Công ty Cổ phần Dệt Đông Quang đầu tư xây nhà lưu trú cho công nhân có nơi ở ổn định
Chật vật tìm chỗ trọ phù hợp
Số lượng CNLĐ lớn, đa phần là dân nhập cư nên nhu cầu về nhà ở của công nhân rất cao. Ai cũng mong muốn tìm được nơi ở ổn định, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, bảo đảm an ninh, trật tự và nhất là giá thuê phải phù hợp. Trước thực tế này, người dân xung quanh các khu, cụm công nghiệp xây dựng nhiều phòng trọ, thậm chí tận dụng các phòng trống trong nhà cho công nhân thuê. Qua khảo sát, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.792 khu nhà trọ với 16.631 phòng, có trên 40.000 CNLĐ thuê. Những nhà trọ thường thiếu nơi sinh hoạt chung, không có khu vui chơi, giải trí; giá điện, nước cao và tiềm ẩn tệ nạn xã hội, tình hình an ninh, trật tự cũng chưa được bảo đảm,...
Hiện nay, chỉ có 17 DN đầu tư xây nhà ở cho CNLĐ với 1.006 phòng tương đối khang trang, đúng quy cách và bố trí cho 3.445 người ở, đa phần miễn phí hoặc chỉ thu tiền điện, nước. Những phòng trọ này vừa bảo đảm những nhu cầu thiết yếu, vừa phù hợp túi tiền của CNLĐ. Thế nhưng, những phòng trọ do DN xây dựng chỉ đáp ứng phần nhỏ nhu cầu của CNLĐ.
Công nhân, lao động luôn có nhu cầu cao về nhà ở, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần
"Mô hình nhà lưu trú phải bảo đảm được một số điều kiện như: Vị trí nhà phải thuận lợi và ở gần các khu, cụm công nghiệp. Các khu vực nhà lưu trú phải có nhiều loại phòng, phù hợp với mức lương và nhu cầu chỗ ở cho CNLĐ. Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến một số yếu tố khác như các phòng dành cho nữ phải có buồng tắm riêng, các dãy nhà nam và nữ không quá tách biệt nhằm tạo môi trường giao lưu tốt cho họ. Từng cụm nhà phải có các công trình phúc lợi công cộng nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí và nâng cao đời sống tinh thần cho CNLĐ,..." Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh - Nguyễn Văn Quí
|
Tại khu nhà trọ có khoảng 15 phòng trên địa bàn xã Lợi Bình Nhơn, gần Cụm công nghiệp Lợi Bình Nhơn, anh Trương Văn Cọp, công nhân Cty Tanimex-LA cho biết: "Khu trọ này thuộc vùng trũng, nền thấp, mỗi lần có mưa, hành lang và các phòng trọ ngập nước. Nước bẩn, rác thải sinh hoạt của một số công nhân thiếu ý thức vứt ra hành lang tràn vào phòng trọ. Biết là điều kiện sống không bảo đảm nhưng giá thuê rẻ, phù hợp với thu nhập của người lao động nghèo. Xung quanh đây cũng có những phòng trọ khang trang hơn nhưng giá thuê từ 700.000-800.000 đồng/phòng/tháng, quá cao so với thu nhập của chúng tôi”.
Chị Lê Thị Thanh Tươi, công nhân Cty TNHH E.Land Việt Nam, đang thuê phòng trọ tại khu phố 8, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức chia sẻ: "Hiện nay, công nhân phải dành gần 1/3 tiền lương để trả tiền trọ, phần còn lại, nào là tiền ăn, tiền sinh hoạt cá nhân và còn phải dành dụm gửi về quê, chưa kể những cặp vợ chồng có con nhỏ, chi phí sẽ tăng hơn nhiều. Các cháu nhỏ theo cha mẹ ở trọ rất khó tìm chỗ học phù hợp, sinh hoạt cũng không được thoải mái”.
Thực trạng này ai cũng thấy, do đồng lương CNLĐ thấp, hầu hết họ phải thuê nhà trọ chật chội và thiếu những tiện nghi tối thiểu. Trong một môi trường sống như thế, ăn uống kham khổ,... khó bảo đảm đủ sức khỏe để làm việc tốt.
