường các sản phẩm không bảo đảm vệ sinh, ATTP, từ đó hướng đến mục tiêu xây dựng thương hiệu BTT cho tỉnh nhà.

Sản xuất bánh tráng trộn tại cơ sở cô Út

Theo đó, bằng nguồn kinh phí khuyến công địa phương, Sở Công Thương chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp chọn hộ kinh doanh BTT cô Út (số 772, Quốc lộ 1, phường Khánh Hậu, TP.Tân An) do ông Bùi Thanh Lâm làm chủ, xây dựng đề án ứng dụng máy trộn ngang trong sản xuất BTT. Cơ sở cô Út sản xuất bánh tráng hơn 4 năm nay và chế biến 20 loại BTT với nhiều hương vị khác nhau. Bình quân mỗi ngày, cơ sở sản xuất thành phẩm trên 1 tấn bánh, cung cấp đến các điểm bán lẻ trên địa bàn TP.Tân An, TP.HCM và các tỉnh, thành: Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Cà Mau, Trà Vinh,...

Ông Bùi Thanh Lâm cho biết, bánh tráng là nguyên liệu chính được mua từ cơ sở sản xuất ở tỉnh Tây Ninh. Riêng gia vị dành sản xuất rất đa dạng như muối, khoai tây, đường, ớt,... được chọn mua ở các cơ sở sản xuất có giấy xác nhận đủ điều kiện ATTP hoặc sản xuất tại chỗ. Kinh phí được hỗ trợ (38,5 triệu đồng), cơ sở dành để đầu tư máy trộn, giúp bánh tráng thấm đều gia vị, rút ngắn thời gian pha trộn và giữ vệ sinh, ATTP trong quá trình sản xuất. Do sản xuất số lượng bánh lớn, ngoài đầu tư máy trộn, cơ sở cô Út còn đầu tư máy cắt bánh nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn cho người dùng.

Ngoài việc hỗ trợ cơ sở cô Út máy trộn bánh tráng, Sở Công Thương còn tổ chức đoàn khảo sát, rà soát và hướng dẫn cơ sở thực hiện các hồ sơ pháp lý, cải tạo điều kiện cơ sở vật chất bảo đảm quy định của pháp luật về ATTP. Theo ông Bùi Thanh Lâm, trong quá trình sản xuất, cơ sở luôn tìm nguồn nguyên liệu tốt để chế biến BTT, mang đến thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, không ít khách hàng là người bán lẻ pha trộn thêm bánh tráng lẫn gia vị khác nhằm tăng lợi nhuận. Chính vì vậy, bánh bán ra ở dọc các tuyến đường có nơi kém chất lượng. Bên cạnh đó, người bán bánh thường trưng bày bánh trong điều kiện thời tiết nắng nóng nên chất lượng sẽ giảm, mau hư hỏng. Với những khó khăn như hiện nay, cơ sở cô Út muốn xây dựng thương hiệu để giúp người tiêu dùng nhận biết và phát triển sản xuất bền lâu.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương - Nguyễn Anh Việt, qua khảo sát, cơ sở cô Út có chú trọng đến chất lượng, hướng đến sản xuất theo quy trình ATTP. Tuy nhiên, vẫn có những mặt tồn tại, hạn chế. Vì vậy, Sở Công Thương tiếp tục chỉ đạo bộ phận liên quan tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn và giám sát cơ sở tuân thủ các quy định bảo đảm ATTP trong sản xuất BTT. Sở Công Thương cũng phối hợp các đơn vị chức năng của TP.Tân An lấy mẫu giám sát, đánh giá các nguy cơ nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn sự cố mất ATTP.

Ông Nguyễn Anh Việt cho biết thêm, trách nhiệm của cơ sở sản xuất BTT là phải chấp hành sự hướng dẫn của Sở Công Thương và cơ quan liên quan trong xây dựng mô hình sản xuất điểm; đồng thời, cần cải tạo điều kiện vật chất, vệ sinh, ATTP và thông tin đầy đủ, chính xác về sản phẩm trên nhãn, bao bì, tài liệu kèm theo thực phẩm, tiến tới thực hiện đăng ký tự công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật. Khi xây dựng thành công điểm sản xuất BTT này, các điểm sản xuất khác sẽ được học tập kinh nghiệm và áp dụng để hướng đến tạo sản phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng./.

Gia Hân

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích