Tiếng Việt | English

30/05/2023 - 11:06

Ứng dụng công nghệ cao để phát triển nông nghiệp bền vững (Bài cuối)

Ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) để hướng đến phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu là xu hướng chung của xã hội. Vậy, Long An đã làm được gì, người dân, doanh nghiệp nhận thức như thế nào về ƯDCNC? Thời gian tới, các ngành chức năng sẽ đưa ra các giải pháp khắc phục khó khăn, hạn chế ra sao trong tiến trình phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp?

Bài cuối: Thách thức và cơ hội

Phát triển nông nghiệp ƯDCNC được xem là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra các sản phẩm an toàn, tăng năng suất, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình này vẫn gặp nhiều khó khăn, đây thực sự là một thách thức lớn cho ngành Nông nghiệp tỉnh.

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân các quy trình trồng thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP

Nhiều thách thức

Những năm qua, phát triển nông nghiệp theo hướng ƯDCNC trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, giúp họ tiếp cận khoa học - kỹ thuật tiên tiến, sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt,... để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, việc phát triển nông nghiệp ƯDCNC vẫn chưa tương xứng với tiềm năng do trình độ sản xuất của nông dân còn hạn chế; nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, xử lý môi trường đất, đầu tư giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo người lao động còn hạn chế. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp không ổn định, khả năng cạnh tranh và hiệu quả sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp ƯDCNC chưa tương xứng với đầu tư; việc tiếp cận nguồn vốn vay để mở rộng quy mô sản xuất còn nhiều khó khăn; những định hướng, dự báo nhu cầu, thông tin thị trường chưa được kịp thời.

Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều người dân vẫn còn tâm lý vào hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác tham gia mô hình sản xuất ƯDCNC chủ yếu để được nhận hỗ trợ từ Nhà nước. Một số mô hình trình diễn sản xuất ƯDCNC có hiệu quả nhưng việc nhân rộng còn gặp khó khăn do tỷ lệ vốn đối ứng của người dân trong các mô hình còn cao, chưa có chính sách khuyến khích riêng để thực hiện chương trình, trình độ ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chủ yếu sử dụng định mức khuyến nông để thực hiện. Vì vậy, việc đầu tư sản xuất nông nghiệp ƯDCNC còn cầm chừng, khó mở rộng và hiệu quả kinh tế chưa được như kỳ vọng.

Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hưng Thịnh Phát (xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng) - Trần Trung Lắm chia sẻ: “Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC giúp nông dân có nhiều cơ hội trong sản xuất. Tuy nhiên, một số chính sách khi áp dụng, nông dân khó tiếp cận được vì không sát thực tế, gây khó cho HTX cũng như địa phương. Ngoài ra, việc hỗ trợ, kêu gọi các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm của nông dân còn nhiều hạn chế nên nhiều nông dân vẫn phải bán qua thương lái, thường bị ép giá, lợi nhuận không cao”.

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình đầu tư sản xuất nông nghiệp ƯDCNC, anh Trần Văn Thưởng (xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc) bộc bạch: “Năm 2018, tôi quyết định chuyển đổi trên 0,4ha đất và đầu tư trên 200 triệu đồng để xây dựng nhà lưới sản xuất rau, cà chua,... Bên cạnh việc đầu tư kết cấu hạ tầng, tôi còn áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, các phương pháp ghép cành, sử dụng các loại giống có năng suất, chất lượng cao. Tuy nhiên, đến khi thu hoạch, giá bán ra không cao hơn so với sản xuất thông thường”.

Có thể nói, các địa phương trên địa bàn tỉnh đều đang gặp trở ngại trong quá trình đầu tư phát triển nông nghiệp ƯDCNC. Vì vậy, để chương trình được nhân rộng và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, các địa phương đã và đang tập trung thực hiện các giải pháp nhằm “phá bỏ” những rào cản mà các doanh nghiệp, nông dân đầu tư sản xuất nông nghiệp ƯDCNC đang phải đối mặt.

Trong đó, trọng tâm là giúp nông dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và chính sách hỗ trợ của Nhà nước; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện tốt việc nghiên cứu, tuyển chọn, chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, quy trình công nghệ mới vào sản xuất, nhất là công nghệ trong chế biến, bảo quản sản phẩm. Bên cạnh đó, các địa phương cần tích cực xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đặc trưng của địa phương để thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm.