Các nhà trọ cho công nhân, lao động hầu hết thiếu các điều kiện vui chơi, giải trí
"Điểm sáng" nhà lưu trú cho công nhân
Theo số liệu thống kê từ Liên đoàn Lao động tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có 17 DN đầu tư xây dựng nhà ở cho CNLĐ với tổng cộng 1.006 phòng. Bình quân diện tích mỗi phòng từ 12-40m2. Với số lượng phòng như vậy đủ chỗ ở cho 3.445 công nhân.
Một trong những DN làm tốt việc chăm lo cho CNLĐ, nhất là vấn đề đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân phải kể đến Cty Cổ phần Dệt Đông Quang - Khu công nghiệp Hải Sơn, huyện Đức Hòa. Được xây dựng vào năm 2009 trên diện tích 7.830m2 với tổng trị giá hơn 43 tỉ đồng, khu nhà lưu trú cho công nhân của Cty có 522 phòng, bình quân diện tích mỗi phòng 15m2, có sức chứa 1.700 CNLĐ. Chị Nguyễn Thị Phụng, công nhân Cty chia sẻ: "Nếu thuê phòng trọ ở ngoài, mỗi khi Nhà nước tăng lương và giá cả thị trường tăng, chủ nhà trọ cũng tăng giá cho thuê nhưng vào ở tại nhà lưu trú của Cty thì không phải lo chuyện phòng trọ tăng giá, nơi đây còn bảo đảm an ninh, trật tự và các điều kiện tối thiểu trong sinh hoạt. Do được Cty hỗ trợ chi phí nên hàng tháng, mỗi công nhân chỉ đóng thêm tiền điện, nước".
Khu nhà lưu trú dành cho công nhân của Cty TNHH SX TM DV Lê Nam tại ấp Mới 2, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa cũng là một trong những nơi ở lý tưởng dành cho CNLĐ có thu nhập thấp. Khu nhà này có 52 phòng, mỗi phòng 15m2 với tổng diện tích 780m2, tổng vốn đầu tư 1,5 tỉ đồng, được xây dựng từ năm 2011 với sức chứa khoảng 150 công nhân.
Anh Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Cty TNHH SX TM DV Lê Nam cho biết: "Bình quân giá cho thuê mỗi phòng là 600.000 đồng/tháng, trong đó, Cty hỗ trợ công nhân 100.000 đồng/người. Ví dụ, phòng có 4 người ở thì công nhân chỉ phải trả tiền phòng là 200.000 đồng/tháng. Còn tiền điện, nước thì xài bao nhiêu trả bấy nhiêu theo giá Nhà nước quy định. Bình quân mỗi công nhân khi ở tại khu nhà lưu trú của Cty phải trả hơn 100.000 đồng/người/tháng, thấp hơn rất nhiều so với ở trọ bên ngoài. Mong muốn chung của hầu hết CNLĐ là cần có một chỗ trọ sạch sẽ, tiện nghi và bảo đảm an ninh, trật tự, nhất là đối với công nhân nữ. Vì vậy, nếu đáp ứng những nhu cầu này, DN sẽ có nguồn lao động ổn định".
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh - Nguyễn Văn Quí cho biết: Mô hình nhà lưu trú phải bảo đảm được một số điều kiện như: Vị trí nhà phải thuận lợi và ở gần các khu, cụm công nghiệp. Các khu vực nhà lưu trú phải có nhiều loại phòng, phù hợp với mức lương và nhu cầu chỗ ở cho CNLĐ. Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến một số yếu tố khác như các phòng dành cho nữ phải có buồng tắm riêng, các dãy nhà nam và nữ không quá tách biệt nhằm tạo môi trường giao lưu tốt cho họ. Từng cụm nhà phải có các công trình phúc lợi công cộng nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí và nâng cao đời sống tinh thần cho CNLĐ,...
Hiện nay, chủ trương của UBND tỉnh là kêu gọi xã hội hóa theo lộ trình giao quyền sử dụng đất, ưu đãi thuế, DN bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân,... Nhưng thực tế, số DN đầu tư xây nhà lưu trú còn quá ít so với nhu cầu của CNLĐ hiện nay. Nhằm giải quyết bài toán khó này, thiết nghĩ, Nhà nước cần có những chính sách, cơ chế ưu đãi hơn để nhà đầu tư thực hiện chủ trương xã hội hóa; đồng thời, DN phải có trách nhiệm tạo nhà ở lưu trú cho CNLĐ, giúp họ "an cư, lạc nghiệp", vì đây là lực lượng trực tiếp làm giàu cho DN và tạo ra của cải vật chất cho xã hội./.
Song Hồng