Bài 1: Ứng dụng công nghệ vào sản xuất
Qua thời gian thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC, tỉnh đạt nhiều kết quả nổi bật như nhận thức của người dân thay đổi từ sản xuất theo hướng truyền thống sang làm kinh tế nông nghiệp, hướng đến sản xuất sạch, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và xuất khẩu. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo giúp giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm sức lao động, tăng năng suất trên cùng diện tích canh tác và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Hiện toàn tỉnh có 1.944ha rau ứng dụng công nghệ cao
Nâng cao hiệu quả sản xuất
Với nhiều nông dân, việc thay đổi tư duy sản xuất từ truyền thống sang ƯDCNC để nâng cao hiệu quả là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, cựu chiến binh Phan Văn Tấn Quốc (ấp 6, xã Bình Đức, huyện Bến Lức) tiên phong chuyển đổi từ đất trồng mía lợi nhuận thấp sang trồng chanh và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Được biết, hiện gia đình ông Tấn Quốc có 3ha chanh đều sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm. Ông nhẩm tính: “3ha chanh nếu tưới theo cách truyền thống tốn trên 70 triệu đồng/năm chi phí nhân công, xăng, dầu, còn đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm tốn 90 triệu đồng nhưng sử dụng lâu dài. Như vậy, chỉ cần 1,5 năm là nhà vườn có thể hoàn vốn. Những năm tiếp theo, chỉ bỏ ra chi phí điện và khấu hao hệ thống khoảng 2 triệu đồng/năm. Ngoài lợi ích về kinh tế khi sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, lượng nước tưới được cung cấp đều đặn, ẩm độ được phân bố đều trong tầng đất canh tác và tiết kiệm được khoảng 40% lượng nước tưới, giảm 75% thời gian tưới, giảm 100% công lao động ở khâu tưới nước, hạn chế gây xói mòn đất, rất phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay. Trong quá trình tưới, nông dân có thể pha loãng dinh dưỡng ở dạng hòa tan để bón cho cây thông qua hệ thống tưới. Nhờ đó, dinh dưỡng được thấm từ từ vào đất, giúp cây hấp thụ hiệu quả, không làm thất thoát phân bón”.
Nhận thấy việc sử dụng thiết bị máy phun thuốc vừa giải quyết được “bài toán” về nhân công lao động, vừa giảm được chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hoàng Gia (xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh) đầu tư 7 máy bay phun thuốc nhằm phục vụ thành viên và làm dịch vụ. Anh Văn Thanh Liêm (đại diện HTX Nông nghiệp Hoàng Gia) cho biết: “Trước đây, HTX chỉ mua 1 máy nhằm phục vụ nhu cầu của các thành viên. Sau thời gian sử dụng, nhận thấy máy bay phun thuốc mang lại hiệu quả thiết thực nên HTX đầu tư thêm 6 máy, bình quân 450 triệu đồng/máy. Phun thuốc bằng máy bay sẽ giảm từ 30-35% lượng thuốc so với phun xịt bằng tay. Chi phí phun thuốc bằng máy bay khoảng 120.000 đồng/ha, giảm 50.000 đồng/ha so với phun bằng tay”.
Hợp tác xã Nông nghiệp Hoàng Gia đầu tư 7 máy bay phun thuốc nhằm phục vụ thành viên và làm dịch vụ
Đến nay, huyện Cần Đước có gần 600ha rau ƯDCNC với sản lượng trên 32.000 tấn/năm, chủ yếu tiêu thụ ở TP.HCM và các tỉnh lân cận. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương chia sẻ: “Thông qua thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC, huyện có nhiều mô hình cho năng suất, sản lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Cụ thể, nông dân tự đầu tư xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm, ứng dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất, gieo cấy, bón phân, phun thuốc, thu hoạch; hạn chế sử dụng phân bón, thuốc hóa học, tăng phân hữu cơ, thuốc sinh học,…”.
Tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất
Thay đổi tư duy sản xuất là điều quan trọng giúp nhà nông tăng năng suất, lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác; đồng thời, giúp ngành Nông nghiệp phát triển theo hướng xanh, bền vững và thân thiện với môi trường. Đây được xem là xu hướng tất yếu của ngành Nông nghiệp. Giám đốc HTX Nông nghiệp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Thị Diệu Ngân cho biết: “Trước kia, nông dân làm ruộng rất vất vả bởi chưa biết đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, tất cả đều sử dụng sức lao động là chính. Nếu trước đây, đến mùa thu hoạch, nông dân phải làm nhiều công đoạn như thuê nhân công cắt lúa, máy phóng, người vận chuyển và nấu cơm cho nhân công ăn,... thì bây giờ, tất cả các khâu thu hoạch đều sử dụng máy móc, thiết bị hiện đại. Riêng HTX đầu tư 2 máy gặt đập liên hợp phục vụ nhu cầu thu hoạch của thành viên HTX và nông dân bên ngoài”.
Việc lựa chọn cây giống, con giống chất lượng cũng là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại của mô hình. Xác định được điều này, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh ưu tiên chọn giống rõ nguồn gốc, xuất xứ. Điển hình như ông Phạm Minh Sang (xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa) quyết định chuyển sang nuôi giống bò 3B theo hướng công nghệ cao thay vì nuôi bò vàng thả đồng như trước đây. Hướng đi này giúp ông rút ngắn được thời gian nuôi và tăng giá trị cho đàn bò trên 10 triệu đồng/con so với trước đây.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bến Lức - Nguyễn Văn Cơ: “Chanh cũng như bất kỳ loại cây ăn quả khác, để ra nhiều trái, trước hết nông dân phải chọn được giống tốt. Nắm bắt được điều này, đa số nông dân trồng chanh trên địa bàn huyện đều chú trọng đến việc chọn cây giống, rõ nguồn gốc. Đây cũng là cách nông dân ƯDCNC vào sản xuất”.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền thông tin: “Thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021-2025, ngành Nông nghiệp tỉnh tập trung vào 4 cây và 2 con. Đến nay, tiến độ triển khai, thực hiện ƯDCNC trên đia bàn tỉnh cơ bản đáp ứng mục tiêu đề ra. Cụ thể, toàn tỉnh hiện có trên 42.000ha lúa (đạt 71% kế hoạch), 1.944ha rau (đạt 97% kế hoạch), 2.130ha chanh (đạt 71% kế hoạch), 4.087ha thanh long (đạt trên 68% kế hoạch). Riêng trên con bò và con tôm, tiến độ triển khai còn chậm, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện”./.
(còn tiếp)
Lê Ngọc - Bùi Tùng