Và cũng có cơ hội

Bên cạnh những khó khăn, thách thức, Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC thời gian qua cũng mang đến nhiều khởi sắc cho ngành Nông nghiệp tỉnh. Cụ thể, những loại cây, con được tỉnh chọn để thực hiện chương trình đã có những bước tiến mới, chất lượng hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn.

Trong đó, nổi bật phải kể đến là lúa gạo, thanh long và chanh không hạt. Những loại nông sản đang được nhiều doanh nghiệp đầu tư để chế biến, xuất khẩu. Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức, hiện toàn huyện có trên 1.880ha chanh ƯDCNC sản xuất theo hướng GAP đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường châu Âu với sản lượng gần 15.000 tấn/năm thông qua Cty The Fruit Republic (Hà Lan).

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức - Lê Văn Nam chia sẻ: “Từ nhiều năm qua, nông dân trên địa bàn huyện đã mạnh dạn đầu tư ƯDCNC vào sản xuất theo các quy chuẩn GAP, GlobalGAP,... đủ điều kiện xuất sang thị trường châu Âu. Đặc biệt, khi ký hợp đồng và sản xuất theo đúng quy trình mà Cty đưa ra, nông dân sẽ được thu mua với giá cao hơn từ 3.000-5.000 đồng/kg”.

Bên cạnh cây chanh, người trồng thanh long trên địa bàn tỉnh cũng dần chuyển đổi tập quán sản xuất, chú trọng nhiều hơn vào chất lượng thay vì chạy theo số lượng như trước đây. Giám đốc HTX Thanh long Tầm Vu - Trương Quang An cho biết: “HTX hiện có trên 40 thành viên với diện tích trên 50ha và hàng trăm hộ liên kết. Phần lớn diện tích trồng thanh long của HTX đều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; ƯDCNC vào sản xuất. Năm 2022, HTX được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà kho trên 5.500m2 để chế biến, đóng gói thanh long xuất khẩu; xây dựng kho lạnh bảo quản thanh long 500 tấn. Mỗi năm, hàng ngàn tấn thanh long được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, trong đó, 50% xuất đi Trung Quốc; số còn lại xuất sang Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Ấn Độ, Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất,... Nhờ đó, doanh thu của HTX năm sau luôn cao hơn năm trước, cuộc sống của các thành viên HTX vì vậy mà cũng đỡ vất vả hơn”.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, thời gian tới, ngành Nông nghiệp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về Chương trình Phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, ngành tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình theo hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản; triển khai xây dựng mô hình ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa, mô hình giảm lượng phân bón vô cơ trong sản xuất.

Song song đó, ngành cũng tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp ƯDCNC; lồng ghép các nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi đang triển khai trên địa bàn các huyện để phục vụ vùng sản xuất ƯDCNC.

“Ngoài ra, ngành cũng sẽ tập trung rà soát, hướng dẫn và hỗ trợ các tổ hợp tác, HTX kết nối với các doanh nghiệp thu mua. Qua đó, sớm ổn định đầu ra cho các loại nông sản, đặc biệt là các nông sản được nông dân ƯDCNC vào sản xuất nhằm bảo đảm tiến độ và mục đích mà chương trình đã đề ra” - ông Nguyễn Thanh Truyền thông tin.

Chương trình ƯDCNC vào sản xuất nông nghiệp đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần tăng khả năng cạnh tranh của nông sản, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Điều này càng khẳng định, ƯDCNC vào nông nghiệp là hướng đi đúng, bền vững và phù hợp với nền nông nghiệp hiện đại./.

Lê Ngọc - Bùi Tùng

Bài 2: Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Công nghiệp và nông nghiệp phải giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau phát triển, như hai chân đi khỏe và đi đều thì tiến bước sẽ nhanh, và nhanh chóng đi đến mục đích”. Làm theo lời Bác dạy, Long An tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp, góp phần hình thành các khu vực chuyên canh, vừa tạo lợi thế cạnh tranh, vừa tạo điều kiện cho phát triển công nghiệp bảo quản và chế biến.

Chia sẻ bài viết